Với ngư trường rộng hơn 450 hải lí vuông, quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải – TP. Hải Phòng) có thế mạnh đặc biệt trong hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ. Nghề cá Cát Bà đã trở thành hoạt động kinh tế chủ yếu, đem lại giá trị sản xuất lớn, góp phần phát triển kinh tế cho huyện đảo Cát Hải.
Là một trong ba ngư trường rộng lớn nhất của vịnh Bắc Bộ, ngư trường Cát Bà có trữ lượng và chủng loại hải sản phong phú như tôm (chủ yếu là tôm he, tôm sắt), mực, nhiều loại cá quý (cá trích (thường cư ngụ ở tầng nước trên), cá hồng, cá phèn (thường cư ngụ ở tầng đáy). Với tiềm năng hải sản lớn như vậy, hoạt động khai thác thủy sản ở đây phát triển rất mạnh. Ngư dân hoạt động trên ngư trường Cát Bà chủ yếu đánh bắt ven lộng, xa bờ bằng lưới vây, lưới kéo, câu, chụp mực. Đây là hoạt động kinh tế chính của người dân huyện đảo Cát Hải.
Hiện nay ở Cát Bà có hơn 900 tàu đánh cá, chủ yếu là tàu có công suất 90 – 350 CV với hơn 1200 ngư dân hoạt động. Nghề đánh bắt cá ven lộng và xa bờ thu hút hơn 80% lao động địa phương, đặc biệt là lao động trẻ, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động ở đảo Cát Bà, đảo Cát Hải, xã Phù Long, xã Hoàng Châu (huyện Cát Hải) với mức thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Tàu cá chuẩn bị ngư cụ trước khi ra khơi.
Một tàu câu mực vừa cập bến.
Cá tươi được chuyển từ cảng cá lên chợ cá Cát Bà.
Thu mua cá tươi ở cảng cá.
Hoạt động mua bán thủy sản ở chợ cá Cát Bà.
Sản phẩm mực ống phơi khô đặc trưng của Cát Bà.
Vụng Tùng Thu, nơi tập trung của nhiều đội tàu tham gia đánh bắt trên vùng biển Cát Bà. |
Ngư trường Cát Bà không chỉ là môi trường khai thác, sản xuất quen thuộc của ngư dân địa phương mà còn thu hút những đội tàu đánh bắt đến từ các tỉnh như Bình Định, Quảng Ngãi, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình… biến nơi đây thành một ngư trường rất đông đúc và nhộn nhịp. Hiện nay, các đội tàu đánh bắt thủy sản tại quần đảo Cát Bà chủ yếu đánh bắt cá biển theo hai vụ: vụ cá Bắc và vụ cá Nam. Sản lượng cá biển đánh bắt của các đội tàu hoạt động trên ngư trường Cát Bà rất phong phú, bao gồm cả nhiều loại cá quý như cá thu, cá hố, cá dưa, cá hồng mắt đỏ… có giá trị kinh tế cao. Cá đánh bắt về không chỉ được bán trực tiếp cho các tư thương, các đại lí thu mua, mà còn được cung cấp tới các thị trường lân cận như Móng Cái, Lạng Sơn, xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc biệt, một số lượng lớn cá đánh bắt về được cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng ngay tại khu du lịch Cát Bà, tạo thành những món đặc sản biển hấp dẫn, góp phần quảng bá thêm cho tiềm năng du lịch biển đảo của địa phương.
Với mục tiêu khai thác an toàn tài nguyên thủy sản, chính quyền huyện đảo đã động viên các đội tàu hoạt động trên ngư trường Cát Bà cùng thực hiện cách đánh bắt an toàn, không dùng thuốc nổ, đầu tư nâng cấp tàu với công suất lớn hơn để thực hiện những chuyến đánh bắt khơi xa, tránh làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Đây là hướng đi tích cực giúp không chỉ giữ gìn mà còn tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vùng.
Để nâng cao giá trị kinh tế của hoạt động đánh bắt cá xa bờ, huyện Cát Hải cũng đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cát Bà trở thành khu vực hậu cần nghề cá với Dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần và phát triển thủy sản Trân Châu (đảo Cát Bà) với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng. Đây là trung tâm dịch vụ thương mại, giao dịch, mua bán nguyên liệu thủy sản; khu vực sản xuất, chế biến hàng hóa thủy sản; nơi cung cấp ngư cụ, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác phục vụ tàu thuyền đánh bắt, nuôi trồng, chế biến; trung tâm đào tạo nghề, hướng dẫn công nghệ mới cho ngư dân… Dự kiến đến năm 2012 này, công trình sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy tiềm năng nghề cá của Cát Bà./.
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