Khám phá

Nghề chạm bạc của người Mông ở Lao Xa

Bản Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Những đồ trang sức bằng bạc được làm ở Lao Xa không chỉ để người Mông trong vùng làm đẹp và thể hiện sự giầu sang trong những dịp lễ, Tết, mà còn được dùng như một vật bảo vệ sức khoẻ, mang lại hạnh phúc.
Chạm khắc bạc là nghề thủ công truyền thống, có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của bà con dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Trang sức bạc là của hồi môn rất phổ biến được cha mẹ người Mông tặng con cái khi xây dựng gia đình. Vì lẽ đó, nghề chạm khắc bạc vẫn được người Mông tại đây duy trì, phát triển để tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống.

Tại Đồng Văn, ai cũng biết bản Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Vùng đất này tạo ra những sản phẩm chạm bạc nức tiếng trong vùng. Đã từ rất lâu, mỗi khi muốn đặt một món trang sức bằng bạc ưng ý, người dân địa phương, không chỉ riêng người Mông đều lên đường đến Lao Xa.

 

Những chiếc vòng cổ được chế tác tinh xảo bởi người thợ chạm bạc ở Lao Xa. Ảnh: Việt Cường/VNP


Những người thợ tại một gia đình làm nghề chạm bạc ở Lao Xa. Ảnh: Việt Cường/VNP


Công đoạn khò nung chảy bạc để chế tác trang sức. Ảnh: Việt Cường/VNP


Bộ dụng cụ chạm khắc hoa văn, họa tiết truyền thống trên bạc của người Mông ở Lao Xa. Ảnh: Việt Cường
/VNP


Những nét đục tinh tế trên một chiếc vòng cổ truyền thống của người Mông do thợ chế tác ở Lao Xa làm. Ảnh: Việt Cường
/VNP 


Người Mông ở Lao Xa tự thiết kế những máy móc hỗ trợ các công đoạn sản xuất đồ trang sức bạc. Ảnh: Việt Cường
/VNP


Ông Mua Sè Sính (67 tuổi) là nghệ nhân chạm bạc nổi tiếng nhất, có thâm niên gắn bó với nghề hơn 50 năm ở Lao Xa. Ảnh: Việt Cường
/VNP




Những bộ trang sức chạm bạc được làm ra từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân người Mông ở Lao Xa. Ảnh: Việt Cường
/VNP

Nghề chạm bạc ở Lao Xa được các thế hệ trong nhiều gia đình giữ gìn, tiếp nối qua nhiều đời. Với quan niệm giữ nghề, nghề chạm bạc chỉ được truyền dạy cho con cháu trong nhà. Để tìm hiểu về cách thức tạo ra những sản phẩm chạm bạc độc đáo của người Mông, chúng tôi tìm đến gia đình ông Mua Sè Sính (67 tuổi). Ông là nghệ nhân chạm bạc nổi tiếng nhất, có thâm niên gắn bó với nghề hơn 50 năm.

Ông Mua Sè Sính chia sẻ, ông được ông bà, bố mẹ truyền dạy nghề chạm bạc từ khi còn rất nhỏ. Để tạo ra một trang sức bằng bạc, người Mông phải dùng những công cụ chế tác gồm: bễ thổi, khuôn đúc, các loại dụng cụ cán, các loại búa, kìm và bộ đục chạm hoa văn. Thời gian trước, nguyên liệu dùng để chế tác thường là các đồng bạc hoa xòe. Nay loại bạc này rất hiếm, gia đình ông thường phải dùng nguyên liệu bạc thông thường để sản xuất. Việc chọn đúng bạc tinh khiết, không lẫn tạp chất là điều kiện tiên quyết đề chế tác ra các sản phẩm bạc đạt chất lượng.

Các sản phẩm chạm bạc mang tính sáng tạo, thẩm mỹ cao được tạo ra ở Lao Xa có quy trình chế tác gồm rất nhiều công đoạn. Từ nung bạc, đổ khuôn, chế tác hình dạng trên đe, rồi mới được chạm khắc hoa văn, đánh bóng. Để làm chạm khắc bạc đòi hỏi người thợ phải khéo léo và tỷ mỉ. Hơn nữa, người thợ chạm bạc cũng phải kiên trì, cần cù, phần đấu rất nhiều năm để đạt đến kỹ thuật tinh hoa của nghề bạc thôn Lao Xa.

Các trang sức chạm bạc được làm ra từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân người Mông ở Lao Xa rất độc đáo, mang trên mình những họa tiết sinh động, đặc sắc, hút mắt người nhìn. Đồ trang sức bạc ở đây không chỉ tinh tế, mà còn phong phú về chủng loại như nhẫn, lắc tay, lắc chân, vòng cổ,…Cùng với trang phục, những sản phẩm chạm bạc từ Lao Xa đã tô điểm, tôn thêm vẻ đẹp đầy sắc màu của đồng bào vùng Cao nguyên đá Đồng Văn./.

 
Thực hiện : Việt Cường

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Nằm tại phía Bắc Việt Nam, Cao Bằng tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong số đó, Lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành, Cao Bằng là một điểm sáng nổi bật vì nó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Lễ hội diễn ra nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với thiên nhiên và cầu mong cầu cho mùa màng bội thu.

Top