Ở tỉnh Đồng Nai, có một khuôn viên rộng chừng 5.000 mét vuông nhưng là nơi hội tụ đầy đủ nét văn hóa đặc trưng của các vùng miền, từ phong cách nghệ thuật kiến trúc độc đáo đến những cảnh vật thiên nhiên thơ mộng, hữu tình nơi thôn dã... Đó là Nhã Viên quán, còn được ví như một công viên văn hóa, một bảo tàng văn hóa hay một resort thu nhỏ, tọa lạc ở khu phố 1, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa
Khuôn viên Nhã Viên quán được mở ra với chiếc cổng dựng theo kiểu Tam Quan cổ điển của xứ Huế, thực sự tương thích với ngôi nhà rường lớn, giữ vị thế kiến trúc chủ trong tổng thể Nhã Viên. Ngôi nhà có tên là Phú Xuân Đường với ý nghĩa không chỉ gửi gắm những ước vọng sinh sôi, nảy lộc của mùa xuân và sự thịnh vượng mà còn vì phong cách kiến trúc nhà rường đặc trưng xứ Huế, gợi nhớ về vùng đất cố đô văn vật.
Tuy vậy, muốn bước vào Phú Xuân Đường, từ cổng Tam Quan du khách phải men theo lối lát đá rộng bản len lỏi hoa cỏ, trong tiếng chim hót phía trên hay tiếng suối chảy róc rách đâu đây. Hiện ra trước mắt là Nam Huyên Đường mang phong cách nhà Nam bộ. Ngôi nhà mát mẻ, rộng rãi và thoáng đãng như tính khí thật thà mà hào sảng của con người đất phương Nam. Từ đây, theo một con suối nhỏ chảy suốt ngày đêm, dưới những tán cây rợp bóng mát là ngôi nhà sàn kiểu Tây Bắc của dân tộc Thái có tên là Vọng Sơn Các. Điều độc đáo là nguyên trạng Vọng Sơn Các được mang từ miền núi Tây Bắc về đây rồi dựng lại. Hai chiếc cầu thang bước lên nhà sàn trong đó có lối dành riêng cho khách mang đặc trưng văn hóa phồn thực rõ nét của đồng bào dân tộc - biểu tượng hai bầu vú người phụ nữ làm tay cầm với ước muốn sinh sôi, mùa màng tươi tốt. Ngay bên dưới, cạnh nhà sàn, chiếc thuyền độc mộc được xẻ từ một khúc gỗ rừng, phản ánh về một phương tiện di chuyển của đồng bào dân tộc với những khúc sông nhiều ghềnh đá, hiểm trở.
Lối đá nhỏ tiếp tục dẫn du khách qua con suối nhỏ yên bình với đầy hoa, mặc cho đàn cá vàng đang thoải mái tung tăng theo làn nước mát lạnh… Lại nhớ tên gọi Nhã Viên dường như không để nói về một khu vườn mà ở đây là cả một sự đủ đầy, viên mãn với thiên nhiên, cảnh vật. Con suối len lỏi trong Nhã Viên quán có tên là Hương Tuyền với ý nghĩa là Suối Thơm. Dòng nước này càng dễ làm người ta nhớ về dòng Hương Giang thơ mộng, quanh năm chảy hiền hòa bên kinh thành Phú Xuân thuở nào. Vắt lên Hương Tuyền còn có 5 cây cầu nhỏ, riêng Kim Nghê Kiều ở ngay trước mặt Phú Xuân Đường là cây cầu đá được xây theo kiểu cổ xứ Huế có hình dáng như con lân cuộn mình.
|
Cối xay thóc truyền thống.
|
|
Bể cá đem lại cảm giác thư thái cho du khách.
|
|
Vẻ đẹp của Nhã Viên quán mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam. |
|
Nội thất trong Phú Xuân Đường. |
Vòng qua Phú Xuân Đường theo hướng Đông, dòng Hương Tuyền lại bao quanh ba mặt Bắc - Tây - Nam của Tư Quảng Đường (phong cách nhà rường Nam Trung bộ) rồi dừng lại trước Đào Nguyên Động, tạo nên Long Trì - khoảnh ao nhỏ đủ cho mấy bụi sen, chùm hoa súng khoe sắc. Ngoài ra, ứng với Long Trì là thủy tụ bên Đông thì bên Tây đã có núi Linh Phong. Núi dựng bằng 3 tảng đá lớn lại đèo thêm hòn đá nhỏ, nhìn dưới chân còn thêm 3 viên đá khác để đủ 7 hòn. Số 7 ở đây chính là tượng trưng cho dãy Thất Sơn (tỉnh An Giang), núi chủ của đất phương Nam.
Có thể nói, cảnh quan chung của Nhã Viên quán mang một vẻ đẹp thanh thoát, hài hòa, đồng thời mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng ngoạn những nét kiến trúc tinh tế từ ba miền đất nước mà còn được chiêm ngưỡng những cổ vật, hiện vật văn hóa quý giá của Việt Nam.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương