Tiềm năng địa phương

Làng trồng hoa công nghệ cao

Dù mới chuyển đổi sang trồng hoa gần 20 năm nhưng làng hoa Tây Tựu (huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nức tiếng là vùng chuyên canh hoa lớn nhất ngoại thành Hà Nội. Người trồng hoa ở đây hiện đã xây dựng thương hiệu cho hoa Tây Tựu từ việc áp dụng công nghệ và chuyển dịch cơ cấu giống hoa theo xu hướng của người tiêu dùng.
Từ vùng chuyển đổi trồng lúa sang hoa…
Trước năm 1994, Tây Tựu vốn là một vùng đất thuần nông ở ngoại thành Hà Nội. Dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, nhiều vùng hoa nổi tiếng của Hà Nội xưa như Ngọc Hà, Xuân Đỉnh mất dần đất canh tác, diện tích đất trồng hoa phải kéo dãn ra khu vực ngoại thành. Đây cũng chính là thời điểm manh nha cho sự ra đời của làng hoa Tây Tựu sau này.

Với 18ha đất ruộng ban đầu chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa, sau vài vụ thu hoạch, thấy cây hoa hợp cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa, các hộ gia đình ở Tây Tựu bắt đầu ồ ạt bỏ cây lúa để trồng chuyên canh hoa.
 

Hoa ly thành phẩm chờ thu hoạch ở Tây Tựu.


Trên cánh đồng hoa ly của anh Nguyễn Văn Xuân, người đã trồng thử nghiệm thành công giống hoa mới này ở Tây Tựu
và cung cấp ra thị trường miền Bắc.

Sau 20 năm chuyển đổi, hiện toàn xã Tây Tựu đã có gần 300ha diện tích đất sử dụng cho trồng hoa (chiếm 84,6% diện tích đất canh tác toàn xã). Cây hoa đã thực sự biến một xã nghèo quanh năm chỉ có cây lúa trở thành vùng chuyên canh hoa lớn nhất Hà Thành.

Hiện nay, Tây Tựu được đánh giá là một vùng trồng hoa vừa phong phú về các chủng loại, hoa vừa có chất lượng hàng đầu ở khu vực miền Bắc, với đủ các giống hoa như: hoa hồng, đồng tiền, thược dược, lay ơn, cúc các loại…Bình quân, mỗi ha diện tích trồng hoa của xã Tây Tựu cho thu hoạch khoảng 300 triệu đồng/năm.

Từ năm 2008, những người trồng hoa ở Tây Tựu lại làm tiếp một cuộc đại chuyển dịch về cơ cấu giống hoa. Trước thị hiếu của người tiêu dùng, người dân làng hoa Tây Tựu đã chuyển đổi từ việc trồng những loại hoa truyền thống sang loại hoa yêu cầu công nghệ chăm sóc cao hơn là hoa ly. Việc chuyển dịch cơ cấu này ở làng hoa Tây Tựu được đánh giá là bước ngoặt đưa vị thế của hoa Tây Tựu lên một nấc thang mới, xứng tầm hơn với một thương hiệu hoa của thủ đô.

…Đến hình thành vùng trồng hoa công nghệ cao:
Rời vùng hoa truyền thống Tây Tựu, chúng tôi phải qua hai xã mới đến được khu vực đất trồng hoa ly mới của người dân Tây Tựu tại xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng). Ở đây, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Xuân, người đầu tiên trồng thử nghiệm giống hoa ly.

Trên cánh đồng hoa ly rộng hơn 5 ha, anh Nguyễn Văn Xuân giới thiệu với chúng tôi hệ thống nhà lưới hiện đại, hệ thống phun tưới nước, đo nhiệt độ tự động... được đầu tư đồng bộ. Nhìn cuốn cataloge công ty cung cấp giống hoa ly của Hà Lan chào hàng mà anh Xuân đưa cho chúng tôi xem, phải đến hàng chục giống hoa ly hiện đã trồng thành công và mang ra thị trường tiêu thụ. Sản phẩm hoa ly của gia đình anh Xuân chủ yếu được đặt hàng từ trước và số lượng cung cấp luôn không đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
 

Củ hoa ly sau thu hoạch được gom lại để trồng tiếp đợt sau.


