Phóng sự chuyên đề

Vacxin Việt

Từ chỗ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vacxin nhập ngoại, đến nay Việt Nam đã có 4 nhà máy sản xuất vacxin với trang thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế sánh ngang các nước trong khu vực và trên thế giới.
Những ngày đầu gian khó
Tại hội thảo “Kỷ niệm 25 năm ngày Tiêm chủng mở rộng Việt Nam”, chúng tôi được biết thêm nhiều câu chuyện đáng nhớ và tự hào về những ngày tháng đầu tiên xây dựng ngành tiêm chủng mở rộng (TCMR) của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam 25 năm trước. Từ cuộc hội thảo ấy, chúng tôi đã tìm gặp một trong những nhà khoa học tiên phong trong phong trào xây dựng ngành TCMR của thời kỳ đó, GS Nguyễn Văn Mẫn.

GS xúc động kể lại: “Vào những năm 1957, 1958, 1959, một đại dịch về bệnh bại liệt đã bùng nổ gây bao kinh hoàng và khốn khổ cho hàng vạn gia đình các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Từ thành thị đến thôn quê, trẻ bại liệt lê lết khắp nơi…”. Đứng trước thách thức về dịch bệnh này, nhà nước đã cử GS Hoàng Thủy Nguyên sang Liên Xô (cũ) nghiên cứu, tìm hiểu về công nghệ sản xuất vacxin Sabin, một loại vacxin phòng bệnh bại liệt do Tiến sỹ Albert Sabin (người Mỹ gốc Ba Lan) nghiên cứu thành công vào khoảng năm 1954-1955.

Sau khi tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vacxin Sabin của Liên Xô, về nước GS Hoàng Thủy Nguyên đã nhanh chóng thành lập một nhóm các nhà khoa học để triển khai việc sản xuất vacxin bại liệt tại Việt Nam. Vacxin Sabin được sản xuất trên tế bào thận khỉ Vàng (tên khoa học là Macaca mutala). Tuy nhiên, lúc đó Việt Nam chưa có cơ sở chăn nuôi khỉ. Bởi vậy, để có được nguồn nguyên liệu thường xuyên, đầy đủ cho việc nghiên cứu sản xuất vacxin, nhóm nghiên cứu đã đề xuất việc thành lập ngay một khu nuôi khỉ Vàng ở đảo Rều, một hòn đảo hoang nằm giữa vịnh Bái Tử Long của Quảng Ninh. Và kết quả là đến năm 1962, Việt Nam đã sản xuất được 2 triệu liều vacxin bại liệt.


Cán bộ y tế lặn lội lên vùng cao thực hiện chương trình TCMR. (Ảnh: Tư liệu)

 Tiêm vacxin phòng sởi tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. (Ảnh: Việt Cường)

Nhờ những tiến bộ vượt bậc của ngành vacxin Việt Nam, trên 90% trẻ em ở 100% xã trên toàn quốc được tiếp cận với TCMR.
(Ảnh: Việt Cường)

«...
       11 loại vacxin do Việt Nam sản xuất:
Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn.
Khi việc sản xuất vacxin mới đạt được một số thành công ban đầu, thì GS Hoàng Thủy Nguyên cùng các cộng sự phải đối đầu với những khó khăn mới. Đó là việc thông tin thiếu khách quan gây nghi hoặc về hiệu quả của vacxin nội do ta sản xuất. Thêm vào đó, tư tưởng sính hàng ngoại, chưa thực sự tin tưởng vào khả năng của các nhà khoa học trong nước nên đã gây không ít trở ngại cho việc sản xuất vacxin Sabin của ta.

Vì danh dự khoa học, vì tự trọng dân tộc, các nhà khoa học của Việt Nam đã vô cùng vất vả trong nhiều năm trời, phối hợp với các labo lớn nước ngoài để chứng minh và khẳng định chất lượng vacxin bại liệt do Việt Nam sản xuất. Cuối cùng, vacxin Sabin do Việt Nam sản xuất đã được công nhận và được đưa vào sử dụng toàn bộ trong chương trình TCMR toàn quốc. Và đến năm 2000, việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận Việt Nam là quốc gia thanh toán thành công bệnh bại liệt chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho chất lượng vacxin Việt.

