Tiềm năng địa phương

Làng nghề đan guột

Từ loại cây guột mọc hoang dại tại các vùng rừng núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, người dân xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) bằng đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng rổ, rá, tủ, bàn, ghế, khung ảnh, lọ hoa, con giống...
Làng Lưu Thượng (xã Phú Túc) là nơi khởi đầu nghề truyền thống đan guột từ thế kỷ XVII. Từ Lưu Thượng, nghề đan guột phát triển lan ra cả xã Phú Túc và các vùng phụ cận. Nghề sản xuất hàng xuất khẩu từ cây guột có quy mô và chiều sâu vào những năm 90 của thế kỷ trước. Xã Phú Túc hiện nay có 8 làng làm nghề đan guột, với gần 7.754 lao động. Riêng ở Lưu Thượng, nơi chỉ có 400 hộ dân với trên 1.400 lao động thì đã có hơn 70% số lao động trong làng tham gia sản xuất hàng mỹ nghệ từ guột. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thông (70 tuổi) thì "Trước dân làng chỉ đan sản phẩm sơ cấp như đồ gia dụng, đồ nông nghiệp, nay chúng tôi hướng đến xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ."

Nguyên liệu guột có sự nổi bật về màu sắc tự nhiên với màu đỏ, nâu rất đẹp, mềm mại và độ bền cao. Theo kinh nghiệm, dân làng Lưu Thượng, Phú Túc thường chọn guột lấy từ các vùng Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn..., những nơi có chất lượng tốt hơn so với các vùng khác. Sau khi thu mua về, các loại guột sẽ được phân loại và đem phơi ít nhất vài ba đợt nắng to mới đạt chất lượng về độ bền và màu sắc. Tùy việc dùng sản xuất loại hàng hóa nào mà cây guột được giữ nguyên hay chẻ ra làm hai, ba hay bốn phần. Sau đó, guột được dùng đan và tạo hình cho sản phẩm.
 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Nếp người làng Phú Túc đang chuốt nhẵn nguyên liệu trước khi đan sản phẩm.


Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan đan giỏ đựng hoa quả từ cỏ tế.


Những chiếc thùng quần áo được đan khéo léo bằng những thân bèo phơi khô.


Nhờ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Phú Túc, các sản phẩm làm từ cỏ tế đẹp và tinh xảo.


Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cỏ tế được làm cứng trước khi phơi nắng.


Công đoạn làm sạch sản phẩm đan cỏ tế trước khi phơi nắng.


Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cỏ tế được đem phơi từ 2 đến 3 nắng để đảm bảo độ bền cho sản phẩm.


Sản phẩm đan cỏ tế đa dạng và nhiều chủng loại, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương.


Nghề đan cỏ tế thu hút đông đảo nguồn lao động trong và ngoài địa phương ở làng nghề Phú Túc.

Nhằm tạo sự đồng đều, các loại guột chọn đan có cùng màu sắc, độ dẻo, dai. Khi tạo hình xong, sản phẩm được hun qua diêm sinh, đưa nhúng qua dầu keo để màu sắc tươi và bền hơn. Sau khi nhúng dầu keo, sản phẩm được đem phơi hoặc sấy khô và tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc lần thứ ba tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm. Cuối cùng, sản phẩm được để khô kiệt rồi mới đóng kiện tiêu thụ và xuất đi trong nước, ngoài nước.

Với đặc thù 100% công đoạn làm bằng tay, nghề đan guột không cần đầu tư về máy móc trang thiết bị, chỉ cần có một lò sấy hơi, bể nhúng, sân dốc nước nhằm tận thu nước và sử dụng sân để phơi khô.

Từ guột, kết hợp với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, mây tre, bèo, bẹ chuối, cỏ lăn... làng nghề Phú Túc đã tạo ra 8 loại sản phẩm khác nhau với hơn 2.000 mẫu mã. Với ưu thế nguyên liệu sản xuất từ thiên nhiên, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, bền, đẹp và giá thành hạ, sản phẩm guột Phú Túc được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất khẩu qua 20 quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và các nước Trung Đông...

Sản xuất hàng guột xuất khẩu được chuyên môn hóa đến từng công đoạn. Có hộ gia đình chỉ chuyên đan đế, hộ chuyên đan phần thân, hộ khác chuyên phơi sấy, hun, phun bóng. Sản phẩm khi hoàn thành được thu gom về các cơ sở khác hoàn thiện, gắn nhãn mác, đóng gói xuất khẩu. Nghề đan guột Phú Túc thu hút đông đảo người các lứa tuổi, giới tính. Trong thôn, ngoài ngõ đâu cũng thấy những vật liệu bằng guột bày la liệt. Từng dãy hàng guột, mây, tre, giang đan phơi ven đường trong sân nhà giữa những ngôi nhà chất đầy nguyên phụ liệu. Hiện các hộ sản xuất chủ yếu làm theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp của xã Phú Túc theo hình thức nhận nguyên liệu về làm tại gia đình. Việc tham gia vào các tổ hợp sản xuất với quy mô nhỏ và vừa hay quy mô hộ gia đình khẳng định tính liên thông, liên kết của làng nghề, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong sản xuất và xuất khẩu.


Các sản phẩm đan cỏ tế của làng Phú Túc rất đa dạng, nhiều loại mẫu mã đẹp được khách hàng yêu thích.


Không chỉ là vật liệu đồ dùng hang ngày, sản phẩm đan cỏ tế túc
còn được dùng để trang trí và được đem xuất khẩu trong và ngoài nước.


Sản phẩm được đóng gói trước khi đem xuất khẩu đến các nước.

Lưu Thượng, nơi khởi đầu cho nghề đan guột nay đang trở thành một điểm du lịch làng nghề hấp dẫn của Hà Nội. Khu phố chợ Lưu Thượng, trung tâm xã Phú Túc chính là tâm điểm tham quan và là đầu mối giao lưu quảng bá sản phẩm nghề của 15 tổ hợp sản xuất lớn với các doanh nghiệp tên tuổi như Phú Tuân, Hồng Kỳ, Thành Công, Hiền Lương, Phú Ngọc...

Sức sống mới của làng nghề thể hiện rõ trên những con đường làng bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng, nhà mái bằng hiện đại san sát. Với các sản phẩm guột gắn bó với làng nghề truyền thống hàng trăm năm, Phú Túc đang đưa làng quê nghèo trở thành vùng kinh tế hàng hóa sôi động, phong phú và sầm uất./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Mãng cầu Bà Đen, sản vật của vùng đất phương Nam

Mãng cầu Bà Đen, sản vật của vùng đất phương Nam

Vùng đất Nam Bộ xưa nay nổi tiếng là vựa trái cây lớn nhất của cả nước. Tại Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen là một đặc sản. Chiếm tới hơn 40% thị phần mãng cầu cả nước, mãng cầu Bà Đen đang được xem là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế lớn của địa phương.

Top