Chân dung

Người thổi hồn vào ẩm thực Việt

Ông Chiêm Thành Long, Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới là người nổi tiếng trong làng ẩm thực Việt vì đã có công sưu tầm được hơn 500 món ăn dân gian cùng với khoảng 50 loại rượu truyền thống, góp phần tạo thêm sức sống bền vững cho những món ngon đất Việt.
Người đầu tiên truyền cho doanh nhân Chiêm Thành Long niềm đam mê ẩm thực từ lúc còn niên thiếu chính là mẹ ông. Bà rất tài hoa trong việc chế biến các món ăn trong các dịp giỗ Tết của gia đình và họ hàng. Nhưng do ăn chay trường nên bà chỉ nấu món ăn, riêng phần nếm bà tin tưởng giao cho cậu con trai ngay từ nhỏ đã tỏ ra rất ham mê nghề bếp.
 

Ông Chiêm Thành Long, Giám đốc Khu du lịch Bình Quới (tháng 9/2012). (Ảnh: Lê Minh)

Ông Chiêm Thành Long (thứ 2 bên trái) làm giám khảo trong một cuộc thi nấu ăn. (Ảnh: Tư liệu)

Ông Chiêm Thành Long cùng các đầu bếp Khu du lịch Bình Quới ở bên Pháp. (Ảnh: Tư liệu)

Ông Chiêm Thành Long, cùng hai đầu bếp trưởng ở Làng du lịch Bình Quới 1 và Bình Quới 2
bàn về cách thức làm các món ăn mới ở các vùng miền. (Ảnh: Lê Minh)

Ông Chiêm Thành Long, cùng đầu bếp làng du lịch Bình Quới làm các món mới. (Ảnh: Lê Minh)

Thế rồi, ngã rẽ đã đưa Chiêm Thành Long đến với con đường ẩm thực khi ông về làm việc tại Làng Du lịch Bình Quới và tham gia thực hiện tiệc buffet “Ẩm thực khẩn hoang Nam bộ” vào năm 1998, nhân sự kiện “Sài Gòn 300 năm”. Đây là một bữa tiệc với những món ăn dân tộc có nguồn gốc từ thời khai hoang mở đất.

Để thực hiện bữa tiệc độc đáo này, ông đã cùng với các chuyên gia ẩm thực nhiều lần lặn lội về các miền quê sưu tầm các món ngon trong dân gian. Trong những chuyến đi như vậy, ông cùng đội ngũ bếp trưởng và các chuyên gia ẩm thực mày mò tìm vào tận những quán ăn ở địa phương và nhà dân để tìm hiểu cách thức chế biến các món ăn, sau đó nếm thử, chụp ảnh, ghi chép một cách cẩn thận rồi mang về Bình Quới thực hiện lại sao cho đúng như món gốc. Nếu chưa được, ông quay trở lại nhiều lần để hỏi han thực hiện cho bằng được mới thôi. Ngoài ra, ông còn mời các nghệ nhân dân gian hợp tác, hướng dẫn cách thức thực hiện. Và ông cũng trực tiếp thử các món ăn do các bếp trưởng nấu để thẩm định. Nhờ đó buffet “Ẩm thực khẩn hoang Nam bộ” đã thành công vượt bậc về doanh thu cũng như quảng bá thương hiệu cho Làng Du lịch Bình Quới.

Từ ngày ấy, ông chú tâm nghiên cứu sâu hơn về các món ăn dân tộc có nguồn gốc dân dã. Điển hình như chuyến đi dài ngày qua các tỉnh miền Tây Nam bộ sau đó, ông và các cộng sự đã sưu tập được trên 30 món dân gian Nam bộ đem về bổ sung cho thực đơn phong phú “Ẩm thực khẩn hoang Nam bộ” của Làng Du lịch Bình Quới.

Cứ như vậy, đến nay ông Chiêm Thành Long đã góp công lớn trong việc sưu tầm và thiết kế được 110 món ăn dân gian của ba miền Bắc - Trung - Nam trong số các món ăn Việt truyền thống mà ông đã tiếp cận được.

Ngoài các món ăn, ông cũng rất trăn trở vì thấy rằng thực đơn tiếp khách quốc tế của ta thường phải sử dụng thức uống ngoại vừa đắt tiền, lại vừa không tạo được bản sắc riêng. Từ đó, ông bỏ công sưu tầm được khoảng 50 loại rượu địa phương cũng như cách thức ủ men nấu rượu và tổ chức “Nhà rượu Việt” tập hợp trên 30 loại rượu ngon và nổi tiếng nhất. Trong đó có rượu Làng Vân (Bắc Giang), Bó Nặm (Bắc Cạn), San Lùng (Lào Cai), Kim Sơn (Ninh Bình), Bàu Đá (Bình Định), Hồng Đào (Quảng Nam), rượu cần Tây Nguyên... Hiện nay, ông đang theo đuổi ý tưởng tìm ra một loại rượu Việt tinh túy nhất để tôn thành “Quốc tửu”.


