Hơn 20 năm đi “góp nhặt” cổ vật gốm sứ, đến nay, đến nay “khối tài sản” của nhà sưu tầm Đinh Công Tường đã vượt quá con số 80.000 cổ vật và ông trở thành một trong những người sở hữu nhiều đồ cổ gốm sứ nhất Việt Nam, xứng danh “vua gốm sứ cổ” Việt Nam mà người trong giới “cổ - kỳ - quái” phong tặng cho ông.
Nhà sưu tầm Đinh Công Tường (Khu phố 5, P. Hiệp Thành, Q. 12, Tp. Hồ Chí Minh) sinh năm 1968 tại Hà Nội trong một gia đình có ông bà nội - ngoại đều yêu chuộng đồ cổ. Vì thế, thú đam mê sưu tầm đồ cổ đã ăn sâu vào tâm trí ông từ nhỏ. Sau giải phóng, ông theo gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp và chỉ mang theo một chiếc đĩa, một cái tô cổ của bà ngoại tặng làm “quà” đi xa. Ông bảo, chính hai kỷ vật này đã tiếp sức cho tôi những lúc khó khăn nhất và đánh thức niềm đam mê cổ vật của mình.
Thời gian đầu, Đinh Công Tường từng làm công việc thu gom rác, làm bồi bàn, buôn hoa quả,... để mưu sinh, rồi cơ duyên đưa ông tới nghề trồng và chăm sóc cây cảnh, bon-sai. Được tí vốn, ông quyết định đầu tư vào công ty buôn dây cáp với đám bạn chí cốt. Có được ít lời, năm 24 tuổi, ông bắt đầu đi khắp các vùng quê Việt Nam từ Bắc chí Nam nhằm “gom” gốm sứ cổ về nhà mình để thỏa mơ ước.
Thời gian đầu, Đinh Công Tường từng làm công việc thu gom rác, làm bồi bàn, buôn hoa quả,... để mưu sinh, rồi cơ duyên đưa ông tới nghề trồng và chăm sóc cây cảnh, bon-sai. Được tí vốn, ông quyết định đầu tư vào công ty buôn dây cáp với đám bạn chí cốt. Có được ít lời, năm 24 tuổi, ông bắt đầu đi khắp các vùng quê Việt Nam từ Bắc chí Nam nhằm “gom” gốm sứ cổ về nhà mình để thỏa mơ ước.
Nhà sưu tầm Đinh Công Tường và kho gốm sứ cổ gồm hàng ngàn chiếc bát, đĩa, tách trà... Chiếc đĩa “Cá hóa rồng” quý hiếm, gốm Biên Hòa thế kỷ 18. |
Với tính cách phóng khoáng, vui vẻ, dễ gần, Đinh Công Tường nhanh chóng “lấn” sâu vào thú chơi cổ vật và nổi tiếng là tay săn đồ cổ “cao tay”. Đi tới đâu là ông kết bạn tới đó, từ bậc vương giả cho tới người lao động nghèo, ai ai cũng quý mến ông. Chính là nhờ cách giao tiếp thân thiện này nên nhiều khi vô tình ông “vớ” được những món hàng cổ, độc và hiếm ít ai có được. Ông chia sẻ: “Đó là “cái duyên” cần thiết để sống với nghề sưu tầm cổ vật, bởi nếu không có duyên, đôi khi gặp những món đồ mình yêu thích, có tiền nhưng chưa chắc người ta chịu bán. Nếu có duyên, đôi khi còn được người ta tặng không…”. Và để có được những cổ vật gốm sứ yêu thích, nhiều khi ông phải “rình rập”, thuyết phục chủ nhân của nó mất vài năm mới mua được.
Mỗi lần có dịp đi nước ngoài, ông đều bỏ thời gian truy tìm cổ vật để làm giàu cho “kho tàng” của mình. Thế nên, bộ sưu tập gốm sứ cổ của ông rất đa dạng và phong phú. Ngoài ra, nhiều người nghe tiếng ông “nghiền” cổ vật gốm sứ nên thường tự tay mang đồ cổ tới tận nhà ông để bán được giá cao hơn. Con đường sưu tập gốm sứ cổ của ông Tường chỉ có vậy mà giờ đây, số lượng cổ vật của ông đã “vượt ngưỡng” sức chứa của ngôi nhà 3 tầng (600m2), một căn chòi và một căn nhà gỗ trong khu vườn nhà ông. Cổ vật nhiều đến nỗi chúng nằm lăn lóc khắp gầm giường, gầm tủ, góc nhà của ông. Vì thế, ngôi nhà của ông giờ trở thành “bảo tàng” gốm sứ cổ để người yêu cổ vật tới thưởng lãm...
