Đời sống Việt

Nhộn nhịp chợ hoa Xuân Hàng Lược

Mỗi khi Tết đến Xuân về, chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội) lại nhộn nhịp người bán, kẻ mua. Chợ được khai mạc vào 15 tháng chạp và kéo dài đến 30 Tết thu hút được đông đảo người dân thủ đô và du khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm và thưởng thức không khí chộn rộn ngày Tết đất Hà thành. 
Ra đời từ đầu thế kỷ 20, chợ hoa Hàng Lược được coi là chợ hoa lâu đời nhất Hà Nội. Những ngày này, chợ tràn ngập màu sắc tết cổ truyền nhờ những cành đào Nhật Tân, quất Tứ Liên và đủ loại cây hoa, vật phẩm và không khí sắm Tết rất đặc trưng của người Hà Thành.
 
Bên cạnh chợ hoa là chợ đồ cổ được bày bán ngay dưới lòng đường, thu hút khá nhiều người mua. Người đến chợ đồ cổ không chỉ là để mua bán mà còn là để tìm lại những hoài niệm một thời. Người bán cũng không quá quan trọng chuyện bán được hay không, lời lãi bao nhiêu, mà chủ yếu mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc sưu tầm và chơi đồ cổ.
 
Chợ hoa Hàng Lược cùng với chợ đồ cổ đã trở thành một điểm hẹn quen thuộc của người dân Thủ đô cũng như du khách khi đến với Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán. Phiên chợ đã góp phần quảng bá, giới thiệu với khách du lịch trong và ngoài nước về Tết cổ truyền của dân tộc, nhằm phát huy những giá trị, những tinh hoa trong nếp sống của người dân Thủ đô./.
 
Đã thành lệ, cứ sau ngày "ông Công ông Táo", chợ hoa Tết lại nhộn nhịp họp một đoạn dài trên phố Hàng Lược
và các con phố lân cận. Nơi đây người nông dân trồng hoa, cây cảnh ở những làng hoa như
Ngọc Hà, Tứ Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá… mang các loại hoa, cây cảnh đến bán mỗi khi Tết đến Xuân về.



Đào, quất là loại cây cảnh truyền thống của người dân miền Bắc,
vì vậy đây cũng là mặt hàng được bày bán nhiều nhất tại chợ hoa Hàng Lược.


Chợ hoa Hàng Lược thường họp vào những ngày giáp Tết, kéo dài suốt từ sáng sớm
cho tới tận đêm khuya, thậm chí sát lúc giao thừa chợ mới tan. 


Chợ hoa kéo dài qua các phố Hàng Lược, Hàng Chai, Hàng Rươi,
thậm chí còn kéo dài ra đến cả các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Đồng
và một vài các tuyến phố khác trong khu phố cổ Hà Nội.


Đặc biệt là từ sau 27 (âm lịch), người dân Hà thành đến đây không chỉ mua đào,
hoa cây cảnh mà còn là để ngắm hoa, thưởng cái không khí Tết của Hà Nội.


Một em bé Hà Nội theo gia đình đi chợ hoa Hàng Lược.


Năm nay, những cành đào nhỏ có giá giao động khoảng 50.000 đến hơn 100.000 đồng/cành.
Cành đào to hơn có giá giao động từ 300.000 đến 500.000 đồng.


Ngoài đào, quất, chợ hoa Hàng Lược còn có đủ loại hoa, cây cảnh như cúc, lay ơn, thược dược, violet,
hoa thuỷ tiên, hải đường, cây bonsai cùng nhiều mặt hàng trang trí Tết.


Nhiều người chọn mua hoa thủy tiên về chơi Tết.


Những người cao tuổi thường đi chơi chợ hoa vào buổi sáng,
ngắm lựa và chọn lọc rất kỹ trước khi quyết định mua hoa, quất.

Nhiều người dân Phố cổ Hà Nội thường chọn mua những chậu hoa nhỏ,
đẹp để trang trí trong nhà ngày Tết.


Các loại bánh, mứt, phong bao lì xì, câu đối giấy... cũng được bày bán phục vụ khách mua.

Quầy bán đèn lồng đỏ tạo nên sắc màu ấm cúng ngày Xuân cho khu vực chợ hoa Hàng Lược.


Những đồng tiền xưa cũ được nhiều người quan tâm vì nó gợi nhớ về một thời kỳ của cuộc đời.


Không gian bày bán những chiếc đồng hồ cổ.

Những người luống tuổi đi chợ hoa Hàng Lược quan tâm đến quầy hàng bán đồ cổ, đồ sứ.


Đồ cổ, giả cổ được bày bán đa dạng về mẫu mã, chủng loại.


Khu vực bán đồ cổ, giả cổ thu hút cả những khách du lịch nước ngoài
tò mò muốn khám phá văn hóa Việt Nam.

Thực hiện: Trần Công Đạt – Trần Thanh Giang
 
 

Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo

“Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo”

Mới đây, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra chương trình “Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo”. Sự kiện đã thu hút hơn 200 đại biểu, bao gồm đại diện từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị trực thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, sĩ quan và chiến sĩ Trường Đại học Trần Quốc Tuấn cùng 16 cộng đồng dân tộc thường xuyên sinh hoạt tại “ngôi nhà chung” và đông đảo du khách.

Top