Chân dung

Người “thuyền trưởng” của Nhà hát Chèo Việt Nam

Với mong muốn phát triển chèo, một loại hình nghệ thuật truyền thống thuần Việt, nhằm khơi lại thú xem chèo vốn có của người Hà thành, cũng như thu hút du khách nước ngoài, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, người được mệnh danh là cô “đào lệch” của làng chèo Việt đang có những bước đi táo bạo nhưng hiệu quả và thành công.
Từ cô “đào lệch”…
Má lúm đồng tiền, đôi mắt lá răm đen láy, làn môi nhỏ xinh, lúc nào cũng nở nụ cười, chất giọng khàn khàn nhưng cao vút, một con người đầy bản lĩnh cùng một niềm đam mê đặc biệt dành cho chèo…, đó là những gì người ta thường miêu tả về NSƯT Thanh Ngoan.

Trong làng chèo Việt, nhắc đến bà là nhắc một người nghệ sỹ vừa có cả thanh lẫn sắc. Với lợi thế đó, đáng lẽ ra bà phải là người hợp với những vai “nữ chín”, “đào thương”, thế nhưng Thanh Ngoan lại gây ấn tượng và làm khán giả nhớ tới mình ở những vai “đào lệch” với tính cách đanh đá, chua ngoa, phá phách.
 

NSƯT Thanh Ngoan, người nổi tiếng với các vai "đào lệch" trong làng chèo Việt Nam.


NSƯT Thanh Ngoan trong chuyến đi lưu diễn ở Trường Sa.


Những kỉ niệm đáng nhớ của nghệ sỹ Thanh Ngoan cùng các chiến sĩ đảo Song Tử Tây ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cơ duyên đưa bà đến với những vai “đào lệch” cũng hết sức ngẫu nhiên và tình cờ. Khi đi học, bà được các thầy cô đánh giá là có giọng hát rất tốt. Nhưng ngày đó, ngoại hình của bà lại hơi “tròn”. Bởi vậy, tuy được học và làm tốt các vai diễn nổi tiếng nhất như: Súy Vân, Thị Mầu, Thị Phương... nhưng bà lại không được giao những vai diễn có thân hình mảnh mai như các "nữ chín", "đào thương" này. Vai diễn đầu đời của bà lại là vai Đào Huế, một nhân vật nữ nổi tiếng ghen tuông, đáo để trong trích đoạn "Tuần Ty - Đào Huế" của vở "Chu Mãi Thần".

Thành công ngoài mong đợi với vai diễn này, bà bắt đầu được giao cho các "vai mụ" đầy tính cách, thậm chí là cả các vai hề. Kể từ khi bắt đầu vào nghề cho đến nay, tính ra đã vài chục năm, bà cứ gắn bó với những vai chua ngoa đanh đá như: Mụ Sùng trong "Quan Âm Thị Kính", mụ Kim trong "Súy Vân", vai hề Giáp Ất trong "Cô gái và anh đô vật", vai Hoàng hậu trong "Thằng Cuội", vai cô hầu trong "Hoàng tử có đôi tai bò", vai Nô Ha trong "Hoàng hậu Ba Tư", vai chủ quán Hồng Châu trong vở "Hồ Xuân Hương", vai Hoạn Thư trong "Kiều"...

Ở vai diễn nào, bà cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Nó đã thành thương hiệu riêng của bà. Đến mức, nhắc đến nghệ sỹ Thanh Ngoan là trong đầu khán giả đã hình dung ngay đến người đàn bà đanh đá, chua ngoa, pha chút hài hước, dí dỏm.

Có lẽ chính tính cách đầy mạnh mẽ, bản lĩnh mà người đàn bà đẹp này đã vào những vai diễn rất đó thành công, đến nỗi dường như không ai có thể thay thế được. Thành ra, bà đã tạo được tiếng vang khắp trong, ngoài nước với biệt danh “cô đào lệch” của làng chèo Việt.

Đến “thuyền trưởng” của Nhà hát Chèo Việt Nam
Bôn ba nhiều nơi trên thế giới với các làn điệu chèo, cô “đào lệch” của làng chèo Việt càng hiểu và nhận thức rõ giá trị của nghệ thuật truyền thống. Ở cương vị Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, bà không chỉ gánh trách nhiệm giữ lửa truyền nghề cho các thế hệ sau, mà còn phải chèo lái con thuyền với sứ mệnh của một người “thuyền trưởng”.

