Tiềm năng địa phương

Nhọc nhằn nghề chẻ đá núi Hòn Sóc

Các mỏ đá ở khu vực núi Hòn Sóc (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) đã mang lại nghề chẻ đá quanh năm suốt tháng ầm ào tiếng ồn và bụi nhưng mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Nghề chẻ đá ở Thổ Sơn là một nghề truyền thống ở địa phương, có hơn 30 năm nay, đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân ở đây cũng như ở các tỉnh lân cận. Người thợ làm nghề chẻ đá quanh năm, tuy mang lại thu nhập khá cao nhưng kèm theo đó là biết bao vất vả.
    
Thợ chẻ đá Đỗ Mạnh Cường (45 tuổi, quê ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), làm công cho bãi đá Tám Thêm, cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề chẻ đá từ đời ông nội, từ nhỏ tôi đã theo ba phụ việc và học nghề chẻ đá ở quê trước khi chuyển vào Thổ Sơn làm nghề. Nghề nay đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sức bền, sự cẩn thận thì mới có thể theo nghề và gắn bó với nghề được”. Một ngày, người thợ phải phơi lưng 8 tiếng ngoài trời nắng nóng để chẻ đá, cùng với việc chịu đựng tiếng ồn và bụi bẩn từ nghề này mang lại. Nhiều người thợ phải mặc thêm áo dài tay, đội nón, đeo khẩu trang, đeo mắt kính để hạn chế sự ảnh hưởng của công việc.
    


Bãi đá ngổn ngang với những viên đá thô được khai thác từ núi Hòn Sóc xuống.


Một số dụng cụ, đồ nghề của người thợ chẻ đá.


Có khoảng 30 bãi đá nằm dọc theo con đường khoảng 5km dưới chân núi Hòn Sóc.


Người làm nghề chẻ đá đa phần là đàn ông, có sức khỏe, sức bền
để làm những công việc nặng nhọc liên quan đến những phiến đá to, nặng và cũng không kém phần nguy hiểm.


Tiếng máy cưa đá nghe xèn xẹt, tiếng đục đá chát chúa liên hồi là một âm thanh đặc trưng ở làng nghề chẻ đá Thổ Sơn.


Công đoạn căng dây búng mực tạo đường thẳng để dùng máy cưa theo đường thẳng đó.


Những công đoạn nhẹ nhàng như chêm những cây nẹp (nêm) thường dành cho các phụ nữ.


Dùng cưa máy cầm tay cưa theo đường thẳng đã kẻ sẵn trên cây đá.


Người thợ cho nước vào lưỡi cưa nhằm giúp lưỡi cưa cắt đá nhanh hơn và đỡ bụi hơn.


Nghề chẻ đá rất vất vả khi vừa tạo ra tiếng ồn vừa tạo ra rất nhiều bụi đá, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.


Công đoạn dùng búa và đục để ghè lại cho vuông vức những cây đá thành phẩm.


Cây đá sắp hoàn chỉnh, thông thường có các loại đá cây thành phẩm có chiều dài từ 1 – 4m.


Công nhân vận chuyển đá thành phẩm lên xe theo đường bộ.


Sản phẩm đá Thổ Sơn được tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với các sản phẩm chủ lực như: cột đá, cừ đá, đá miếng…

“Người thợ chẻ đá tính công theo sản phẩm, một cây đá hoàn chỉnh được 15.000, một ngày tôi làm được tầm 15 cây, được khoảng 450.000. Nghề này tuy vất vả nhưng mang thu nhập khá cao, giúp vợ chồng tôi nuôi được hai con đang tuổi ăn học” – anh Cường cho biết thêm.
    
Anh Cao Tấn Lợi (quê ở Sóc Trăng) có kinh nghiệm 17 năm làm nghề chẻ đá, đang làm công nhân cho cơ sở đá Bà Giàn cho biết, từ những khối đá to được khai thác trên núi Ba Hòn xuống, người thợ sẽ dùng thước do, dùng dây búng mạch kẻ vạch thẳng rồi dùng máy cưa cắt theo vạch kẻ đó thành từng rãnh cạn nhỏ. Sau đó, người thợ dùng nẹp (nêm) đóng vào rãnh, mỗi nẹp cách nhau khoảng một gang tay, rồi lấy búa đóng để tách dần đá ra theo khổ đã được định hình sẵn. Sau cùng, người thợ dùng búa hoặc đục để ghè, đẽo những phần thừa, phần thô để cho ra những cây đá vuông vức, đẹp mắt.
    
Thông thường, những công đoạn nặng nhọc như chẻ đá, cưa đá, vác đá sẽ dọ những người thợ nam đảm nhiệm. Người thợ nữ (thường là người vợ đi theo thợ chẻ đá) sẽ phụ các công đoạn nhẹ nhàng hơn như đo đạc, kẻ dây, canh nêm, gõ tách đá bằng búa, ghè đá thành phẩm.

Sản phẩm hoàn chỉnh là những cây đá hình trụ vuông có độ dài từ 1 – 4m tùy theo nhu cầu sử dụng và những mục đích khác nhau. Sản phẩm đá Thổ Sơn được tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với các sản phẩm chủ lực như: cột đá, cừ đá, đá miếng…
    
Dù nghề chẻ đá ở Thổ Sơn tuy mang lại rủi ro khi lao động nhưng với mức thu nhập trung bình từ 350 – 500 ngàn/ngày là mức thu nhập khá cao cho người làm nghề thì nhiều người thợ vẫn gắn bó với nghề, và tiếng búa, tiếng máy xèn xẹt ngày ngày đã mang lại một thanh âm đặc trưng ở vùng núi Thổ Sơn./.

 
Bài và ảnh: Sơn Nghĩa


Top