Những cây giống hoa ly một tuần tuổi, vừa được mang ra từ nhà lạnh.


Anh Nguyễn Văn Xuân giới thiệu những củ ly đã được trên 15 ngày tuổi, chuẩn bị mang trồng ngoài ruộng.


Những ruộng hoa ly ở Tây Tựu được đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng cho bông đều, to và đẹp.


Trung bình mỗi ngày gia đình anh Nguyễn Văn Xuân Xuân thuê hàng chục lao động chăm sóc và thu hoạch hoa ly. 


Thương lái các nơi về Tây Tựu chọn mua hoa ly của gia đinh anh Nguyễn Văn Xuân.
 

Các chuyên gia Hà Lan đang tư vấn cách chăm sóc giống hoa ly được trồng thử nghiệm trên cánh đồng hoa Tây Tựu.

«
     250 triệu bông là số lượng hoa ước tính mỗi năm làng hoa Tây Tựu cung cấp cho thị trường tiêu dùng miền Bắc. Toàn xã Tây Tựu có 2.600 hộ dân thì có tới 95% số hộ tham gia trồng hoa.
    Theo con số ước tính của xã Tây Tựu thì số vốn đầu tư trồng hoa ly của người dân là khoảng 500 đến 600 tỷ, một con số kỷ lục của người dân Tây Tựu đầu tư cho nghề trồng hoa.
               »
Theo anh Xuân chia sẻ, thời điểm bắt đầu trồng những cây hoa ly đầu tiên ở Tây Tựu là năm 2000. Khi ấy hoa ly vẫn còn là giống cây xa lạ với người dân Tây Tựu. Với kinh nghiệm trồng hoa truyền thống nhiều năm, từ một vài sào ruộng manh nha ban đầu, anh Xuân đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng hoa ly có được như ngày hôm nay. Thế nên ở Tây Tựu, anh Xuân được những người trồng hoa ngưỡng mộ và đặt cho là “Tỷ phú hoa ly”.

Sau thành công của gia đình anh Nguyễn Văn Xuân, nhiều hộ trồng hoa trong xã Tây Tựu đã học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu chuyển dịch cơ cấu giống hoa. Nếu năm 2008, mới chỉ có vài hộ chuyển sang trồng hoa ly thì sang các năm 2012 và 2013, toàn xã Tây Tựu đã có hơn 60% các hộ gia đình trồng hoa ly. Diện tích trồng hoa ly của xã cũng tăng lên đáng kể với khoảng 200ha hoa ly (2013), trong đó diện tích trồng ly tại xã Tây Tựu là 38ha, còn lại là thuê đất tại các xã khác trên địa bàn huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất… Cũng từ đây ngày càng xuất hiện nhiều các triệu phú, tỷ phú hoa ly ở Tây Tựu.

Sau 5 năm khi giống hoa ly “cắm rễ” trên vùng đất Tây Tựu là quãng thời gian quá ngắn nếu so với gần 80 năm Đà Lạt xây dựng lên thương hiệu “Xứ hoa của Việt Nam”. Thế nhưng, với những thành công ban đầu mà hoa ly mang lại cho người dân Tây Tựu, chúng tôi tin rằng trong tương lai không xa đây sẽ là một vùng hoa công nghệ cao của thủ đô, cung ứng cho toàn thị trường khu vực phía Bắc. Và không chỉ dừng lại ở các loại hoa truyền thống, phổ thông như trước kia, vùng chuyên canh hoa lớn của Hà Thành này sẽ còn đưa ra thị trường các loại hoa được chăm sóc công nghệ cao như giống hoa ly trồng thí điểm thành công và hơn thế nữa…./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Văn Quyền

Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Xác định nông nghiệp là thế mạnh của nền kinh tế, Quảng Ngãi nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuyển đổi số nông nghiệp và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ ở các lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp…

Top