NSƯT Thanh Ngoan chia sẻ: “Tôi có một niềm tin mãnh liệt với môn nghệ thuật truyền thống này. Nó sẽ trường tồn với đời sống và văn hóa người Việt”. Chính niềm tin và trách nhiệm của một người nghệ sỹ, thời gian qua, bà và tập thể nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đã có những chương trình, dự án đưa chèo đến gần với khán giả hơn. Đặc biệt là định hướng phát triển chèo thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc để phục vụ du lịch nhằm giới thiệu và thu hút du khách nước ngoài đến với môn nghệ thuật truyền thống thuần Việt này.

Đầu tiên phải kể đến chương trình tái hiện lại một chiếu chèo cổ giữa lòng Thủ đô. Sau hơn một năm thử nghiệm, hiện nay chiếu chèo cổ này đã chính thức được khán giả Thủ đô và du khách nước ngoài biết đến như một địa chỉ quen thuộc vào mỗi tối thứ sáu hàng tuần. Đặc biệt, đối với các chương trình biểu diễn dành cho người nước ngoài còn có thêm cả phần thuyết minh bằng tiếng Anh để giúp khán giả tiện theo dõi. Vậy là ước nguyện khôi phục một chiếu chèo cổ tại Hà Nội của bà bước đầu đã thành công.
 

NSƯT Thanh Ngoan, người "thuyền trưởng" của Nhà hát Chèo Việt Nam.


Ngoài công việc điều hành và phát triển Nhà hát Chèo Việt Nam,
bà còn tham gia đào tạo gây dựng nên một lớp nghệ sĩ trẻ đầy tài năng và tâm huyết cho nền nghệ thuật hát chèo Việt Nam.


Bà luôn dốc hết tâm sức truyền nghề cũng như ngọn lửa đam mê chèo cho thế hệ trẻ.


Bà cũng sáng tác nhiều làn điệu chèo mới ca ngợi vẻ đẹp và tình yêu quê hương biển đảo của Tổ quốc.


Đặc biệt, bà là người rất tâm huyết với việc phát triển
và quảng bá nghệ thuật hát chèo truyền thống của Việt Nam ra nước ngoài.
 
Tiếp đến phải kể đến chương trình biểu diễn "Năm cung chèo”. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ khán giả Thủ đô, du khách nước ngoài và thành công ngoài mong đợi. Không chỉ vậy, chương trình còn nhận được sự đánh giá rất cao của giới chuyên môn. Sở dĩ có được sự ủng hộ lớn như vậy, theo NSƯT Thanh Ngoan đó là sự mạnh dạn trong ý tưởng và sáng tạo trong cách làm của Nhà hát.

Trong chương trình này, NSƯT Thanh Ngoan đã khai thác triệt để những làn điệu hay kết hợp sử dụng sáng tạo những nhạc cụ truyền thống của chèo. Đó là sự kết hợp của “3 trong 1”: một là làn điệu chèo cổ; hai là những ngón đàn phiêu linh, tài tử; ba là mang yếu tố dân gian nhưng hiện đại để kéo công chúng đến gần với chèo hơn. Chính với sự cách tân và sáng tạo này đã được các nhà nghiên cứu đánh giá, Nhà hát Chèo Việt Nam đã tìm ra được một lối đi mới cho âm nhạc chèo, tạo ra một hơi thở mới cho chèo Việt.

NSƯT Thanh Ngoan chia sẻ: “Khán giả khi nghe “Năm cung chèo” tưởng chừng là mới nhưng đó lại là những tiết tấu được khai thác từ trong âm nhạc chèo truyền thống. Các nhạc cụ đều cũ nhưng cách phối thì mới. Bởi vậy nó tạo ra một thứ âm thanh mới, mang hơi thở mới, tạo được sự khác biệt và cuốn hút với người xem”.
 
Với những cách làm trên, NSƯT Thanh Ngoan và tập thể các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam đang dần đưa chèo sống lại trong lòng công chúng, và xa hơn nữa là đến với khán giả nước ngoài, những người yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam./.
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Văn Quyền

NTK Vũ Lan Anh - Người đưa câu chuyện lịch sử lên tà áo dài

NTK Vũ Lan Anh - Người đưa câu chuyện lịch sử lên tà áo dài

Lấy cảm hứng từ họa tiết dân gian Việt Nam cùng góc nhìn kiến trúc độc đáo, nhà thiết kế Vũ Lan Anh đã tạo nên dấu ấn riêng biệt cho thương hiệu áo dài La Sen Vũ. Không chỉ chinh phục các sàn diễn thời trang trong và ngoài nước, La Sen Vũ còn lưu giữ và kể lại những câu chuyện văn hóa, lịch sử đầy tự hào của dân tộc, thổi một làn gió mới vào tà áo dài truyền thống.

Top