Tiềm năng địa phương

Miến dong Minh Hồng

Với hiệu quả đem lại gấp 15 lần so với nghề trồng lúa và trồng dâu nuôi tằm, hiện nghề sản xuất miến dong đem lại nguồn thu nhập kinh tế chính cho các hộ dân ở làng nghề Minh Hồng (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) với mức trung bình dao động từ 150-200 triệu/hộ/năm. Năm 2015, sản phẩm miến dong của vùng đất này đã khẳng định được vị thế trên thị trường tiêu thụ khi được Cục sở hữu Trí Tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) công nhận là nhãn hiệu tập thể “Miến dong Minh Hồng”. 

Theo ông Nguyễn Văn Duẫn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hồng, năm 1966 cả thôn Minh Hồng có 97 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm theo mô hình nông trang. Đến khi nhà nước thu đất, người nông dân ở Minh Hồng bắt đầu chuyển sang trồng cây dong riềng ở khe suối để lấy về chế biến tinh bột và manh nha nghề sản xuất miến dong. Hồi mới bắt đầu làm, hầu như hộ nào cũng phải làm công đoạn sản xuất miến theo phương pháp thủ công, mỗi ngày chỉ sản xuất được khoảng 15kg miến. Dù có được sản phẩm miến ngon nhưng người dân vẫn chủ yếu phát triển kinh tế bằng nghề trồng dong riềng sản xuất tinh bột nên sản phẩm miến dong Minh Hồng ít người biết đến. 

Năm 2001, Minh Hồng được công nhận là làng nghề chế biến tinh bột, việc sản xuất miến dong ở đây mới thực sự phát triển mạnh. Đến nay, Minh Hồng đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp, trong đó có 165/289 hộ chuyên chế biến tinh bột và sản xuất sản phẩm miến dong. Hoạt động sản xuất miến nơi đây luôn diễn ra sôi động quanh năm. Khắp trong nhà, ngoài sân những phên miến được phơi thành hàng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cắt giảm được sức lao động, các hộ đã đầu tư máy lọc bột liên hoàn bằng điện 3 pha, nồi hơi tráng bánh và máy cắt ren để cắt miến. .

Để làm miến, người dân ở đây phải làm nguyên liệu từ những củ dong riềng. Hiện diện tích trồng dong riềng ở Minh Hồng lên đến 180ha và thường được thu hoạch nhiều nhất từ tháng 9 đến tháng Giêng Âm lịch. Anh Hoàng Ngọc Trường, chủ một cơ sở chế biến tinh bột cho biết, củ dong riềng được trồng ở Minh Hồng rất dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, trời càng nắng hanh thì củ dong riềng càng cho bột trắng và thơm hơn nên sản phẩm miến dong của Minh Hồng cũng trắng và dai hơn so với sản phẩm miến của các địa phương khác. Bên cạnh đó, với việc đầu tư 165 máy xay hoạt động liên tục cả ngày, trung bình mỗi hộ chế biến tinh bột sản xuất được 20 tấn bột/ngày. Vì vậy, ngoài cung cấp tinh bột cho các cơ sở sản xuất miến dong của địa phương, các hộ này còn bán cho thương lái đến thu mua để cung cấp các nhà máy chế biến bánh kẹo.



Củ dong riềng, nguyên liệu chính để người dân làng nghề Minh Hồng sử dụng để làm miến dong.


Dong riềng sau khi được xay và ủ qua 4 tiếng sẽ tạo thành sản phẩm tinh bột trắng.


Miến thành phẩm được phơi khô ngoài nắng sau khi tráng.



Thay vì phương pháp cắt miến thủ công, hiện các hộ sản xuất ở Minh Hồng đã bắt đầu tư máy cắt để giảm bớt thời gian sản xuất.



Miến sau khi phơi khô sẽ được chuyển về các gia đình...


... sau đó sẽ được chia thành từng bó với số lượng 1kg/bó...


... đặc biệt, các sợi miến rối được bó ở giữa các sợi miến thẳng.


 Sát Tết nguyên đán, lượng miến được sản xuất mỗi ngày ở làng nghề Minh Hồng khoảng 7-8 tạ...


...sau đó sản phẩm miến dong Minh Hồng được đóng gói và chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành trong nước.


Được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận là nhãn hiệu tập thể “Miến dong Minh Hồng” năm 2015,
các hộ sản xuất bắt đầu sản xuất bao bì đóng gói sản phẩm để giúp khách hàng nhận diện sản phẩm.

Khi mua lại bột từ những hộ chế biến tinh bột, các cơ sở sản xuất miến dong thường đánh sạch và lọc bột qua hai đến ba lần nước để loại bỏ hết chỗ cặn bẩn rồi mới pha bột. Khi đánh bột, phải pha theo tỷ lệ chính xác để lúc tráng bánh chín đều để sau cắt sợi miến cũng sẽ không bị gãy vụn. Người làng Minh Hồng thường dậy từ 4 giờ sáng để tráng bánh sớm còn kịp phơi đủ nắng. Hiện nay với sự đầu tư của nồi hơi nên công đoạn tráng bánh cũng nhanh và bớt vất vả hơn. Bánh sau khi được tráng xong sẽ được đem ra phơi nắng khoảng ba đến bốn giờ đồng hồ rồi đem vào nén và cắt. Trong quá trình bó miến, người làng Minh Hồng đều sử dụng một ít miến rối trong quá trình cắt bánh để cho vào giữa bó miến. Đây cũng là nét đặc trưng để người mua có thể nhận diện ra được sản phẩm miến dong Minh Hồng. Để đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng sản phẩm, cũng như giữ gìn thương hiệu làng nghề, các hộ sản xuất miến đều cam kết không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay các chất phụ gia độc hại. Nhờ đó, miến dong Minh Hồng luôn được người tiêu dùng ở khắp các tỉnh thành ưa chuộng.

Với việc được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học Công Nghệ) công nhận sản phẩm thương hiệu miến dong Minh Hồng  năm 2015, đến nay các sản phẩm miến đều được các hộ sản xuất đóng gói bao bì cẩn thận ghi rõ họ tên, địa chỉ số điện thoại hộ sản xuất… chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố. Sản phẩm tiêu thụ nhiều nhất là ở quận Tân Bình (Tp. Hồ Chí Minh), Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Dương, Phú Thọ, Hòa Bình… với giá bán buôn 50.000 đồng/kg. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, nhu cầu thị trường cao nên nhiều gia đình phải thuê từ 5-7 người làm thêm với số lượng sản xuất đến 7-8 tạ/ngày.

Có thể nói, đến nay với việc đẩy mạnh quảng bá chất lượng sản phẩm miến dong đến khắp nơi trong cả nước, cuộc sống của người dân Minh Hồng ngày càng được cải thiện nhờ có thu nhập kinh tế ổn định từ nghề sản xuất truyền thống. Qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội./.


 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long

Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Xác định nông nghiệp là thế mạnh của nền kinh tế, Quảng Ngãi nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuyển đổi số nông nghiệp và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ ở các lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp…

Top