Tiềm năng địa phương

Nam Định phát triển nghề trồng cây cảnh

Tỉnh Nam Định nằm ven sông Hồng, được phù sa sông Hồng bồi đắp đã tạo nên vùng đất màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đất đai màu mỡ cùng với sự khéo léo của bàn tay người nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm cây thế đẹp nổi tiếng, góp phần tạo dựng “thương hiệu” cây cảnh Nam Định.
Người ta nói rằng, Nam Định là vùng đất được tạo nên nhờ mối duyên kì ngộ giữa con người và thiên nhiên. Chảy theo năm tháng thời gian, nắng gió và băng qua tầng tầng lớp lớp ghềnh thác, sông Hồng đã đem về cho mảnh đất này lớp lớp phù sa, tạo nên những mạch đất vô cùng tươi tốt, màu mỡ. Sự sắp đặt của thiên nhiên đã chắp cánh cho những ý tưởng nghệ thuật sáng tạo của con người được thăng hoa, hình thành nên vùng đất trồng cây cảnh nổi tiếng. Các nhà vườn trồng cây cảnh ở Nam Định tập trung chủ yếu ở huyện Nam Trực, Hải Hậu gắn liền với tên tuổi của làng nghề sinh vật cảnh Vị Khê (huyện Nam Trực) và các làng nghề trong xã Hải Minh, Hải Sơn của huyện Hải Hậu.
 
Một số cây cảnh đẹp của làng cây cảnh Nam Định:









Mặc dù hình thành từ lâu đời, song do tính chất làng nghề sinh vật cảnh, nên các làng cây cảnh ở Nam Định có cấu trúc khác biệt so với những ngôi làng cổ ven sông Hồng. Nhà trong làng chủ yếu có cấu trúc nhà vườn để tiện cho việc ươm trồng cây cảnh. Làng cây cảnh Vị Khê, huyện Nam Trực có hình ảnh điển hình của một làng nghề sinh vật cảnh. Khắp làng là những nhà vườn ươm trồng cây cảnh của người dân. Từ lâu, làng Vị Khê đã được biết tới là "đất tổ" của nghề cây cảnh Nam Định. Cây cảnh Vị Khê được vinh dự đặt tại nhiều công trình lớn như Lăng Bác, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Quảng trường Ba Đình…

Những nghệ nhân cao tuổi của làng cũng không nhớ rõ ông cha mình bắt đầu nghề trồng cây cảnh từ khi nào. Chỉ biết cái nghề xưa cứ thế được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi thời có một nét đặc sắc riêng. Ngày nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường, ngoài việc kế thừa và phát huy nghề tổ, lớp thợ trẻ bây giờ không ngừng học hỏi sáng tạo nhằm tạo ra nhiều cây cảnh đẹp, giàu tính nghệ thuật để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước

Nhờ đó mà có nhiều cây thế đã được bán với giá thành trăm triệu đồng, thậm chí có cây lên tới hàng tỉ đồng. Làng cây cảnh Vị Khê hôm nay có tới hơn 4.000 hộ tham gia trồng cây cảnh, doanh thu về cây cảnh chiếm hơn 80% nguồn thu nhập, thu hút nhiều lao động của làng nghề và các vùng lân cận. Và đặc biệt là làng có rất nhiều người trẻ  trở thành tỉ phú bằng chính nghề trồng cây cảnh.
 

Tạo tán cho cây sanh.

Một góc vườn cây cảnh của gia đình ông Nguyễn Minh Châu ở huyện Nam Trực. 

Nghề trồng cây cảnh đã đem lại một cuộc sống mới cho người dân các vùng nông thôn Nam Định.
 
Đến thăm khu vườn trồng cây cảnh rộng hơn 7.000m2 của ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty TNHH Cây cảnh Châu Giang – Nam Toàn - huyện Nam Trực, chúng tôi thấy có rất nhiều cây cảnh đẹp và có giá trị, chủ yếu là các loại cây sanh, si, đa, tùng... những cây đang được thị trường ưa chuộng. Là một trong những người đi tiên phong trong nghề trồng cây cảnh ở Nam Trực, ông Châu đã từng bước thành công trong nghề, với mức thu nhập lúc cao nhất lên tới vài trăm triệu đồng. Với hơn 20 năm trong nghề ươm trồng cây cảnh, ông Châu rất am tường về các thế cây, luôn chịu khó đi xa, thậm chí sang cả Đài Loan, Nhật Bản, những nước có truyền thống về cây cảnh trên thế giới, để giới thiệu quảng bá cho nghề trồng cây cảnh của Nam Định, cũng như để tìm hiểu, sưu tầm thêm nhiều giống cây mới.
 

Cây sanh thế trực.
.

Nhờ nghề trồng cây cảnh,
cuộc sống người dân làng Vị Khê ngày càng khá giả.

Không chỉ có làng cây cảnh Vị Khê (huyện Nam Trực), nghề trồng cây cảnh cũng phát triển rất mạnh ở huyện Hải Hậu. Tuy không có thời gian phát triển lâu dài như Vị Khê, song với sự nhanh nhạy của lớp người trẻ trong điều kiện kinh tế thị trường, Hải Hậu cũng tạo dựng được vị thế của mình trong làng cây cảnh Nam Định. Toàn huyện hiện có gần 3.000ha trồng cây cảnh. Nhiều xã đã tích cực chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây cảnh. Điển hình như xã Hải Sơn chuyển đổi 30ha, Hải Phú 18ha, Hải Hà 15ha. Năm 2010, tổng thu nhập từ cây cảnh toàn huyện ước đạt trên 300 tỉ đồng. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển kinh tế sinh vật cảnh theo hướng bền vững, huyện Hải Hậu tập trung đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng cây cảnh để có điều kiện đầu tư theo hướng chuyên canh, góp phần bảo vệ môi trường.
 
Đến Nam Trực, Hải Hậu hôm nay chúng tôi đã thấy bức tranh cuộc sống đang thay da đổi thịt hàng ngày. Cây cảnh Nam Định đang góp phần làm giàu cho quê hương; làm xanh, làm đẹp cho đất nước./.
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Bài viết: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Xác định nông nghiệp là thế mạnh của nền kinh tế, Quảng Ngãi nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuyển đổi số nông nghiệp và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ ở các lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp…

Top