Quảng Ngãi thấp thỏm trước nỗi lo sạt lở bờ biển
Thời gian gần đây, hiện tượng triều cường, sóng lớn cùng với tình hình mưa lũ, thời tiết cực đoan đã khiến cho nhiều khu vực bờ biển ở tỉnh Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng. Mức độ sạt lở ngày càng gia tăng, đe dọa trực tiếp đến an toàn các khu dân cư và công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có cả những công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng và viễn thông...
Để có cái nhìn cụ thể và chính xác chúng tôi đã có chuyến đi thực tế đến khu vực bờ biển của ba địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi là xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn), xã Phổ Châu (huyện Đức Phổ) và xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn). Đây là ba điểm sạt lở bờ biển điển hình hiện nay ở Quảng Ngãi.
Tại khu vực phía đông mũi Co Co, thuộc thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, đoạn gần đồn biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất, cách tường rào đồn biên phòng và chân cột tháp viễn thông một đoạn không xa, sóng mạnh và mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở bờ biển tạo thành bờ vách cao dựng đứng gần cả chục mét.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng sạt lở ăn sâu vào khu đất rừng phòng hộ khoảng 3m, cuốn phăng hàng nghìn khối đất ra biển, đe dọa đến tuyến đường giao thông vào đồn biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất và trụ sở đồn biên phòng này.
Tại hiện trường khu vực sạt lở, hàng loạt cây dương liễu xanh tốt với tác dụng phòng hộ ven biển bị sóng cuốn ngã đổ trơ gốc. Một số vị trí bờ biển sạt lở đã tạo thành vách dựng đứng cao gần chục mét, có nhiều điểm bị khoét sâu tạo thành hàm ếch rất nguy hiểm. Trên bờ, hình ảnh nhiều công trình xây dựng quy mô nhỏ bằng bê tông vốn trước đây là các quán xá, nhà hàng cũng bị đánh sập chỉ còn trơ lại nền gạch nham nhở, thậm chí cả một con dốc bằng gạch kiên cố dẫn lối xuống biển cũng bị xói lở sập gần hết.
Để chống chọi tạm thời, đồn biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất đã cắm biển cảnh báo, kè chắn, gia cố tạm để ngăn chặn sạt lở. Tuy nhiên, những nỗ lực của cán bộ chiến sĩ như muối bỏ biển trước nạn triều cường xâm thực ngày càng nghiêm trọng.
Tương tự như xã Bình Thận, ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn) tình trạng sạt lở cũng diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực. Đặc biệt đây là vùng gần cửa biển Sa Cần nên tàu thuyền ra vào nhiều cộng với triều cường sóng lớn đã gây ra tình trạng sạt lở mạnh. Điển hình như một trạm xăng dầu phục vụ hậu cần nghề cá đã bị sóng đánh sập khiến toàn bộ mặt tiền ngôi nhà và phần mái đổ sụp chìm sâu xuống nước, cạnh đó một đoạn bờ kè dài bằng bê tông kiên cố cũng đổ nghiêng, hàng loạt ngôi nhà đứng chơ vơ bên mép nước có nguy cơ bị sóng đánh sập bất cứ lúc nào.
Nhiều người dân ở đây cho biết, khu vực này trước có nhiều nhà dân sinh sống nhưng bị sạt lở và đã được di dời đi nơi khác nhưng đến nay sạt lở không dừng lại mà tiếp tục ăn sâu vào đất liền.
Tại xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, nơi có khu vực bãi biển Châu Me hoang sơ khá đẹp được kì vọng là điểm du lịch độc đáo của Quảng Ngãi cũng không tránh khỏi nổi lo sạt lở. Tại đây, tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra đã khá lâu khiến cho bờ biển ngày càng bị biến mất, nhiều hàng quán bị cuốn trôi, hoạt động kinh doanh du lịch vì thế cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí có cơ sở kinh doanh đã phải đóng cửa.
Trao đổi với báo chí, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến phức tạp nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư xử lí.
Cụ thể, tỉnh xác định có 88 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, nhà ở của nhiều hộ dân và công trình hạ tầng trong khu vực. Trong đó, có 79 vị trí sạt lở bờ sông và 9 vị trí sạt lở bờ biển, với tổng chiều dài hơn 103 km, ước kinh phí đầu tư khoảng hơn 5.000 tỉ đồng. Trước mắt, tỉnh đã có văn bản trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ để đầu tư một số dự án khắc phục, chống sạt lở./.
- Thực hiện: Thanh Hòa & Phạm Cường