Nghề Việt

Mành tre trúc Bình Phú vươn ra biển lớn

Với tư duy sáng tạo và cách làm mới, người dân làng nghề Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã khoác “áo mới” cho những sản phẩm mành tre, mành trúc một thời tưởng chừng bị mai một, nay trở thành một sản phẩm thủ công tinh xảo, được sử dụng ở nhà hàng, khách sạn cao cấp, không gian sống của người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức làm việc, sinh hoạt của con người. Khi phần lớn thời gian phải làm việc ở nhà, người tiêu dùng các nước bắt đầu chú ý nhiều hơn đến không gian làm việc và sinh hoạt của mình. Đó là lý do, mành tre trúc Bình Phú cùng các sản phẩm trang trí phụ khác từ tre có sản lượng xuất khẩu nhiều hơn cả trước khi có đại dịch. Mặt khác, người tiêu dùng ở các nước phát triển đã quay trở lại sử dụng các sản phẩm thủ công, thân thiện với môi trường.

Chớp thời cơ “thiên thời, địa lợi” này, những người con thế hệ sau của làng nghề đã biết tích hợp tính sáng tạo, thẩm mỹ cùng tư duy, cách làm mới để đưa sản phẩm địa phương chinh phục thị trường toàn cầu.
 
“Mục sở thị” xưởng đóng gói các sản phẩm mành, rèm tre trúc xuất khẩu của công ty Đại Việt, những nhãn mác sản phẩm được in bằng 2 thứ tiếng, thậm chí có mã sản phẩm có đến 3-4 thứ tiếng khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Anh Nguyễn Khắc Đồng, giám đốc công ty Đại Việt cho biết, trong 2 năm đại dịch, trung bình mỗi năm doanh thu xuất khẩu của công ty vẫn đạt trên 10 tỷ đồng.  

  Những chiếc khung dệt bằng gỗ nay được gắn thêm máy để tăng năng suất. Ảnh: Trần Thanh Giang  
  Công nhân công ty Đại Việt trong quá trình thao tác để làm ra những sản phẩm mành, rèm tre trúc. Ảnh: Trần Thanh Giang  
  Các sản phẩm mành, rèm tre trúc được tập hợp tại kho hàng của công ty Đại Việt. Ảnh: Trần Thanh Giang  

Theo đó, trước những năm 90 của thế kỷ trước, huyện Thạch Thất có đến 50% số hộ gia đình tham gia nghề dệt mành. Tuy nhiên, cũng giống như các làng nghề khác ở Việt Nam phải trải qua thời kỳ chuyển giao nền kinh tế, từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Sản phẩm mành tre của làng nghề chưa kịp thay đổi để bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước, đồng thời chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp khác, nên dần bị mai một do không tìm được đầu ra.

Không chịu để nghề thủ công của làng nghề bị mai một, đồng thời tiếp nối công việc và tâm nguyện của bố với làng nghề, anh Đồng đã nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm. Với nền tảng sẵn có của làng nghề, anh Đồng đã sáng tạo ra những mẫu sản phẩm mành tre, trúc có thẩm mỹ cao để đi chào hàng các đối tác nước ngoài và đã chinh phục được những thị trường khó tính.

Mẫu mã sản phẩm thủ công tại các làng nghề truyền thống của Việt Nam luôn là yếu điểm lớn nhất. Biết được điều đó, người đứng đầu công ty Đại Việt luôn coi trọng khâu nghiên cứu, cải tiến và phát triển sản phẩm. Đây là một tư duy không mới trong các doanh nghiệp, nhưng lại vô cùng hiếm ở một doanh nghiệp của một làng nghề truyền thống. Đây cũng là lý do công ty Đại Việt có những sản phẩm mẫu mã đặc biệt mà các công ty nước ngoài cần nhưng không tìm thấy ở bất kỳ một đơn vị nào khác.

Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Bình Phú
được xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới:


Hiện nay, công ty Đại Việt đã bao tiêu gần như toàn bộ sản phẩm mành tre của các hộ gia đình trong làng nghề sản xuất liên kết theo các đơn đặt hàng của công ty. Ngoài ra, công ty còn có một số nhà máy sản xuất tại làng nghề và các tỉnh lân cận để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại làng nghề dám mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, cải tiến mẫu mã sản phẩm, công ty Đại Việt đang là một minh chứng cho sự năng động của những người con thế hệ sau này của làng nghề, đưa sản phẩm bản địa chinh phục thị trường toàn cầu./.

 

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang

Làng cá chép Thủy Trầm vào vụ tết

Làng cá chép Thủy Trầm vào vụ tết

Cứ đến Tết ông Công ông Táo cận kề, người dân làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lại hối hả thu hoạch, cung cấp nguồn cá chép phóng sinh cho người dân khắp mọi miền đất nước.

Top