Nghề Việt

Nghề đan lát của người Cơ Tu

Tộc người Cơ Tu sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, họ được biết đến với nhiều nghề thủ công tinh xảo như dệt, gốm, rèn… , nhưng đặc biệt và công phu hơn cả là nghề đan lát. Đó là nghề làm nên niềm tự hào của người Cơ Tu, cho đến nay vẫn được lưu truyền và gìn giữ. Không ai biết nghề đan lát của người Cơ Tu có từ bao giờ, nhưng đã biết bao nhiêu mùa rẫy đi qua, bao nhiêu lần cây rừng Trường Sơn thay lá…dù làm việc gì và ở đâu người Cơ Tu vẫn gắn bó với những chiếc gùi đan. Nói đến gùi của người Cơ Tu không thể không nói đến Xà lếch, chiếc gùi 3 ngăn của người đàn ông Cơ Tu - đỉnh cao của nghệ thuật đan lát mà khó có nơi nào trên thế giới này có thể đạt được; P’reng - một loại gùi nhỏ được trang trí những hoa văn rất độc đáo dùng cho trẻ em Cơ Tu theo mẹ mỗi khi đi lễ hội; P’rôm, một loại gùi dành riêng cho phụ nữ để mang quà đi biếu mẹ cha hay được nâng niu uyển chuyển bởi các sơn nữ Cơ Tu trong điệu múa tung tung da dá truyền thống.


Nghề đan lát gắn liền với cuộc sống của người Cơ Tu.




Các loại sợi như mây, tre, lá dứa… là những nguyên liệu để làm nên sản phẩm của người Cơ Tu.


Khách tham quan chiêm ngưỡng các sản phẩm đan lát của người Cơ Tu.


Du khách được hướng dẫn cách đan một sản phẩm của người Cơ Tu.


Sản phẩm truyền thống xưa của người dân Cơ Tu.

Kỹ thuật đan lát của người Cơ Tu rất phức tạp, tùy thuộc vào từng sản phẩm mà áp dụng nhiều kỹ thuật đan khác nhau. Gùi vận chuyển lúa được đan với nan nong mốt; gùi củi thì được đan nan hình lục giác hoặc đan bằng mây với dạng hình thang cân; gùi trẻ em được đan bằng mây dày với nan nong mốt, kết hợp với kỹ thuật chéo phức tạp dáng hình ống, vành miệng tròn đáy hình vuông... Tàlét và gùi đựng đồ dùng trang sức và thổ cẩm thì được đan nan nong mốt kết hợp với nhiều kỹ thuật đan tinh xảo khác nhau, có độ bền rất cao, chỉ dùng làm quà biếu cho khách quý, tặng sui gia hay làm vật sính lễ.
 
Để không làm mai một giá trị của nghề thủ công đan lát truyên thống, mới đây Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ hợp tác với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (VietCraft) đã hỗ trợ trên 450 hộ gia đình ở 10 xã thuộc 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang tỉnh Quảng Nam tham gia các hoạt động phát triển vùng nguyên liệu mây và đào tạo nghề đan lát thủ công, phát triển thị trường nhằm tạo thêm thu nhập cho bà con Cơ Tu.

Có thể nói, các sản phẩm đan lát của người Cơ Tu là kết quả của quá trình lao động sáng tạo. Dù là sản phẩm nào, các vật dụng sinh hoạt hàng ngày của người Cơ Tu vẫn tinh tế, tiện dụng và bền chắc. Nghề đan lát không chỉ để phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày mà còn thực sự góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các nét văn hóa của dân tộc Cơ Tu, và cũng chính nghề đan lát của người Cơ Tu được gìn giữ đã làm đa dạng hơn và phong phú hơn kho tàng các sản phẩm thủ công truyền thống của người dân Việt Nam.    



Xà lếch, chiếc gùi 3 ngăn của người đàn ông Cơ Tu.






Các sản phẩm đan lát truyền thống xưa của người Cơ Tu.












Những sản phẩm đan lát mẫu mã mới của người Cơ Tu.

Xưa công việc đan lát chủ yếu phục vụ đời sống sinh hoạt, nhưng nay bà con Cơ Tu có thể đan theo những mẫu mã mới, đưa sản phẩm phục vụ thị trường rộng lớn. Sự thay đổi này hy vọng sẽ khuyến khích giới trẻ gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, để còn mãi những chiếc gùi, chiếc giỏ... vốn đã gắn bó, nuôi dưỡng tâm hồn của người Cơ Tu.
 
Vừa qua tại Hà Nội, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) phối hợp với Gallery 39, Tạp chí Tia Sáng và những tổ chức yêu văn hóa nghề thủ công của đồng bào các dân tộc Việt Nam, thực hiện tổ chức chương trình “Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu”, nhằm giới thiệu tới khách tham quan những nét đặc sắc trong đời sống, tập tục, văn hóa và bức tranh toàn thể về nghề đan lát của người Cơ Tu./.


Bài và ảnh: Trần Thanh Giang

Chuyện người đẽo thuyền độc mộc bên dòng Đăk Bla

Chuyện người đẽo thuyền độc mộc bên dòng Đăk Bla

Cũng như bao nhiêu người dân làng Lung Leng, anh A Lủi không biết rõ thuyền độc mộc có từ khi nào và ai là người khai sinh ra nó. Anh chỉ biết rằng từ bao đời nay chiếc thuyền gỗ mảnh khảnh ấy gắn bó với người Ba Na đi qua không biết bao nhiêu đoạn sông Đăk Bla lắm đá, ghềnh, và giờ anh lại tiếp nối giữ nghề đẽo thuyền độc mộc, dẫu biết rằng cái nghề này khó có thể nuôi sống bản thân anh và gia đình trong thời buổi chẳng còn mấy ai dùng loại thuyền cổ xưa này nữa.

Top