Chân dung

Người nặng lòng với di sản Hạ Long

Đối với người Hạ Long, cái tên Đỗ Kha không hề xa lạ, bởi ông chính là tác giả của nhiều bức ảnh nổi tiếng về di sản Vịnh Hạ Long, trong đó có những bức ảnh đen trắng được chụp từ những năm 1960, cho đến những bức ảnh gần đây nhất được dùng để phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Chúng tôi gặp ông trong một chuyến công tác xuống Quảng Ninh đưa tin về sự kiện Vịnh Hạ Long chính thức nhận bằng công nhận là “Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới mới”. Xem những bức ảnh đen trắng của ông về Vịnh Hạ Long được chụp từ những năm 60 của thế kỉ trước, mọi người không khỏi ngỡ ngàng về một Vịnh Hạ Long ngày ấy mộc mạc, đơn giản mà sao vẫn lung linh, huyền ảo và đẹp kì diệu đến vậy. Qua mỗi bức ảnh của ông, người xem có cảm giác như được trở về với quá khứ tuổi thơ, với những cánh buồm đỏ, với những chiếc thuyền gỗ đơn sơ mà đầy sống động.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha tâm sự: “Hơn 40 bức ảnh đen trắng về Vịnh Hạ Long là những bức ảnh tôi tâm đắc nhất. Nó luôn tạo cảm xúc hoài niệm cho tôi về Vịnh Hạ Long, để tôi có thể cầm máy chụp Vịnh Hạ Long của ngày hôm nay. Bây giờ không thể tìm lại được những khoảng khắc đó của Vịnh Hạ Long nữa”. 
 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha giữa bộn bề những sách vở, tài liệu và tranh ảnh về Vịnh Hạ Long.

Nghệ sĩ Đỗ Kha với một bức ảnh điện về Vịnh Hạ Long.
 
Vịnh Hạ Long là một chủ đề sáng tác bất tận của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha.

Một tấm ảnh về Vịnh Hạ Long của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha.

Nhà riêng và cũng là nơi trưng bày các tác phẩm ảnh về Vịnh Hạ Long
của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha ở 293 Lê Thánh Tông, Hòn Gai, Quảng Ninh.

 
«...
         - Năm 1994: Thực hiện 160 tấm phim dương bản cho hồ sơ đệ trình UNESO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
- Năm 2000, cuốn sách ảnh “Vịnh Hạ Long” được Giải Nhất Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long (1996-2000) và Giải thưởng xuất sắc Quốc gia về nhiếp ảnh.
- Tháng 5/2009: Tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật về vịnh Hạ Long với chủ đề "Hạ Long - Thuyền và Biển".
- Danh hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc E.VAPA; Nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế A.FIAP. 
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha sinh ra và lớn lên ở Bãi Cháy. Tuổi thơ của ông đã gắn liền với ngôi nhà lợp lá gồi nằm bên bờ biển, nơi mà người ta thường ví rằng “bước ra khỏi nhà trước mặt đã là biển”. Bởi vậy, cuộc đời của Đỗ Kha dường như đã gắn liền với biển. Vì thế, trong kí ức của ông luôn hiện hữu hình ảnh những đoàn thuyền đánh cá trên biển, những cánh buồm đỏ thắm ra khơi trên Vịnh Hạ Long...

Những bức ảnh đầu tiên ông chụp được về Vịnh Hạ Long là trong chuyến tháp tùng Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh xuống Vân Đồn (ngày đó gọi là huyện Cẩm Phả). Đây là chuyến công tác đầu tiên ông được cầm theo máy ảnh (đó là vào những năm 1955, máy ảnh rất hiếm hoi). Lúc đó không có bến cảng như bây giờ, đi phải lội nước, lội hàng mấy trăm mét mới lên đến bờ. Khi về đi qua hòn Bái Tử Long, nhìn thấy những hòn núi đẹp, ông đã chụp lại nhưng bị nhòe hết vì cái máy ảnh quá cũ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha tâm sự: “Tất cả những bức ảnh về Vịnh Hạ Long ngày ấy được tôi chụp một cách rất tự nhiên, như thể chỉ để ghi lại những điều quen thuộc đã ăn sâu trong tiềm thức, bởi mỗi khi đi qua Vịnh Hạ Long, thấy cảnh đẹp quá, gợi cho mình nhớ lại những hình ảnh của ngày còn nhỏ… Vì vậy, cứ tranh thủ lúc nào mượn được máy của anh em là tôi lại đạp xe ra vịnh để chụp. Ngày đó điều kiện còn rất khó khăn, không có tiền để mua máy ảnh, mà có tiền cũng không có máy để mua, rồi thì chưa kể đến việc phải đi tìm mua phim, mua thuốc phóng... cái gì cũng hiếm hoi, cũng đắt đỏ". 
 
Một số tác phẩm ảnh về Vịnh Hạ Long
của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha và con trai Đỗ Khánh Giang:




 
 
Ngày đó, cơ quan ở trong Cọc 5 nên ngày nào đạp xe trên đường đi về, ông cũng đều đi qua Vịnh Hạ Long. Có những buổi đi làm về qua Vịnh, thấy có những đám mây đẹp, ông lại ghếch xe lên vỉ hè, trèo qua tường rào vào bên trong để chụp. Thời ấy, do kinh nghiệm còn ít và máy móc cũng cũ kĩ, nên hầu hết những bức ảnh đầu tiên về Vịnh Hạ Long ông chụp đều bị hỏng. Bởi vậy, nó cứ ám ảnh mãi đến nỗi nhiều năm sau này ông đã quyết tâm tìm cách chụp lại cho bằng được.

Từ niềm say mê như vậy, kho ảnh về Vịnh Hạ Long của ông ngày một nhiều lên. Đặc biệt, đến năm 1994, ông có cơ hội được thực hiện một bộ ảnh lớn về Hạ Long khi được Sở Văn hóa tỉnh mời làm một bộ ảnh đưa vào hồ sơ gửi UNESCO duyệt xét công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Ông nhớ lại, lúc ấy là vào dịp cuối năm, thời tiết âm u, mưa phùn gió bấc. Hạ Long thời điểm đó còn rất hoang sơ, hầu như chưa có đường đi lối lại gì... Ròng rã một tuần liền lang thang khắp Vịnh Hạ Long, ông đã đến các hang Đầu Gỗ, Bồ Nâu, Sửng Sốt, Trinh Nữ, hang Trống... để chụp. Ngoài ra, ông còn chụp các núi đá nổi tiếng như hòn Đỉnh Hương, hòn Gà Chọi, hòn Ấm, hòn Đũa, hòn Yên Ngựa, hòn Ba Trái Đào... Không những thế, ông còn chụp cả cảnh làng chài trên vịnh, cảnh toàn cảnh vịnh từ trên cao với những dãy núi đá vôi nhấp nhô hùng vĩ... Kết quả của chuyến đi, ông đã chọn được 160 tấm phim dương bản đẹp về Vịnh Hạ Long để đưa vào hồ sơ đệ trình lên UNESCO.

Và niềm vui vô bờ bến đã đến, ngày 17 tháng 12 năm 1994, Vịnh Hạ Long đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Trong thành công ấy, có một phần đóng góp không nhỏ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha. Những bức ảnh của ông đã góp phần hoàn thiện hồ sơ, để cả thế giới thừa nhận vẻ đẹp không gì có thể so sánh của quê hương anh, của Tổ quốc anh. Thiết nghĩ, đó là một cống hiến đáng trân trọng và không phải ai cũng có thể làm được, nếu không có một tình yêu quê hương thiết tha, nồng cháy./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Huấn

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Huấn

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top