Đời sống Việt

“Mắt biển” ở Trường Sa

Hải đăng Trường Sa Lớn cùng với 8 ngọn hải đăng khác trên quần đảo Trường Sa không chỉ làm nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền qua lại an toàn mà còn là cột mốc thể hiện chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển Trường Sa.
Dáng nhỏ, gầy, với làn da đen sạm màu nắng biển, trưởng trạm hải đăng Trường Sa Lớn, anh Vũ Sỹ Lưu, quê ở Hải Phòng, chia sẻ với chúng tôi về nghiệp “gác đèn”
gắn với anh tính đến nay đã tròn 20 năm.
«
     Hải đăng Trường Sa Lớn có chiều cao 25m, kiến trúc hình bát giác, màu vàng chanh. Hải đăng sử dụng loại đèn cấp II, có chu kỳ xoay và chớp sáng 6 lần/phút. Tàu thuyền cách xa 18 hải lý vẫn có thể nhìn thấy được ánh đèn hải đăng.
»


Năm 1993, anh Lưu là một trong những lính nhà đèn đầu tiên ra công tác ở quần đảo Trường Sa. Ngày đó, tất cả hệ thống đèn hải đăng trên quần đảo đều được thắp sáng bằng ắc quy nên ánh sáng có lúc lập lòe như tàn lửa thuốc lá. Cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu nên công việc của những người như anh là vừa làm, vừa xây và vừa tự mò mẫm. Thế nhưng tất cả những khó khăn ban đầu đó vẫn không ngăn được anh và các đồng nghiệp trong trạm gắn bó với những ngọn hải đăng.

Dù công việc của anh Lưu và các đồng nghiệp bây giờ đã đỡ vất vả hơn do hải đăng đã được trang bị hiện đại với hệ thống đèn, thiết bị chiếu sáng sử dụng điện nhưng tôi biết môi trường của các anh vẫn vô cùng khắc nghiệt do thường xuyên tiếp xúc với ắc quy, axít, thiết bị máy móc, những vật dẫn điện. Dù nắng, mưa, mùa biển lặng hay bão tố, các nhân viên nhà đèn đều phải đảm bảo cho ngọn hải đăng không bao giờ tắt. 


Hải đăng Trường Sa Lớn có chiều cao 25m nên cách xa 18 hải lý tàu thuyền đi biển vẫn có thể nhìn thấy được ánh đèn.


Công trình có kiến trúc hình bát giác, sơn màu vàng chanh và hướng ra Biển Đông.


Giữa biển trời bao la, ngọn hải đăng không chỉ là người bạn đường tin cậy của ngư dân đi biển
mà còn như một cột mốc thể hiện chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.


 
Cầu thang lên mắt nhà đèn được lát bằng đá hoa cương và lượn vòng theo hình xoắn ốc.


Nhân viên nhà đèn thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng đèn
để đảm bảo chiếu sáng phục vụ an toàn hàng hải trên vùng biển Trường Sa.



Mắt hải đăng Trường Sa Lớn thuộc loại đèn cấp II, có chu kỳ xoay chớp 6 lần/phút.


Lau chùi lồng kính bảo vệ mắt đèn nhằm đảm bảo độ chiếu sáng tối đa của hải đăng.


Hệ thống ắc quy dự trữ năng lượng phục vụ chiếu sáng của hải đăng.


Ngoài nhiệm vụ dẫn đường cho các phương tiện thủy, nhân viên trạm hải đăng 
còn có nhiệm vụ quan sát, ghi chép các hoạt động hàng hải trong phạm vi quản lý của trạm.



Hệ thống năng lượng mặt trời trên trạm hải đăng Trường Sa Lớn.


Một góc vườn rau xanh trên trạm hải đăng Trường Sa Lớn.


"Vườn" cây xanh nhỏ bé trong khu sinh hoạt chung của nhân viên trạm hải đăng Trường Sa Lớn. 

Tôi nhớ mãi câu nói khi chia tay của anh Vũ Sỹ Lưu: “Công việc của chúng tôi chỉ quanh quẩn với những cây đèn biển này thôi nhà báo ạ”. Một câu nói vui của người trạm trưởng nhưng tôi hiểu các anh đã lựa chọn gắn bó cuộc đời mình với “nghiệp” gác đèn ở Trường Sa. Chính sự hy sinh thầm lặng cùng tinh thần lạc quan của các “thần đèn” giữ cho những con “mắt biển” luôn sáng ở Trường Sa như các anh đã giúp hàng triệu ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc cảm thấy an toàn hơn trong những chuyến ra khơi./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Choáng ngợp trước thành phố lăng mộ ở Huế

Choáng ngợp trước “thành phố lăng mộ” ở Huế

Tuy không phải là địa chỉ du lịch nhưng khu nghĩa trang của làng An Bằng ở Cố đô Huế lại nổi tiếng đến độ nhiều du khách nước ngoài đã cất công tìm đến tận nơi để được mục sở thị những ngôi lăng mộ của người dân nhưng mang vẻ đẹp xa hoa, tráng lệ không kém gì lăng tẩm của các bậc vua chúa ngày xưa.

Top