Chân dung

Tsuchiya Akari đồng hành cùng trẻ em Việt Nam

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục tích lũy qua 6 năm làm việc ở các trường mầm non tại Nhật Bản, Tsuchiya Akari đã tham gia chương trình Tình nguyện viên của Cơ quan Hợp tác quốc tế JICA để sang Việt Nam góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ ở lứa tuổi mầm non và chuyên môn sư phạm cho giáo viên của Việt Nam.
Tsuchiya Akari cho biết, từ nhỏ cô đã ước mơ trở thành giáo viên và có thể dạy học cho nhiều người nên khi thấy Cơ quan Hợp tác quốc tế JICA đăng tin tuyển tình nguyện viên trong lĩnh vực giáo dục, cô đã quyết định nộp đơn tham gia và đến Việt Nam vào tháng 10/2017.

Tsuchiya Akari hiện đang làm tại Vườn trẻ Hương Sen thuộc Trung tâm Phụ nữ Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tại đây, cô là chủ nhiệm của 2 lớp cho trẻ trong độ tuổi 0-3 tuổi và 3-6 tuổi. Để đem lại những giờ dạy học hiệu quả, cô thường xuyên chuẩn bị giáo trình bằng tiếng Việt nhờ vào vốn tiếng Việt đã học được. Đồng thời, cô còn làm thêm các giáo cụ trực quan từ những vật liệu tiết kiệm để phục vụ cho giờ học, tạo hứng thú hơn cho trẻ trong giờ học.


Tsuchiya Akari với kinh nghiệm về kỹ năng sư phạm trong lĩnh vực giáo dục tích lũy
qua 6 năm làm việc ở các trường mầm non tại Nhật Bản.


Tsuchiya Akari vừa dạy học cho các bé mầm non vừa tự học Tiếng Việt.


Cô đã tự dịch những bài học bằng tiếng Nhật của mình để dạy cho các em nhỏ Việt Nam.


Cô giáo Tsuchiya Akari trong một buổi dạy vẽ cho các em nhỏ từ 3 đến 6 tuổi.


Tsuchiya Akari còn sáng tạo thêm các giáo cụ trực quan đi kèm với bài giảng để tạo hứng thú hơn cho trẻ trong giờ học.


Cô giáo Tsuchiya Akari dạy cho các em nhỏ môn vẽ hình của Nhật Bản.


Dù không thạo tiếng Việt nhưng với sự tận tâm của mình, các em nhỏ của vườn trẻ Hương Sen
đã nhanh chóng tiếp thu được những bài học của cô Tsuchiya Akari.


Cô Tsuchiya Akari đang hướng dẫn các em nhỏ học vẽ hình con cá bằng một loại mực màu đặc biệt do cô mang từ Nhật sang.


Sau khi vẽ và tô màu xong, những “con cá” được xịt nước vào tạo ra một hiệu ứng khác hẳn so với màu sắc ban đầu.


Tsuchiya Akari cùng các tình nguyện viên khác người Nhật đang hướng dẫn cho các em nhỏ
của vườn trẻ Hương Sen kỹ thuật gấp giấy Origami nổi tiếng của Nhật Bản.


Tsuchiya Akari gấp mẫu để các em nhỏ tập làm theo.


Bằng sự chăm chú theo dõi tâm lý của trẻ và giúp đỡ của các giáo viên người Việt trong suốt giờ học,
sau hơn 1 năm làm việc Tsuchiya Akari đã quen với môi trường làm việc
và được học sinh Việt Nam đón nhận bởi sự yêu mến, gần gũi.

Tsuchiya Akari phát hiện nhiều điều thú vị khi dạy học cho trẻ em Việt Nam. Theo quan điểm của Tsuchiya Akari, trẻ em Việt Nam có tính tự lập sớm hơn nên có thể tự làm mọi việc nhiều hơn là nhờ cô giáo, còn ở Nhật Bản vì bố mẹ khá bận rộn nên không có thời gian dạy trẻ những kỹ năng sống nên thường cần sự giúp đỡ từ giáo viên. Ngoài ra, với trẻ em Việt Nam thì phần lớn chỉ là sự đối thoại giữa giáo viên và học sinh, trong khi ở Nhật Bản thường là có sự tiếp xúc giữa cô trò gần gũi và thân mật hơn. 

Cô chia sẻ: “Khi làm việc ở đây, tôi đã học thêm được khả năng đối thoại với các em nhỏ hơn rất nhiều từ các đồng nghiệp người Việt Nam. Tôi cũng cảm nhận được việc nói chuyện giữa giáo viên và học sinh cũng là yếu tố quan trọng để tăng tính hiệu quả trong việc các em thu nhận được kiến thức qua giờ dạy của mình”.
Tsuchiya Akari khéo léo kết hợp những ưu điểm trong cách tiếp cận dạy học cho trẻ em ở Việt Nam và Nhật Bản. Sự quan tâm, gần gũi của cô với trẻ em thường đến một cách tự nhiên thông qua các bài tập thực hành đơn giản, hướng dẫn các em làm gấp giấy Origami của Nhật Bản để trẻ thoả thích thể hiện khả năng sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật. Những bài tập vận động theo lời bài hát hoặc nhạc piano được thực hiện đan xen, giúp trẻ để tăng cường sự nhanh nhẹn và tư duy vận động.

Bằng sự chăm chú theo dõi tâm lý của trẻ và giúp đỡ của các giáo viên người Việt trong suốt giờ học, sau hơn 1 năm làm việc Tsuchiya Akari đã quen với môi trường làm việc và được học sinh Việt Nam đón nhận bởi sự yêu mến, gần gũi.

Bà Mai Lan Hương - Hiệu trưởng Vườn trẻ Hương Sen cho biết: “Thực tế giáo dục ở Nhật Bản có rất nhiều điều để giáo viên Việt Nam học tập. Vì vậy, khi có tình nguyện viên Tsuchiya Akari về trường thì các giáo viên của vườn trẻ có cơ hội học tập và chia sẻ nhiều kinh nghiệm bổ ích. Tsuchiya Akari là người rất tỉ mỉ trong việc giảng dạy. Chúng tôi và cô ấy có sự trao đổi tham khảo lẫn nhau để có thể áp dụng phương pháp dạy học phù hợp nhất để tốt cho trẻ”.

Tsuchiya Akari thích đi du lịch và đã đến nhiều nơi ở Việt Nam như Hội An, Ninh Bình, Đà Lạt… Cô thích món ăn của Việt Nam, bởi có nhiều hương vị gần giống với Nhật Bản./.

 
Bài: Ngân Hà, Song Tâm Quyên - Ảnh: Công Đạt

Họa sỹ Đặng Ái Việt và hành trình vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng

Họa sỹ Đặng Ái Việt và hành trình vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng

10 năm về trước, họa sỹ Đặng Ái Việt đã thực hiện hành trình vẽ hơn 2.400 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp mọi miền của tổ quốc với mong muốn để lại hình ảnh chân dung các mẹ cho muôn đời sau. Đặc biệt, người họa sĩ đó đã sử dụng một chiếc xe máy nhỏ hiệu Charly trong suốt hành trình rong ruổi khắp chiều dài đất nước và trở thành một chân dung đẹp của tình yêu và lòng biết ơn Tổ quốc.

Top