Nghề Việt

Sức sống dòng tranh Kim Hoàng

Tranh Kim Hoàng là tên gọi của một dòng tranh dân gian xuất hiện vào cuối thế kỷ 18 tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Khi mới bắt đầu hình thành, tranh dân gian Kim Hoàng nhanh chóng trở thành một sản phẩm ưa chuộng phục vụ nhu cầu chơi tranh Tết của đất Kinh Kỳ.
Thời xưa, tranh Kim Hoàng thường được làm từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hàng năm để phục vụ nhu cầu chơi tranh Tết của người dân. Đầu thế kỷ 19, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh nhưng rồi bắt đầu bị thất truyền từ trận lụt năm 1915, khi cả làng bị ngập, nhiều ván in tranh vì thế bị nước lũ cuốn trôi. Sau trận lụt đó, nghề làm tranh dần mai một, đến năm 1945 thì cả làng Kim Hoàng không còn ai làm tranh.

Chục năm trước, những bức tranh và bản khắc của dòng tranh Kim Hoàng chỉ còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong bộ sưu tập của các nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước. Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ tư nhân Hà Nội cho biết, trong bộ sưu tập tranh dân gian của bà hiện có khoảng 60 mẫu tranh Kim Hoàng.

Với mong muốn khôi phục lại dòng tranh đã bị thất truyền hơn nửa thế kỷ qua, Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đang phối hợp với 2 họa sĩ là Nguyễn Đức Hòa, Trần Nguyên Đán phục dựng các bản khắc và những mẫu tranh Kim Hoàng. Bà Thu Hòa chia sẻ: "Ngày hôm nay nếu chúng ta không duy trì được dòng tranh Kim Hoàng thì chắc 10 năm sau không ai còn tư liệu nào để khôi phục lại".



Các em học sinh và du khách thích thú trải nghiệm cùng nghệ nhân tranh Kim Hoàng. Ảnh: Công Đạt


Khác với tranh Đông Hồ, các nghệ nhân tranh Kim Hoàng chỉ sử dụng duy nhất một bản khắc gỗ để in. Ảnh: Khánh Long

Ngoài bà Thu Hòa, anh Đào Đình Trung, một nghệ nhân trẻ ở làng Kim Hoàng cũng tìm kiếm các bản khắc còn lưu lại trong nhà dân và khai thác các hình vẽ trong sách cổ để làm sống lại dòng tranh dân gian quê mình.

Anh Trung cho biết, tranh Kim Hoàng có khá nhiều điểm tương đồng với dòng tranh dân gian Đông Hồ ở vùng Kinh Bắc. Tuy vậy, nó cũng có những đặc điểm thú vị riêng. Chất liệu làm nên tranh Kim Hoàng không phải là giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy gió của tranh Hàng Trống mà là chất liệu giấy đỏ hoặc giấy hồng. Vì thế mà tranh Kim Hoàng còn gọi là tranh đỏ.

Nếu như trong tranh Đông Hồ, mỗi bức tranh có rất nhiều bản khắc gỗ, mỗi bản khắc lại tương ứng với một màu và một lượt in thì đối với tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ dùng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi từ đó mà tự do chấm phá màu sắc lên bức tranh theo cảm xúc và ngẫu hứng cá nhân của mình. Bởi vậy mà mỗi bức tranh là một phong thái riêng chứa đựng sự phóng khoáng và nét tài hoa riêng của mỗi nghệ nhân mặc dù chúng cùng in ra từ một bản khắc.

Đề tài trong tranh Kim Hoàng được lấy từ chính cuộc sống mộc mạc, giản dị và vô cùng gần gũi, quen thuộc với mỗi người dân quê vùng đồng bằng Bắc bộ như con trâu, con lợn, con gà, hình ảnh làng quê, cảnh ngày Xuân, chợ Tết…


Những bức tranh Kim Hoàng đặc sắc được in, vẽ từ bản khắc:













Đặc sắc nhất là hình ảnh cặp gà trống, được coi là “thần kê” của tranh Kim Hoàng. Người xưa quan niệm treo tranh “thần kê” trong ngôi nhà vào dịp đầu năm sẽ giúp gia chủ xua đuổi yêu ma tà khí, đem lại sự bình an. Ngoài ra, bức tranh con lợn cũng được những người thưởng tranh yêu thích, hàm ý cầu cho gia đình một năm hạnh phúc, ấm no.

Bên cạnh đó, trên những bức tranh không chỉ có hình ảnh mà còn có những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo lên trên góc trái bức tranh. Cả bài thơ và hình vẽ trên bức tranh đều toát lên sự hài hòa và liên kết theo một chỉnh thể nhất định. Để có được một bức tranh dân gian Kim Hoàng, đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ thông hiểu chữ Hán mà còn phải có tâm, có tầm để thể hiện được nét tài hoa lên từng đường nét và màu sắc, tạo sự khác biệt cho dòng tranh Kim Hoàng./.


Triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng” tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cuối năm 2018 trưng bày hơn 200 tác phẩm là tranh vẽ, gần 30 các thiết kế thời trang, 45 thiết kế các sản phẩm khác như bưu thiếp, thiết kế túi, khăn... có sử dụng họa tiết tranh Kim Hoàng. Điều này cho thấy tranh dân gian Kim Hoàng sau một thời gian ngắn được phục dựng, đã được biết đến và dần có được chỗ đứng trong đời sống đương đại.

Bài: Công Đạt - Ảnh: Khánh Long, Công Đạt
 

Làng cá chép Thủy Trầm vào vụ tết

Làng cá chép Thủy Trầm vào vụ tết

Cứ đến Tết ông Công ông Táo cận kề, người dân làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lại hối hả thu hoạch, cung cấp nguồn cá chép phóng sinh cho người dân khắp mọi miền đất nước.

Top