Thời trang

Trình diễn trang phục các dân tộc Tây Bắc

Mỗi năm một lần đồng bào các dân tộc Tây Bắc của Việt Nam lại hội tụ trong "Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch" với nhiều hoạt động sôi nổi mà một trong những điểm nhấn chính là trình diễn trang phục các dân tộc mình.
Trang phục dân tộc vốn là niềm tự hào và cũng là bản sắc của các dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi về tham dự "Ngày hội văn hoá thể thao du lịch các tỉnh Tây Bắc", ai cũng háo hức khoác lên mình bộ trang phục đẹp nhất, đặc biệt là tham dự cuộc thi trình diễn trang phục. Đây là nơi họ thể hiện sắc màu trang phục dân tộc mình một cách ấn tượng nhất.

Trong năm 2013, đã có 20 thí sinh nam và nữ của 6 tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên và Lai Châu tham gia thi tài tại ngày hội. Gọi là cuộc thi để khích lệ thí sinh chứ trong tâm hồn mỗi người bản địa, họ đến với cuộc trình diễn không phải lấy giải thưởng mà để thể hiện bản sắc của dân tộc mình. Mỗi thí sinh phải tham gia 2 phần thi gồm: trình diễn trang phục dân tộc của địa phương và trang phục tự chọn. Sơn La trình diễn trang phục dân tộc Thái, Kinh; Điện Biên trình diễn trang phục dân tộc Thái, Mông; Lai Châu trình diễn trang phục dân tộc Lào, Dao; Yên Bái trình diễn trang phục dân tộc Thái, Khơ Mú; Lào Cai trình diễn trang phục dân tộc Mông, Thái, Kinh và tỉnh Hoà Bình trình diễn trang trang phục dân tộc Mường, Thái, Dao. Tất cả cùng nhau đoàn kết trong một cộng đồng dân tộc Việt chính là thông điệp mà ngày hội "Trình diễn trang phục các dân tộc Tây Bắc" hướng tới.

Trang phục dân tộc Thái được trình diễn đa dạng nhất tại ngày hội. Nam giới mặc áo cánh ngắn, xẻ ngực. Đó là loại áo cổ tròn, không cầu vai, hai túi dưới và trước cài cúc vải hoặc xương. Trang phục nữ với hai loại là Thái Đen và Thái Trắng. Người nữ Thái Trắng mặc áo cánh ngắn, váy màu đen không trang trí hoa văn. Áo màu sáng, trắng, cài cúc bạc tạo hình bướm hoặc ong. Khăn đội đầu băng vải chàm dài khoảng 2 mét... Người Thái Đen với trang phục áo cánh ngắn màu tối (chàm hoặc đen), cổ tròn, đứng, đầu đội khăn gọi là "piêu". Người phụ nữ khi có chồng búi lên đỉnh đầu gọi là "Tằng cẩu"; khi chồng chết có thể búi tóc thấp xuống sau gáy; chưa chồng không búi tóc. Trang phục của người phụ nữ Thái trình diễn trong ngày hội rất được yêu thích vì nó tôn lên được vóc dáng duyên dáng của người phụ nữ.
 

Trang phục truyền thống của thiếu nữ dân tộc Dao Đỏ.

Trang phục của thiếu nữ dân tộc Thái Trắng.

Mũ của người Pa Dí mang biểu tượng hình núi
 xung quanh có đính các hạt cườm biểu tượng hạt ngô.

Trang phục biểu diễn của thiếu nữ dân tộc Pa Dí
.

Trang phục truyền thống của thiếu nữ dân tộc Mông.

Trang phục trình diễn của thiếu nữ dân tộc Thái trắng.

Trang phục của thiếu nữ Mường ( bên trái)
và Dao (bên phải).

Trang phục nam của thí sinh dân tộc Mông
.

Thiếu nữ dân tộc Dao với trang phục quần chẹt nữ.
.

Thiếu nữ Thái ở Mai Châu, Hòa Bình duyên dáng
với trang phục dân tộc Thái.

Người Mông với 3 loại trang phục như, Mông trắng, Mông đen khoe sắc rực rỡ. Áo của người phụ nữ dân tộc Mông trắng có cổ phía trước hình chữ V, được nẹp, thêu bằng vải màu tùy thích. Phía sau là 1 bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn hài hòa, trang nhã. Hai ống tay áo được thêu hoa văn là những đường vằn ngang với đủ màu sắc từ nách đến khuỷu tay. Váy của phụ nữ Mông trắng trình diễn là váy xoè với những cô gái duyên dáng, tinh tế trong chiếc ô che đầu.

Trang phục người Dao trình diễn gồm trang phục người Dao tiền và người Dao đỏ. Trong y phục của người phụ nữ quan trọng nhất là chiếc áo được thiết kế dài đến gần đầu gối. Cổ áo được thiết kế theo hình chữ V có thêu hoa văn. Sau lưng áo của phụ nữ Dao cũng có phần thêu hoa văn. Trong khi đó, quần của phụ nữ Dao được thêu ở đoạn cuối ống giống với phần thêu trên áo để tạo ra một bộ trang phục mang vẻ đẹp thẩm mỹ và rất tinh tế. Người phụ nữ Dao còn ưa dùng đồ trang sức làm cho bộ trang phục của mình thêm sang trọng: vòng cổ, nhẫn, túi ăn trầu, các đồ trang sức bằng bạc hình bán cầu, hình sao 8 cánh. Có những cô gái Dao đeo 10 chiếc vòng cổ, 12 chiếc nhẫn, cùng những chiếc khuy bạc đường kính 6-7cm. Ngoài rất trang phục quần chẹt nữ của người Dao cũng được trình diễn độc đáo.

Người Khơ mú cũng khoe sắc với trang phục gồm: khăn đội đầu, áo, yếm, thắt lưng, váy,  xà cạp. Áo của người Khơ mú mặc thường ngày chủ yếu là áo ngắn màu chàm, xanh thẫm hoặc xanh lá mạ... Nẹp cổ liền với nẹp ngực nhưng chỉ dài ngang ngực. Phía dưới hai nẹp ngực nối thêm những băng vải nhỏ có màu đỏ, xanh, vàng... Áo thường có hai lớp vải, lớp trong thường là vải chéo xanh hoặc phin, lớp ngoài là vải dệt thô nhuộm chàm.

Dân tộc Lào với điệu múa lam vông, người Dao với quần chẹt nữ, trang phục nam Mường, trang phục của người Dao Tiền, người Khơ mú, Dao đỏ, người Ba dí độc đáo chiếc mũ biểu tượng hình núi, trên áo biểu tượng hạt ngô. Tất cả đã tạo nên một sân chơi trình diễn thời trang ấn tượng.

Trong các màn múa nghệ thuật đặc sắc của núi rừng Tây Bắc, các bản nhạc cùng lời ca cất lên đã góp phần làm cho buổi trình diễn trang phục được sôi động và nhịp nhàng. Trình diễn trang phục các dân tộc miền núi phía Bắc góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, những nét đẹp tinh hoa của văn hóa Việt Nam./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Văn Quyền

Bài: Bích Vân - Ảnh: Văn Quyền

Độc đáo trang phục người dân tộc Si La

Độc đáo trang phục người dân tộc Si La

Si La là một trong những dân tộc có số dân ít nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam sinh sống chủ yếu ở Mường Nhé (Điện Biên) và Mường Tè (Lai Châu). Trang phục của người Si La mang nhiều nét riêng độc đáo của dân tộc. Thông qua bộ trang phục có thể phản ánh rất rõ những đặc trưng của lứa tuổi cũng như tình trạng hôn nhân gia đình.

Top