Ngay trước thềm Tết Nhâm Thìn 2012, Bảo Tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) đã giới thiệu với công chúng yêu cổ vật triển lãm chuyên đề “Rồng trên cổ vật”. Triển lãm trưng bày khoảng 60 hiện vật có trang trí hình rồng, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng, đá, ngọc, đất nung, gỗ, gốm, giấy... có niên đại từ văn hóa Đông Sơn đến đầu thế kỉ XX.
Qua bộ sưu tập này, người xem thấy rằng, hình tượng rồng xuất hiện từ rất sớm trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí của người Việt. Trải qua thời gian, tư duy về hình tượng rồng trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt cũng có sự thay đổi khác nhau. Điều đó thể hiện rất rõ trên cách thể hiện hình tượng rồng trên các cổ vật của mỗi thời kì.
Trên mũi giáo bằng đồng và rìu đá có từ thời văn hóa Đông Sơn (cách nay 2.000 - 2.500 năm) người ta đã thấy có hình đôi giao long trang trí ở trên đó. Điều đó cho thấy, hình tượng rồng đã xuất hiện rất sớm trong sinh hoạt của người Việt cổ. Hoặc như trên miếng ngọc màu xám ngà có niên đại vào khoảng thế kỉ I đến thế kỉ III cũng có hình tượng rồng đường nét chạm khắc tuy đơn giản nhưng khá tinh xảo.

Mũi giáo trang trí hình đôi “giao long” có từ thời kì
văn hóa Đông Sơn, cách đây 2.000 đến 2.500 năm. |

Cuốn sách bằng vàng trang trí hình rồng mây
được làm vào năm Tự Đức thứ 36 (năm 1883). |

Cửa gỗ chạm rồng thời Trần (thế kỉ XIII – XIV).
. |

Lư hương gốm trang trí rồng thời Lê Trung Hưng
(năm 1723). |

Một chiếc lư hương trang trí hình rồng. |

Gạch xây trang trí hình rồng thế kỉ XI – XIII. |

Lư hương trang trí hình rồng thời Lê Trung Hưng (thế kỉ XVII). |

Đĩa trang trí hình rồng (thế kỉ XV). |
Đến thế kỉ XI, hình tượng rồng bắt đầu xuất hiện khá phổ biến trong các công trình kiến trúc và cả trên những vật dụng hàng ngày như chén bát. Kể từ đây, rồng trở thành linh vật biểu trưng của vua chúa. Từ thời Lý (TK X) đến thời Nguyễn (TK XIX-XX), hình tượng rồng xuất hiện rất nhiều trong các công trình kiến trúc, nghệ thuật và đồ trang trí... Nhất là thời Nguyễn, nhiều loại ấn, kinh sách đến vật dụng trong cung đình như ấm, chậu, chén, bát, đỉnh... đều có trang trí hình rồng rất tinh xảo.
Độc đáo hơn cả có lẽ là hình rồng trang trí trên các cổ vật bằng vàng, bạc, ngọc. Đây là những cổ vật được đánh giá có trình độ chế tác tinh xảo và có chiều sâu văn hoá nghệ thuật. Điển hình như: ấn "Khâm văn chi tỉ" bằng vàng có từ năm Minh Mệnh thứ 8 (1827); cuốn "Kim sách" (sách vàng) trang trí rồng mây có từ năm Tự Đức thứ 36 (1883); đỉnh bạc trang trí rồng năm Khải Định thứ nhất (1916); tượng rồng bằng ngọc thế kỉ I-III…
Trong lịch sử văn hoá Việt Nam, rồng có từ nguồn gốc “Con rồng cháu Tiên”, là tín hiệu tốt lành cho mưa thuận, gió hoá, mùa màng bội thu. Hình ảnh rồng bay lên thể hiện khí thế vươn lên và cường thịnh của dân tộc. Đó là hình ảnh đẹp mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Chiếc giá võng thời Nguyễn được trang trí hai đầu bằng rồng. |

Khay và li bạc trang trí rồng. |

Ấn bạc có tay cầm hình rồng. |

Gạch lá đề trang trí rồng thế kỉ XI. |
TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: "Chủ đề rồng được khai thác dưới nhiều phương thức khác nhau, tạo không gian văn hóa đa chiều, cho thấy bàn tay tài hoa của nghệ nhân Việt trải qua nhiều thời kì. Mọi người đến thăm nơi trưng bày đều tìm thấy những nét ấn tượng về hình tượng rồng trên cổ vật, và họ đều tâm đắc với cuộc trưng bày này, trong đó có nhiều du khách và nhà nghiên cứu văn hoá nước ngoài”.

Khán giả tham quan Triển lãm "Rồng trên cổ vật". |
Chị Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường THPT Thăng Long, Hà Nội, cho biết: "Đến với cuộc trưng bày này, tôi đã tìm thấy ở đây rất nhiều tư liệu quý. Tôi đặc biệt ấn tượng với các cổ vật thời Lê - Trần. Thế rồng thời Trần uy nghi thể hiện ở cặp sừng và đôi tay. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy với thân rồng lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn... Những chi tiết này giúp tôi có thêm kiến thức phong phú về văn hóa và lịch sử để bổ sung vào bài giảng của mình, góp phần giúp các em học sinh có những cái nhìn đầy đủ hơn về văn hóa, lịch sử của dân tộc"./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Tất Sơn