Thời trang

Sự sáng tạo không giới hạn của các nhà thiết kế trẻ Việt Nam

Bằng con mắt và sự sáng tạo nghệ thuật của mình, các nhà thiết kế trẻ của Học viện thiết kế và thời trang Luân Đôn (LCDF) đã biến những ý tưởng có chủ đề về màu sắc văn hóa Việt Nam thành những bộ trang phục độc đáo, mang đến góc nhìn mới của giới trẻ về tương lai ngành công nghiệp thời trang.
Các bộ sưu tập thời trang của nhà thiết kế (NTK) Vũ Thanh Vân, Lưu Việt Anh, Thái Thị Trung Anh, Nguyễn Quỳnh Anh đều tập trung thể hiện bằng những kỹ thuật mới đa dạng, sáng tạo đột phá từ họa tiết, phom dáng, chất liệu để làm nên các tác phẩm thời trang mang tính thẩm mỹ cao và chất lượng tốt nhất trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Bộ sưu tập “Hộ mệnh” của NTK Vũ Thanh Vân mang nét đặc trưng trong văn hóa và lịch sử Việt Nam bằng chất liệu chần bông lấy cảm hứng từ chiếc áo người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp song vẫn phảng phất một chút hơi thở hiện đại trẻ trung với bảng màu đa sắc nằm lộn xộn như hình ảnh khu tập thể đông đúc, ồn ào, những cây cột điện hay bức tường từ những chiếc biển quảng cáo đặc trưng khắc họa lại vẻ đẹp của Hà Nội.




"Hộ mệnh" là BST mang nét đặc trưng trong văn hóa và lịch sử Việt Nam
song vẫn phảng phất một chút hơi thở hiện đại trẻ trung. Kiểu dáng thiết kế táo bạo và ấn tượng với form dáng oversized (quá khổ).

 
Bộ sưu tập “Chạm” của NTK Lưu Việt Anh lấy bối cảnh Việt Nam giữa những năm 1930-1950. Dựa trên hình mẫu hoàng hậu Nam Phương, “Chạm” kể một câu chuyện mới mẻ về những gì đã cũ với nét phóng khoáng của thời trang đường phố kết hợp cùng những phụ kiện rất Việt Nam như guốc mộc, mũ cánh chuồn và nón quai thao.




Dựa trên hình mẫu hoàng hậu Nam Phương và cảm hứng từ bộ phim Người tình (L’amant), "Chạm" là một câu chuyện mới mẻ
về những gì đã cũ. BST là nét phóng khoáng của thời trang đường phố kết hợp cùng những phụ kiện rất “Việt Nam”
như guốc mộc, mũ cánh chuồn và nón quai thao.

Trong lần tình cờ đi chơi đến Đồng Văn (Hà Giang), NTK Thái Thị Trung Anh đã biết đến một dân tộc thiểu số mà có lẽ ít người biết đến. Vì vậy, Thái Thị Trung Anh đã mang bộ trang phục truyền thống dân tộc này đến với thế giới hiện đại. Bằng sự sáng tạo của mình, cô đã mang đến bộ sưu tập “Dân tộc Qabiao” là những thiết kế được làm từ chất liệu vải cao cấp, kỹ thuật dệt và nhuộm tỉ mỉ độc đáo, chi tiết kim loại lấp lánh nổi bật trên hai tông màu xanh, đỏ.




“Dân tộc Qabiao” là BST dạ phục được làm  từ những chất liệu vải cao cấp,
kỹ thuật dệt độc đáo, chi tiết kim loại lấp lánh nổi bật trên cả hai tông màu xanh than và đỏ thẫm.

Với ý tưởng về thời kỳ trống đồng Đông Sơn, NTK Nguyễn Quỳnh Anh đã đem bộ sưu tập “Hình dáng thời gian” đến giới thiệu với các tín đồ thời trang những thiết kế tập trung vào phom dáng truyền thống được làm mới lại và mang hơi thở đương đại qua các điểm nhấn phần cổ và cầu vai.

NTK Nguyễn Quỳnh Anh chia sẻ: “Trong một lần đến viện bảo tàng, tôi bị thu hút bởi chiếc trống đồng Đông Sơn nên chi tiết thủ công trong các thiết kế của mình tôi lấy cảm hứng từ họa tiết tinh xảo trên trống đồng Đông Sơn. Vì vậy, khán giả có thể thấy mỗi thiết kế của tôi là sự hòa quyện của tinh thần mong manh nhưng cũng lại rất mạnh mẽ, dữ dội”.





BST tập trung vào các phom dáng truyền thống được làm mới lại và mang hơi thở đương đại qua các điểm nhấn phần cổ và cầu vai.
Chất liệu vải cao cấp: len 100% của Anh, da dê và da cừu nappa được sử dụng để nâng tầm những thiết kế độc đáo. 
Chi tiết thủ công trên quần áo lấy cảm hứng từ họa tiết tinh xảo trên trống đồng Đông Sơn.

Bà Hà Thị Hằng- Giám đốc điều hành LCDF cho biết, sự sáng tạo không giới hạn của các nhà thiết kế trẻ tràn đầy nhiệt huyết sẽ góp tiếng nói chung vào cộng đồng thời trang cũng như là điểm khởi đầu cho một chặng đường mới để họ vững tin đặt nền móng phát triển ngành thời trang Việt Nam hay mang thời trang Việt Nam đến với thị trường quốc tế như: Asia New Gen Competition by Harper Bazzar, Vietnam International Fashion Week, Hongkong Fashion Week…
 
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trần Thanh Giang

Độc đáo trang phục người dân tộc Si La

Độc đáo trang phục người dân tộc Si La

Si La là một trong những dân tộc có số dân ít nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam sinh sống chủ yếu ở Mường Nhé (Điện Biên) và Mường Tè (Lai Châu). Trang phục của người Si La mang nhiều nét riêng độc đáo của dân tộc. Thông qua bộ trang phục có thể phản ánh rất rõ những đặc trưng của lứa tuổi cũng như tình trạng hôn nhân gia đình.

Top