Những cổ vật gốm sứ của ông Tường đều thuộc hàng “độc, lạ” ở Việt Nam bao gồm đủ các loại hình như: tô, chén, đĩa, ché, lộc bình, chum, thìa, chân đèn... có xuất xứ từ Trung Hoa, Singapo, Pháp, Nhật Bản, Hongkong... với niên đại từ thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 20. Trong đó phải kể đến Bộ sưu tập ấm chén và các loại lộc bình cổ quý hiếm của Nhật thế kỷ 19, một điểm nhấn trong bộ sưu tập gốm sứ của ông. Ngoài ra, ông còn có hàng chục chiếc tô một trăm chữ bùa của đời Minh, bình vuông đời Thanh cuối thế kỷ 17, bình Bát huệ tôn, bình Song tâm thế kỷ 18... Riêng gốm sứ Việt Nam, ông Tường có đầy đủ bộ gốm sứ của ba miền Bắc, Trung, Nam của các nền văn hóa Việt cổ như gốm Óc Eo, Đông Sơn, Chăm, Bát Tràng hay gốm Biên Hòa thế kỷ 18 - 19, gốm Cây Mai ở quận 5 Sài Gòn xưa... Trong đó có cặp bình độc nhất vô nhị hình thoi với nước men trắng xanh cực hiếm ông mua được ở Tiền Giang, chiếc đĩa Mai Hạc của vua triều Nguyễn được tương truyền có hai câu thơ chữ Nôm: "Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen" của Đại Thi Hào Nguyễn Du đề tự khi ông thăm một lò sứ ở Trấn Cảnh Đức năm 1813, cùng hàng ngàn đồ ngự dụng men Lam Huế thời Nguyễn... Ngoài ra, ông còn sưu tập những cổ vật bằng đồng, bạc, đá quý, gỗ hiếm…
Một số đồ gốm sứ cổ của nhà sưu tầm Đinh Công Tường tại tư gia: Chiếc đĩa Mai Hạc quý hiếm đời Nguyễn, tương truyền 2 câu thơ trên là của Đại Thi Hào Nguyễn Du đề tự khi ông thăm một lò sứ ở Trấn Cảnh Đức năm 1813. Những chiếc thìa gốm sứ rất hiếm xuất xứ từ Trung Hoa niên đại thế kỷ 18. Cặp chân đèn cầy (đực – cái) xuất xứ từ Trung Hoa thế kỷ 18. Chiếc ché da rạng, gốm Bát Tràng thế kỷ 18. Đĩa gốm sứ cổ đời Minh (Trung Hoa). Cặp bình hoa và chiếc đĩa đời Khang Hy (Trung Hoa) vẫn còn nằm chặt trong tảng san hô biển. Đồ gốm cổ nằm lăn lóc ở gầm tủ trong “bảo tàng” của Nhà sưu tầm Đinh Công Tường. Chiếc bình trà chữ “Phúc”, gốm Biên Hòa đầu thế kỷ 19. Bình hoa Con Gà, gốm sứ Nhật Bản đầu thế kỷ 19 rất “độc” của nhà sưu tầm cổ vật Đinh Công Tường. Cặp bình Tu Hú, gốm sứ Nhật Bản thế kỷ 19. Cặp bình bông xuất xứ Nhật Bản, niên đại thế kỷ 19. Chiếc ấm bình gốm sứ Hoa Mai quý hiếm của người Hoa tại đồn Cây Mai, Q.5, (Sài Gòn xưa) niên đại thuộc thế kỷ 19 - 20. Bình trà và bình bông, gốm Biên Hòa đầu thế kỷ 20. Cặp bình bông, gốm Biên Hòa đầu thế kỷ 20. |
“Vua gốm sứ cổ” Đinh Công Tường tâm sự: “Tôi chẳng trừ đồ, vật cổ nào, nhưng thích và sưu tập nhiều nhất vẫn là đồ gốm sứ, cứ có thời gian rảnh là tôi tự lái xe đi lùng sục, vài ba tuần sau trở về là trên xe đầy đồ cổ rồi…”. Được biết, từ khi sưu tầm, chưa một lần ông bán đi một đồ vật nào. Ngược lại, ông đang dự định xây dựng quán cà phê tại tư gia và mở rộng “bảo tàng” của mình để mọi người cùng thưởng lãm kho đồ cổ khổng lồ này. Năm 2011,Trung Tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập ông là Người sở hữu nhiều đồ cổ gốm sứ nhất Việt Nam. Ngoài ra, Đinh Công Tường còn được biết đến là một nhà hảo tâm giàu lòng nhân ái, ông thường xuyên giúp đỡ người đời bằng việc đi khắp Việt Nam, Lào, Campuchia để làm từ thiện.../.
Bài: Đỗ Văn - Ảnh: Lê Minh
Bài: Đỗ Văn, ảnh: Lê Minh