Ngày 19/5/2010, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ có công suất 320 MW chính thức phát điện, hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Sau gần hai năm đi vào hoạt động, nhà máy đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện nguồn năng lượng và môi trường tỉnh Nghệ An, xứng tầm là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung và là một trong những công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam...
Được khởi công từ năm 2004, dự án xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ nằm trên thượng nguồn dòng sông Nậm Nơn, thuộc địa bàn bốn xã: Yên Na, Hữu Khuông, Mai Sơn và Nhuôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, được Chính phủ tập trung đầu tư, xây dựng với tổng số tiền là 6.740 tỉ đồng.
Thực hiện đúng tiến độ dự án, những người thợ của Tổng Công ty Sông Đà và các đơn vị xây dựng đã vượt qua bao khó khăn, vất vả do thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp và những trắc trở trong công tác di dời dân, đền bù, giải phóng mặt bằng... để hoàn thành một khối lượng lớn công việc.

Công trình thủy điện Bản Vẽ nằm trên một nhánh của sông Nậm Nơn.

Phòng điều hành thủy điện Bản Vẽ.

Hai tổ máy có công suất 320 MW của thủy điện Bản Vẽ.

Trạm ORU phân phối điện ngoài trời.

Những công nhân tham gia xây dựng thủy điện Bản Vẽ.

Công trình đập thủy điện Bản Vẽ có độ cao 137m dài 509m, dung tích hồ chứa đạt 1,8 tỉ m3.

Khu vực hòa lưới điện quốc gia của thủy điện Bản Vẽ.

Công trình nhà ở của công nhân thủy điện Bản Vẽ. |
Để đảm bảo dung tích hồ chứa nước đạt mức 1,8 tỉ m3, các đơn vị thi công đã xây dựng một con đập có chiều cao 137m, dài 509m vắt qua hai dãy núi để ngăn dòng Nậm Nơn. Các đơn vị cũng đã đào đắp gần 3,8 triệu m3 đất đá, đổ trên 420 ngàn m3 bê tông các loại. Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai thực hiện dự án là việc vận chuyển thiết bị, máy móc và các công trình phụ trợ có tổng khối lượng lên đến 5600 tấn từ cảng Cửa Lò (Nghệ An) vượt chặng đường dài trên 200 km đến nơi an toàn. Sau gần 5 năm xây dựng, dự án xây dựng nhà máy đã hoàn thành theo đúng tiến độ và đảm bảo đúng các thông số kĩ thuật.
Thành công lớn nhất của dự án thủy điện Bản Vẽ là đã mở ra một triển vọng to lớn, tạo đà để làm thay đổi diện mạo của khu vực miền Tây cũng như cả tỉnh Nghệ An. Với hai tổ máy phát, mỗi tổ có công suất 100MW, ngoài việc giải quyết năng lượng góp phần phát triển kinh tế, hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ còn góp phần cải thiện môi trường, cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất, đẩy mặn, ngăn lũ cho vùng hạ lưu sông Cả. Bên cạnh đó, hồ chứa nước của nhà máy rộng trên 8700km2 còn góp phần tạo nên một vùng khí hậu ôn hòa, nhất là trong mùa nắng nóng và là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện nay, Ban quản lý dự án cùng chính quyền huyện Tương Dương đã có kế hoạch thành lập các đơn vị du lịch, dịch vụ vận tải và nuôi trồng thủy sản; tiến hành kêu gọi đầu tư, liên kết để mua sắm tàu thuyền nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng của vùng hồ thủy điện này.
Hiện nay, vấn đề đặt ra đối với Ban quản lí dự án là làm thế nào để quản lí, sử dụng và bảo vệ tốt nhất nhà máy nhằm phát huy hết công suất, bảo đảm được các mục tiêu về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh và môi trường. Muốn vậy, chính quyền địa phương phải có các giải pháp hữu hiệu để ngăn không cho dân tái định cư trở lại khu vực lòng hồ, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác thủy sản, kiên quyết ngăn chặn nạn chặt cây, phá rừng đầu nguồn hoặc các hành vi ảnh hưởng đến con đập.
Sau thành công của thủy điện Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An đã và đang xây dựng nhiều dự án thủy điện quan trọng như: thủy điện Khe Bố, thủy điện Hủa Na và nhiều dự án thủy điện nhỏ và vừa khác. Các dự án này hoàn thành sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết tình trạng thiếu điện của địa phương cũng như cả nước…/.
Bài và ảnh: Tất Sơn - Nguyên Long