Tiềm năng địa phương

Mây tre đan Việt Quang đạt sản phẩm OCOP 4 sao

Với lợi thế có 1.350 làng nghề truyền thống và làng có nghề, Hà Nội rất tiềm năng để phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao đời sống của người dân cũng như hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm mây tre đan của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang (Công ty Việt Quang) ở làng nghề truyền thống Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ là một trong số đó.
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP được sản xuất từ các làng nghề truyền thống, tập trung ở các nhóm lĩnh vực như vải - may mặc, đồ lưu niệm, nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội công bố kết quả phân hạng, đánh giá các sản phẩm OCOP mới đây, các sản phẩm mây tre đan của Công ty Việt Quang đã vinh dự được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm Ocop 4 sao, đó là: bộ đèn đan vảy rồng, bát bộ ba, làn đan mắt cáo, khay chữ nhật, hộp đựng giấy, bộ hộp đựng bút, khay để hoa quả.

Các sản phẩm 
mây tre đan của Công ty Việt Quang tuy hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng đòi hỏi kỹ thuật đan tinh xảo, tỉ mỉ, trau chuốt và không có yếu tố của máy móc. Từ đó tạo nét khác biệt cho các sản phẩm này so với những sản phẩm trên thị trường, nhất là kỹ thuật đan.


Công đoạn chọn nguyên liệu rồi tuốt, phơi, chẻ nan, sấy… Sau đó, nguyên liệu sẽ được luộc trong nước sôi
hoặc sấy khói rơm để có màu đẹp tự nhiên. Ảnh: Khánh Long



Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh với những sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm Ocop 4 sao.



Các nghệ nhân đang sản xuất sản phẩm mây tre đan. Ảnh: Khánh Long



Nghề đan những sản phẩm bằng mây tre đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công của người thợ. Ảnh: Khánh Long



Đo kích thước để đạt được sự đồng đều trong các sản phẩm. Ảnh: Công Đạt

 

Các sản phẩm đan lát của Công ty Việt Quang
 độc đáo và mang nét đặc trưng riêng, rất hút khách. Ảnh: Khánh Long


Công đoạn xịt sơn tạo và giữ màu cho sản phẩm. Ảnh: Công Đạt


Sản phẩm mây tre đan sau khi xịt sơn được đem phơi khô. Ảnh: Khánh Long

Đến làng nghề truyền thống Phú Vinh hỏi thăm Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh ai cũng biết, bởi ông chính là tác giả của những tác phẩm tranh chân dung, tranh phong cảnh, hoành phi câu đối bằng mây tre đan vô cùng độc đáo và mới lạ khiến người xem không khỏi trầm trồ và thán phục.

Là giám đốc của Công ty Việt Quang một trong những đơn vị sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu mây, tre có tiếng ở thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tĩnh 
theo học nghề từ năm 10 tuổi, ông là con trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, người đầu tiên đã đan thành công ảnh chân dung Bác Hồ bằng chất liệu mây tre đan truyền thống. Đến năm 17 tuổi ông đã nắm bắt được kỹ thuật, các lối đan, hiểu được quy trình đan, biết pha chế nguyên liệu để hoàn thiện từng loại sản phẩm… Càng ngày tay nghề của ông Nguyễn Văn Tĩnh càng điêu luyện. Năm 1986, ông đã có giải thưởng đầu tiên là huy chương vàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Trung ương trao tặng. Đến năm 2009, ông Nguyễn Văn Tĩnh được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Hai con trai của ông là anh Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1982) và Nguyễn Phương Quang (sinh năm 1984) đều được tặng Danh hiệu nghệ nhân. Trong đó Nguyễn Phương Quang được phong tặng Danh hiệu nghệ nhân năm 2012 khi mới 28 tuổi, là nghệ nhân trẻ tuổi nhất ở làng nghề mây tre đan truyền thống Phú Vinh. Năm 2016, Nguyễn Phương Quang vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, các sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" muốn đạt sao phải qua tuyển chọn rất kỹ về kỹ thuật đan, cách đóng gói sản phẩm... Việc này đã tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng làng nghề Phú Vinh có nét đặc trưng về xiên mây, đan tranh ảnh bằng mây, đan tết các loại hoa văn mà ở các làng nghề khác không có.


Bộ đèn đan vảy rồng, sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm Ocop 4 sao. Ảnh: Khánh Long


Đèn lồng mây tre đan được dùng để treo trang trí cho các văn phòng, căn hộ. Ảnh: Khánh Long



 Một góc trưng bày sản phẩm trong xưởng sản xuất của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang. Ảnh: Khánh Long


Những sản phẩm đa dạng trong xưởng sản xuất của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang. Ảnh: Khánh Long

Mây, tre, giang đan không đơn thuần là một nghề kiếm sống mà còn chứa đựng niềm đam mê. Các thành viên trong gia đình nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh chưa bao giờ thỏa mãn với những sản phẩm đã làm ra mà luôn nghiền ngẫm, tìm tòi, tạo tác những mẫu mới…Từ những sợi mây óng mượt qua đôi tay khéo léo và khiếu thẩm mỹ tinh tế, ông Nguyễn Văn Tĩnh và các con đã tạo nên nhiều tác phẩm độc đáo mang đậm bản sắc Việt./.

Bài và ảnh: Khánh Long – Công Đạt


Top