Việc sản xuất thành công vacxin Sabin đạt chuẩn quốc tế ngay trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh gian khổ không chỉ là niềm tự hào của riêng đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam, mà còn được nhiều nước có nền công nghệ sản xuất vacxin tiên tiến lúc bấy giờ như Nhật Bản, Liên Xô (cũ) rất khâm phục. Và những thành công trên đã tạo nền móng vững chắc để giờ đây Việt Nam có một nền công nghệ sản xuất vacxin tiên tiến.

Bước đột phá của vacxin Việt
Để có được cái nhìn đầy đủ hơn về năng lực sản xuất vacxin của Việt Nam hiện nay, chúng tôi đã chọn Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vacxin và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) của Bộ Y tế để làm cơ sở phản ánh cho bài phóng sự này. Bởi đây chính là nơi những liều vacxin Sabin đầu tiên của Việt Nam ra đời vào năm 1962, đánh dấu cho sự khởi đầu của ngành nghiên cứu và sản xuất vacxin của Việt Nam.

Ngay thời kỳ đầu, khi còn mang tên Trung tâm Khoa học Sản xuất Vacxin Sabin, để có thể cung cấp một số lượng lớn lên đến vài chục triệu liều vacxin Sabin dùng cho chiến dịch TCMR quốc gia thì Trung tâm đã được nâng lên ở mức quy mô công nghiệp với sự tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vacxin tiên tiến của Nhật Bản. Và cũng ngay lúc bấy giờ vacxin Sabin do Trung tâm sản xuất đã được Tổ chức Y tế Thế giới Tây – Thái Bình Dương và phía Nhật Bản đánh giá công nhận đảm bảo an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn của WHO đề ra. Đây chính là bước ngoặt, đánh dấu sự phát triển của công nghệ sản xuất vacxin sau này của Việt Nam.

Ngày nay, POLYVAC đã có một cơ ngơi khang trang, quy mô, hiện đại và một Nhà máy sản xuất vacxin sởi hiện đại nhất Việt Nam (hoàn thiện đầu năm 2006) với tổng kinh phí hơn 20 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản. Hiện tại, Nhà máy đang ký kết dự án sản xuất vacxin Rubella với tổ chức JICA (Nhật Bản). Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 5 năm từ năm 2013 và kết thúc vào năm 2017.


Nhà máy sản xuất vacxin sởi hiện đại nhất Việt Nam, được xây dựng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản
với tổng kinh phí xây dựng hơn 20 triệu USD. (Ảnh: Việt Cường)

Hệ thống máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo cho môi trường sản xuất vacxin sởi. (Ảnh: Việt Cường)

Công đoạn pha môi trường nuôi cấy tế bào trong quá trình sản xuất vacxin sởi. (Ảnh: Việt Cường)
 
Việc chuẩn định các thông số kỹ thuật của hệ thống được thực hiện theo định kỳ. (Ảnh: Việt Cường)

Trứng sạch (không có tác nhân gây bệnh) nhập từ CHLB Đức - nguyên liệu đầu vào trong sản xuất vacxin sởi.
(Ảnh: Việt Cường)

Dụng cụ dùng trong quá trình sản xuất được rửa, vệ sinh bằng nước pha tiêm (WFI) trước khi đưa vào máy hấp sấy.
(Ảnh: Việt Cường)

Quy trình rửa và vô trùng lọ đựng vacxin được giám sát chặt chẽ. (Ảnh: Việt Cường)

Xác định nồng độ tế bào phôi gà trước khi đưa vào nuôi cấy vacxin sởi. (Ảnh: Việt Cường)

Kiểm tra vô trùng là thao tác quan trọng, bắt buộc sau khi kết thúc mỗi quy trình sản xuất. (Ảnh: Việt Cường)

Chia tế bào vào chai nuôi cấy. (Ảnh: Việt Cường)

Kỹ thuật viên lấy mẫu kiểm định chất lượng hỗn dịch nuôi cấy tế bào. (Ảnh: Việt Cường)

Sản phẩm thu được từ công đoạn tách tế bào, pha môi trường nuôi cấy tế bào. (Ảnh: Việt Cường)

Chuẩn bị cho quá trình đóng ống vacxin thành phẩm. (Ảnh: Việt Cường)

Chuyển vacxin sởi sau đông khô đến dây chuyền đóng nắp tự động. (Ảnh: Việt Cường)

Máy đóng nút tự động của dây chuyền đóng ống vacxin thành phẩm. (Ảnh: Việt Cường)

Vận hành máy đóng nước pha tiêm vacxin. (Ảnh: Việt Cường)

