Tiềm năng địa phương

Phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình

Tỉnh Hòa Bình có hồ chứa thủy điện lớn nhất Việt Nam với diện tích mặt nước gần 9.000ha là tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Trên hồ Hòa Bình hiện có 4.750 lồng nuôi cá, sản lượng đạt trên 5.590 tấn/năm cho giá trị lên tới khoảng 560 tỷ đồng tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 5.000 lao động.

Từ quy mô nuôi trồng ban đầu nhỏ lẻ đến nay nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản đã đầu tư lớn, xây dựng những trang trại nuôi cá có quy mô và bài bản. Với những hộ nuôi gia đình hiện đa số cũng đã đầu tư, nâng cấp dùng lồng nuôi loại mới là lồng lưới có thể tích lớn cung cấp hàng ngàn tấn cá thương phẩm ra thị trường.

Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng là một trong hai doanh nghiệp nuôi cá lồng quy mô lớn nhất trên hồ Hòa Bình. Ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc công ty cho biết: Công ty đã đầu tư, xây dựng thống trang trại nuôi cá với 180 lồng nuôi theo chuẩn VietGAP ở tổ Tháu, phường Thái Bình. Ngoài ra Hải Đăng còn liên kết với các hộ dân nuôi cá tại lòng hồ để phát triển thương hiệu cá sông Đà. Sản lượng hàng năm của công ty đã đạt hơn 500 tấn cá. Không chỉ hoạt động gói gọn trong việc nuôi trồng thủy sản, Hải Đăng còn xây dựng nhà máy biến sản phẩm từ chính cá nuôi tại lòng hồ. Một trong những sản phẩm của công ty là ruốc cá đã đạt chứng nhận 4 sao Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình năm 2020.

Hồ thủy điện Hòa Bình có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản.
Nhiều vùng nước trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình có điều kiện rất lý tưởng, thích hợp phát trển nuôi cá lồng.
Một hộ gia đình đầu tư bài bản cho nuôi cá lồng tại xã Hiền Lương, Đà Bắc, Hòa Bình.
Chăm sóc cá tại khu vực nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ ở Đà Bắc, Hòa Bình.
Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng đã đầu tư hệ thống trang trại nuôi cá trên hồ Hòa Bình với số lượng gần 200 lồng.
Nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao được nuôi tại lòng hồ Hòa Bình.
Một góc khu lồng nuôi cá của công ty TNHH thủy sản Mavin Hòa Bình.
Người nuôi cá trên lồng hồ Hòa Bình sử dụng thức ăn công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn.
Anh Xa Văn Mong một người dân tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc tận dụng mặt nước hồ thủy điện,
đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm lồng, nuôi cá. Qua 5 vụ nuôi trồng, lồng cá của gia đình anh cho thu nhập ổn định.

Ở xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc Công ty TNHH thủy sản Mavin Hòa Bình đã tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến là nuôi cá bằng lồng tròn của NaUy. Loại lồng này được thiết kế tiên tiến với kích thước lớn một lồng có thể nuôi tới 50 tấn cá/vụ. Với 100 lồng đang nuôi cho sản lượng hàng năm khoảng 5.000 tấn cá. Với công nghệ nuôi tiên tiến, quy trình nuôi được giám sát chặt chẽ, sản phẩm cá của Mavin Hòa Bình đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm của công ty đã có chỗ đứng trên thị trường được người tiêu dùng tin tưởng. Trong năm 2021, lần đầu tiên công ty đã xuất khẩu được sản phẩm cá rô phi sang thị trường Mỹ.

Hiền Lương cũng là xã có nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, vay vốn làm lồng nuôi cá. Ông Nguyễn Đăng Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương cho biết: Xã có 915ha mặt nước hồ thủy điện đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển. Xác định nuôi trồng thủy sản là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chính quyền xã Hiền Lương đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết về phát triển ngành thủy sản nhằm  khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi cá lồng. Ngoài các doanh nghiệp một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư thêm, chuyển hướng làm ăn, quyết định đầu tư nuôi cá. Với nguồn nước sạch cá nuôi trồng ở đây khỏe mạnh, ít bị bệnh cũng là yếu tố thuận lợi cho mọi người yên tâm đầu tư, mở rộng nghề nuôi cá lồng để mang lại nguồn thu ổn định và mở ra cơ hội làm giàu./.

Bài và ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam


Top