Tiềm năng địa phương

Nghề đóng ghe xuồng Long Hậu

Xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng khắp vùng sông nước Nam bộ với nghề đóng ghe, xuồng. Cứ bắt đầu đến mùa lũ, làng nghề truyền thống này lại nhộn nhịp với những đơn đặt hàng đến từ khắp nơi.
Vào một buổi sáng, chúng tôi theo ghe đến ấp Long Hòa và ấp Long Hưng 2, nơi được xem là “đại bản doanh” của làng nghề đóng ghe xuồng ở Long Hậu. Con rạch Bà Đài ở xã Long Hậu uốn lượn mềm mại kéo dài hơn 1 cây số. Hai bên bờ nhà cửa ẩn hiện trong màu xanh của cây cối. Ghe chạy dọc theo con rạch, đâu đâu cũng rộn lên tiếng búa, tiếng đục, tiếng cưa máy xen lẫn với tiếng máy ghe xuồng nổ giòn tan. Trên bờ, dưới bến ở đâu cũng có ghe xuồng, từ xuồng lớn, xuồng bé, loại xuồng nào cũng có cả.

“Ông tổ của nghề đóng ghe xuồng Long Hậu là ông Phạm Văn Thuông, dân trong vùng gọi là ông Sáu Xuồng Cui, bởi ông khởi nghiệp bằng nghề đóng xuồng cui (loại xuồng nhỏ dùng để đi giăng câu, thả lưới trên kênh rạch - PV). Chiếc xuồng cui ra đời cả trăm năm nay và vang danh khắp các tỉnh miền Tây. Ông sinh ra ở đâu thì không ai biết nhưng ông lấy vợ ở rạch Bà Đài này và lập nghiệp ở đây. Lúc đầu ông chỉ cách đóng ghe cho người thân trong gia đình và sau đó dạy thêm cho cả những người hàng xóm chung quanh. Dần dần, nghề đóng ghe xuồng phát triển rộng ra cả vùng này. Từ chiếc xuồng cui, người dân ở đây dần dần đóng thêm nhiều loại khác nữa” - ông Nguyễn Thành Nam, một thợ đóng xuồng tài hoa đã có 50 năm trong nghề và cũng chính là cháu ngoại của ông Phạm Văn Thuông cho biết.
 

Chiếc ghe là hình ảnh quen thuộc của người dân vùng sông nước Nam bộ. (Ảnh: Minh Quốc)

Ghe là phương tiện đi lại, buôn bán của người dân. (Ảnh: Minh Quốc)

Vào mùa lũ, ghe xuồng là phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa rất thông dụng của người dân lao động miền sông nước Nam bộ. Đây cũng là phương tiện dùng để đánh bắt thủy sản mùa lũ, thế nên nhu cầu về ghe xuồng rất lớn. Điều đó đã khiến cho nghề đóng ghe xuồng ở Long Hậu có điều kiện phát triển mạnh và trở thành một địa chỉ uy tín, tin cậy hơn trăm năm qua đối với thương lái khắp các tỉnh như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long…

Làng nghề đóng ghe xuồng này hoạt động quanh năm, cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 âm lịch cho đến cuối tháng 8 âm lịch. Nếu gặp năm lũ lớn, nhu cầu tăng cao thì mùa cao điểm kéo dài cho đến tận tháng 10. Có lúc khách đặt nhiều, xuồng sản xuất ra không kịp giao cho khách hàng.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân xã Long Hậu cho biết: “Hiện nay, xã Long Hậu có khoảng 150 cơ sở đóng ghe xuồng, thu hút hơn 1.200 lao động làm việc. Bình quân, một thợ đóng ghe xuồng thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho các hộ dân về vốn, kỹ thuật… để khuyến khích mở rộng, phát triển nghề của ông cha để lại”.

Những năm gần đây, người dân đã sử dụng nhiều loại máy móc để sản xuất nên sản phẩm làm ra cũng nhanh hơn, nhiều hơn. Ghe xuồng ở Long Hậu được đóng thành nhiều kiểu dáng khác nhau như xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá... tùy theo thị hiếu sử dụng của người trong và ngoài tỉnh. Do năm nay nước lũ về ít nên các loại xuồng nhỏ tiêu thụ không được nhiều. Thay vào đó, các loại ghe có trọng tải lớn từ 40 đến 50 tấn chuyên dùng để chở hàng hóa lại được khách hàng đặt nhiều.


Nghề đóng ghe xuồng ở Long Hậu nổi tiếng khắp các tỉnh vùng sông nước Nam bộ. (Ảnh: Lê Minh)

Nghề đóng ghe xuồng tạo việc làm ổn định cho người dân Long Hậu. (Ảnh: Lê Minh)

Người Long Hậu rất giỏi trong kỹ thuật đóng các loại ghe xuồng bằng gỗ. (Ảnh: Lê Minh)

Mỗi ngày một người thợ có thể đóng được một chiếc xuồng nhỏ. (Ảnh: Lê Minh)

Một chiếc ghe vừa được hạ thủy. (Ảnh: Lê Minh)

Hiện tại, loại xuồng nhỏ kích cỡ 4,5 mét - 6,5 mét giá bán dao động từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc tùy loại. Mỗi người thợ một ngày có thể đóng được một chiếc. Loại ghe có trọng tải lớn từ 40 đến 50 tấn thì phải đóng đến 40 ngày mới xong và giá giao động từ 180 triệu đến 300 triệu đồng. Mỗi năm, xã Long Hậu xuất đi khắp nơi gần 4.000 chiếc ghe, xuồng các loại phục vụ người dân miền Tây Nam bộ.

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng những người thợ cả đời gắn bó với nghề đóng ghe xuồng ở Long Hậu vẫn luôn tin rằng, thế hệ con cháu họ sẽ vẫn tiếp nối cái nghề đáng tự hào của ông cha để lại.

Nhìn những thanh niên trai trẻ của làng nghề cần mẫn và tỉ mỉ với công việc mới thấy lòng yêu nghề trong họ lớn như thế nào. Họ đang cố gắng để có thể học hỏi thật nhiều điều từ những người đi trước, để có thể đóng được những chiếc xuồng đẹp hơn, tốt hơn cho những người dân sống ở miền sông nước Cửu Long./.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Lê Minh, Minh Quốc

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Lê Minh, Minh Quốc

Ứng dụng công nghệ cao tại trang trại nông nghiệp sạch Phúc Thành

Ứng dụng công nghệ cao tại trang trại nông nghiệp sạch Phúc Thành

Tọa lạc giữa vùng đất màu mỡ của huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, trang trại hữu cơ Phúc Thành đã trở thành một điểm sáng trong phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Được thành lập cách đây hơn một thập kỷ, trang trại không chỉ là nơi sản xuất nông sản chất lượng cao mà còn là một mô hình tiên phong về nông nghiệp hữu cơ tại khu vực.

Top