Chân dung

Người giữ hồn xẩm Hà Thành

Trước sự phát triển ngày càng nhanh của nhiều loại hình âm nhạc hiện đại, người ta dường như đang dần quên mất những loại hình âm nhạc truyền thống. Với niềm đam mê nghệ thuật hát xẩm và mong muốn khôi phục lại những làn điệu xẩm mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người Hà Nội xưa, từ nhiều năm nay, nhạc sĩ Thao Giang đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và truyền dạy lại bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
Nhạc sĩ Thao Giang quê ở Thanh Oai - Hà Nội, học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam) từ năm 1958 rồi ở lại giảng dạy. Trước năm 2000, ông dạy ở Khoa Nhạc cụ truyền thống. Từ năm 2000 đến nay ông dạy ở Khoa Lí luận Sáng tác, chuyên nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn. Hiện ông là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Âm nhạc Nghệ thuật Việt Nam, một trong những Trung tâm có đóng góp lớn trong việc khôi phục và đưa nghệ thuật hát xẩm trở lại với công chúng ở Việt Nam.
 

Nhạc sĩ Thao Giang đang thả hồn mình vào từng giai điệu xẩm.

Những ngón tay của người nghệ sĩ nâng niu, nắn nót từng phím đàn.

Nhạc sĩ Thao Giang và nhạc sĩ Lê Quân cùng đắm mình trong một làn điệu xẩm.
 
Nhạc sĩ Thao Giang dành rất nhiều công sức và tâm huyết cho việc nghiên cứu, sưu tầm và gìn giữ các làn điệu xẩm.

Nhờ đó mà ông đã biên soạn được nhiều bài xẩm hay để dạy cho học trò của mình.

Con đường đến với hát xẩm của nhạc sĩ Thao Giang cũng khá đặc biệt. Ông kể rằng, hồi nhỏ ông thường đi tàu điện đi học và những gánh xẩm trên tàu điện của các nghệ nhân xưa đã ngấm vào tâm hồn và tiềm thức của ông lúc nào không hay. Lên đại học, ông theo học tại Học viện Âm nhạc Việt Nam và đã được trang bị nhiều kiến thức về hát xẩm.

Nhận thấy hát xẩm đang dần bị lãng quên, nhạc sĩ Thao Giang đã bắt đầu công việc tìm tòi, sưu tập và biên soạn để mong muốn bảo vệ, khôi phục một nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội xưa. Xuất phát vể việc mong muốn trả lại diện mạo cho hát xẩm. Nhạc sĩ Thao Giang đã cùng với giáo sư Phạm Minh Khang thành lập Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam. Trung tâm được thành lập từ năm 2005 với 3 mục tiêu chính là sưu tầm - nghiên cứu, truyền dạy - đào tạo và biểu diễn nghệ thuật.

Từ các lớp dạy hát xẩm ấy, nhạc sĩ Thao Giang đã đào tạo được một lớp nghệ sĩ trẻ yêu nghề, trong đó có cả những sinh viên đến từ Nhạc viện Hà Nội và trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Và cứ vào tối thứ bảy hàng tuần, các học trò lại theo thầy Thao Giang lên chợ Đồng Xuân biểu diễn xẩm phục vụ mọi người. Lâu ngày mọi người quen thân gọi là “Gánh xẩm Thao Giang”.

Mặc dù biết rằng để đeo đuổi và duy trì được với hát xẩm vào thời nay là một điều rất khó, nhưng dường như nhạc sĩ Thao Giang không mấy quan tâm đến điều ấy. Ông dùng những đồng lương kiếm được từ việc dạy học ở Học viện Âm nhạc để làm lộ phí cho những chuyến đi sưu tầm, điền dã và giảng dạy về nghệ thuật hát xẩm cho các địa phương... Đã 6 năm làm việc ở Trung tâm nhưng chẳng bao giờ ông nghĩ đến chuyện tiền lương, hơn thế ông còn phải bỏ tiền túi ra để Trung tâm hoạt động. Có lẽ chính vì thế mà học trò rất kính trọng và nể phục ông.
 

Lớp học hát xẩm của thầy Thao Giang ở đình Hào Nam.

Nhạc sĩ Thao Giang luôn gần gũi và truyền dạy tất cả kinh nghiệm về hát xẩm của mình cho học trò.

Hai cố gái này đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Việt Nam, nay lại theo thầy Thao Giang học thêm về nghệ thuật hát xẩm.

Một tay trống trong đội xẩm trẻ của thầy Thao Giang.

Nghệ sĩ đàn bầu trong đội xẩm trẻ của thầy Thao Giang.

Được ngồi trò chuyện về nghệ thuật hát xẩm với ông, được xem cách ông chỉ dẫn tỉ mỉ cho các học trò của mình về cách chơi đàn và điều khiển giọng hát, cùng sự hăng say của ông lúc trò chuyện với đồng nghiệp của mình là nhạc sĩ Lê Quân về hát xẩm ở khuôn viên đình Hào Nam, tôi mới thấu hiểu được hết tấm lòng đau đáu của một người nghệ sĩ trước sự tồn vong của một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Với ông, hát xẩm không đơn thuần chỉ là một nghệ thuật, mà nó còn là kỉ niệm, là hồn cốt văn hóa của người Việt nói chung và Hà Nội nói riêng/.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Công Đạt

Bài viết: Ngân Hà - Ảnh: Công Đạt


Top