Một góc khu vực đóng gói vacxin thành phẩm. (Ảnh: Việt Cường)

Đoàn chuyên gia Nhật Bản thăm Nhà máy sản xuất vacxin sởi POLYVAC của Việt Nam. (Ảnh: Việt Cường)

Sản phẩm vacxin phòng sởi thành phẩm của Việt Nam. (Ảnh Việt Cường)

«...
          4 nhà máy sản xuất vacxin đạt chuẩn quốc tế của Việt Nam:
1/ Nhà máy sản xuất vacxin sởi thuộc POLYVAC.
2/ Nhà máy sản xuất vacxin Pasteur Nha Trang
    (IVAC).
3/ Công ty vacxin Pasteur Đà Lạt (DAVAC).
4/ Công ty sản xuất vacxin và sinh phẩm số 1
    (VABIOTECH).
Tất cả các công nghệ, máy móc, hệ thống nhà xưởng của POLYVAC hiện nay đều được chuyển giao và áp dụng theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của công nghệ Nhật Bản. Và cứ 6 tháng một lần, các chuyên gia Nhật Bản lại sang bảo dưỡng, bảo trì và kiểm tra máy móc. Môi trường cho việc sản xuất vacxin luôn đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế và được tự động hóa 100%. Mỗi khu vực bên trong Nhà máy đều được thiết lập theo những cấp độ an toàn khác nhau, vì vậy nếu không thực hiện đúng quy định máy móc sẽ phát hiện và tự động báo động.

Giám đốc POLYVAC Nguyễn Đăng Hiền cho biết, năm 2012 Trung tâm đã sản xuất được 300.000 liều vacxin Rota cung cấp cho thị trường dịch vụ, vacxin Rota là loại vacxin giá thành khá cao bởi nhu cầu của thế giới thì nhiều mà năng lực cung cấp thì có hạn.

Và POLYVAC cũng là cơ sở duy nhất trong cả nước được cấp phép đủ tiêu chuẩn để sản xuất vacxin Rota. Theo anh Hiền, năng lực sản xuất của Trung tâm có thể lên tới 4 triệu liều/năm. Do đó, nếu lộ trình đến năm 2015, Bộ Y tế tiến hành đưa vacxin Rota vào chương trình TCRM quốc gia thì POLYVAC có thể cung cấp toàn bộ nguồn vacxin này cho chương trình TCMR. “Đặc biệt, giá thành sản xuất vacxin Rota của Trung tâm hiện nay rẻ hơn rất nhiều so với thế giới. Do đó, vacxin Rota của Trung tâm có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu” - anh Hiền cho biết thêm.

Từ Trung tâm đầu tiên này, cho đến nay Việt Nam đã có 4 nhà máy sản xuất vacxin đạt tiêu chuẩn quốc tế với trang thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại sánh ngang các nước trong khu vực và trên thế giới. Cả 4 nhà máy đều có năng lực sản xuất vacxin đủ để cung cấp cho chương trình TCMR quốc gia, với 11 loại vacxin “made in” Việt Nam đạt chuẩn quốc tế được dùng tiêm chủng miễn phí cho phụ nữ và trẻ em vào cuối năm 2012.

Việc phát triển cả về số lượng, lẫn chất lượng vacxin nội đã cho thấy ngành Y tế nói chung và nền Y học Dự phòng Việt Nam nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc. Vì vậy, tại Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày TCMR, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo ngành Y tế trong thời gian tới xây dựng lộ trình để xuất khẩu những vacxin mà Việt Nam có thế mạnh. Đây chính là chiến lược “đòn bẩy” cho ngành vacxin Việt phát triển và vươn xa.

Mới đây, sản phẩm vacxin phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn làm 1 trong 6 sản phẩm chính thuộc Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 của Chính phủ. Với Chương trình này, vacxin Việt đang đứng trước một cơ hội lớn để có thể phát triển và vươn xa hơn nữa, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, phát triển thể chất người Việt, đẩy nhanh quá trình hoàn thành mục tiêu thứ tư của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đó là giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Và xa hơn nữa, Việt Nam có thể trở thành quốc gia xuất khẩu vacxin lớn của khu vực và thế giới./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường & Tư liệu

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường & Tư liệu

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Trong hành trình 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn lan tỏa đến bạn bè quốc tế hình ảnh về người chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam trách nhiệm, thân thiện, nhân văn và yêu chuộng hòa bình.

Top