Khám phá

Thánh đường Hồi giáo Xuân Lộc

Huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai là nơi tập trung nhiều cộng đồng người Chăm sinh sống, vì vậy, từ năm 2006, xã Xuân Hưng đã được xây dựng một ngôi thánh đường Hồi giáo nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của người dân. Ngôi thánh đường có tên là Masjid Nourul Ehsaan được xem là thánh đường Hồi giáo lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau thánh đường Hồi giáo tại An Giang.
Kiến trúc chủ đạo của thánh đường Hồi giáo thường tập trung vào ngôi nhà nguyện, nơi tập trung cầu nguyện, sinh hoạt tôn giáo hằng ngày của giáo dân. Khu nhà nguyện của thánh đường Hồi giáo Xuân Lộc có diện tích khoảng 700m2 được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của các nước Hồi giáo như Maylaysia, Arab Saudi với kiến trúc tổng thể hình chữ nhật cùng hai tông màu trắng và xanh ngọc làm chủ đạo.

Thánh đường thường được xây theo hình chữ nhật, mái bằng, hướng làm lễ luôn luôn hướng về phía Tây – hướng thánh địa Mecca – khi cầu nguyện. Trên nóc bốn góc ngôi nhà được xây bốn tháp có chóp nhọn, ở chính giữa đỉnh ngôi thánh đường là một tháp tròn lớn hơn úp ngược xuống như cái bát úp. Trên đỉnh tháp có đính biểu tượng vầng trăng khuyết (trăng lưỡi liềm) và ngôi sao năm cánh – đây là biểu tượng đặc trưng của Hồi giáo. Biểu tượng này cũng được trang trí theo một số nơi nhất định và có kích thước khác nhau ở một số nơi trong nhà thờ.

Ngoài ra, kiến trúc trang trí theo kiểu mái vòm ở xung quanh các bề mặt ngôi thánh đường tạo nên những đường nét mềm mại, cân xứng trong kiến trúc của Hồi giáo.



Kiến trúc đặc trưng của thánh đường Hồi giáo thường tập trung vào ngôi nhà nguyện,
được xây theo hình chữ nhật, có hướng làm lễ về phía Tây - hướng về thánh địa Mecca.


Cổng chính của thánh đường Masjid Nourul Ehsaan có kiến trúc và trang trí giống với kiến trúc chính của nhà nguyện.


Kiến trúc bên trong ngôi thánh đường Hồi giáo thường rất đơn giản và hướng tới sự thông thoáng, thuận lợi cho việc hành lễ,
nét khác biệt của thánh đường Hồi giáo Masjid Nourul Ehsaan là có thêm một gác lửng, dành riêng cho phụ nữ đến làm lễ.


Kiến trúc bên trong tháp nhọn chính giữa nhà nguyện có các ô của nhỏ mái vòm úp xuống đối xứng đón ánh sáng từ bên ngoài vào.


Ngắm hoàng hôn trên sân thượng của thánh đường Hồi giáo Masjid Nourul Ehsaan.

Điểm khác biệt của thánh đường Hồi giáo Xuân Lộc khác với các nơi khác chính là việc cho xây thêm gác lửng có màn che để dành riêng cho phụ nữ đến làm lễ, vì theo quy định đàn ông và phụ nữ không được ngồi gần nhau trong khi làm lễ.

Các hành lang ngôi thánh đường được xây dựng thông thoáng, mát mẻ, còn bên trong ngôi thánh đường được xây dựng rất đơn giản. Bởi theo quan niệm của người Hồi giáo chỉ công nhận một đấng duy nhất Allah (Thượng Đế) là đấng có quyền năng tối thượng mà không một vị nào khác có thể chia sẻ được. Tuy nhiên, thánh Allah lại không có hình dáng cụ thể, vì thế bên trong thánh đường thường mang một sự trống trải đặc trưng.

Với người Hồi giáo, một ngày có 5 thời điểm làm lễ: trước khi mặt trời mọc, trước giữa trưa, xế chiều, tối và trước khi đi ngủ. Theo giáo cả Adohamit – còn gọi là trưởng làng, những ai sống ở gần thánh đường, thuận lợi việc đi lại thì thường tập trung về thánh đường để làm lễ một ngày 5 lần theo quy định. Tuy nhiên những ai ở xa hoặc vướng bận công việc có thể thực hiện việc làm lễ tại nhà. Lễ ngày thứ 6 là quan trọng nhất nên hầu hết mọi người đều tập trung đến thánh đường dự lễ, các nội dung giảng đạo thường được trích từ kinh thánh Koran. Đồng thời thông qua những buổi sinh hoạt thế này, giáo cả hoặc các vị chức sắc khác còn lồng ghép, nhắc nhở giáo dân cảnh giác về các tệ nạn xã hội, ý thức trong tham gia giao thông cùng nhiều hoạt động văn hóa, xã hội khác.



Giáo cả Adohamit đọc kinh Koran trong buổi làm lễ.


Khu vực hành lễ của người nam và người nữ luôn được tách biệt.


Giáo dân thành kính cúi lạy hướng về phía Tây.


Trẻ em người Chăm đội nón vải tròn truyền thống đến thánh đường làm lễ.


Người theo đạo Hồi rất tuân thủ giờ giấc các buổi lễ, trừ những ai bận việc hoặc ở xa sẽ làm lễ tại nhà.


Em bé Chăm tại lớp học giáo lý.


Bé gái Chăm thường mặc abaja và quấn khăn hijab ché kín phần tóc, một hình ảnh đặc trưng của người Chăm.


Các em bé Chăm tụ tập vui chơi trong xóm.

Ngày nay, thánh đường không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa của đồng bào Chăm theo Hồi giáo mà còn là địa chỉ văn hóa, du lịch thu hút nhiều du khách tới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu./.
 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

23 tháng Chạp, Huế thượng nêu báo hiệu Tết đã về

23 tháng Chạp, Huế thượng nêu báo hiệu Tết đã về

Sáng nay, 22/01/2025, tức nhằm ngày 23 tháng chạp năm Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ thượng nêu (Thướng tiêu) tại Triệu Tổ Miếu và Thế Tổ Miếu trong Đại Nội.

Top