Một đầu bếp làm bánh khọt tại Làng du lịch Bình Quới. (Ảnh: Lê Minh)

Đầu bếp tại Làng du lịch Bình Quới chuẩn bị các món ăn. (Ảnh: Lê Minh)

Gian bếp làm bánh xèo tại Làng du lịch Bình Quới 1. (Ảnh: Lê Minh)

Gian hàng làm các loại bánh dân gian Nam bộ. (Ảnh: Lê Minh)

Chả giò Bình Qưới. (Ảnh: Lê Minh)

Bánh tôm chiên. (Ảnh: Lê Minh)

Ốc bươu tần. (Ảnh: Lê Minh)

Bánh khọt tôm. (Ảnh: Lê Minh)

Bánh cay. (Ảnh: Lê Minh)

Du khách có thể thỏa thích chọn món ăn trong Buffet “Ẩm thực khẩn hoang
Nam bộ”. (Ảnh: Lê Minh)

Không gian thưởng thức Buffet “Ẩm thực khẩn hoang
Nam bộ”. (Ảnh: Lê Minh)

Theo ông, trong kinh doanh, việc tìm ra những sản phẩm độc đáo sẽ tạo được sự khác biệt, vì vậy Bình Quới hướng đến ẩm thực Việt. Cũng theo ông Long, các món ăn truyền thống thường có cách chế biến ổn định, ít thay đổi theo thời gian nên thường giữ được nét đặc trưng cho đến ngày nay. Tùy theo địa lý, vùng miền, các món ăn có nét khác nhau, từng địa phương lại có món ăn đặc trưng riêng. Ví dụ như vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên độc đáo với các món nướng trong ống tre tiện cho cuộc sống ở rừng. Món ăn miền Bắc tinh tế, hương vị đặc sắc như món gà luộc lá chanh. Món ăn miền Trung thường cầu kỳ, cay và đậm đà hơn. Còn ở miền Nam, nhất là vùng sông nước Nam bộ, do sản vật phong phú, dồi dào, lối sống của con người vùng sông nước cũng phóng khoáng nên món ăn cũng rất đặc trưng, điển hình như món cá lóc nướng trui ăn cùng những đọt rau hái trên sông nước chấm với chút mắm hoặc muối ớt cay, hay như món cá kho tộ, canh chua, và khoảng 50 đến 60 loại bánh quê...

Trong cuộc đời hoạt động kinh doanh và làm văn hóa ẩm thực, ông đã trải qua nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ví dụ như chuyến tham gia đoàn quảng bá ẩm thực Việt tại Pháp hồi năm 2004, ông đã thực sự vui sướng và tự hào khi các món ăn của quê hương mình đã hoàn toàn chinh phục được khẩu vị khó tính của thực khách Pháp, các bếp trưởng nhà hàng Pháp và đông đảo Việt kiều. Sắp tới, ông lại sẽ cùng đoàn Việt Nam sang Pháp thực hiện tiếp chương trình quảng bá ẩm thực Việt tại đất nước này.

Ông Chiêm Thành Long có mặt từ những ngày đầu xây dựng Làng Du lịch Bình Quới và trở thành Giám đốc vào năm 2007. Hiện Làng gồm có 5 đơn vị thành viên với tổng số cán bộ, nhân viên 760 người. Dù công việc quản lý chiếm hầu hết thời gian nhưng niềm đam mê đi tìm những món ăn Việt vẫn không ngừng thôi thúc bước chân ông./.
Bài: Vân Quý - Ảnh: Lê Minh & Tư liệu

Bài: Vân Quý - Ảnh: Lê Minh & Tư liệu

Nữ cầu thủ Luka Modric của bóng đá Việt Nam

“Nữ cầu thủ Luka Modric” của bóng đá Việt Nam

Nhận giải thưởng Quả bóng vàng 2024 khi đã 37 tuổi, Trần Thị Thùy Trang là cầu thủ duy nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam thành công trọn vẹn trên cả hai đấu trường bóng đá football và futsal. Với những kỳ tích trong sự nghiệp, Thùy Trang được người hâm mộ gọi bằng biệt danh “người không phổi” hay“nữ cầu thủ Luka Modric” của bóng đá Việt Nam.

Top