Chỉ cách phố cổ Hội An chừng 5km, với tuổi đời trên 500 năm, làng gốm cổ Thanh Hà (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) thu hút rất đông khách tham quan, bởi nơi đây có nhiều sản phẩm gốm tinh xảo nổi tiếng khắp miền Trung.
Tương truyền, vào thế kỉ XVI - XVII, những người thợ thủ công từ Thanh Hoá vào Hội An lập làng, tạo nên nghề gốm và truyền lại cho con cháu đến ngày nay. Dưới triều Nguyễn, làng gốm Thanh Hà rất thịnh vượng, cung cấp các sản phẩm gốm cho các tỉnh từ Huế đến Bình Định.
Gốm Thanh Hà đã được bạn bè Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha biết đến qua việc thông thương ở thương cảng Hội An. Dựa vào sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào thế kỉ XIX, người ta biết rằng, ngày xưa, làng gốm Thanh Hà ngoài việc cung cấp ngói lợp, gạch lát nền phục vụ việc xây nhà ở phố cổ Hội An còn được triều đình Huế chọn dùng để xây dựng các công trình đền đài ở Huế.
Lò nung gốm ở Thanh Hà.
Kĩ thuật làm gốm bằng bàn xoay chân theo lối cổ của người dân Thanh Hà.
Trẻ em làng gốm Thanh Hà làm lợn gốm.
Nặn tò he đất nung hình con giống.
Vẽ màu hoa văn gốm.
Du khách nước ngoài tỏ ra rất thích thú các sản phẩm gốm nghệ thuật của Thanh Hà.
Sản phẩm gốm nghệ thuật của Thanh Hà. |
Trước kia, gốm Thanh Hà nổi danh với những sản phẩm gia dụng như: nồi đất, bình, chén, chum, gạch, ngói... Hiện nay, cả làng có gần 100 hộ sản xuất và kinh doanh gốm đã phát triển thêm nhiều mặt hàng mới mang tính nghệ thuật cao.
Làng gốm Thanh Hà giờ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong hành trình tham quan Di sản Văn hoá Thế giới phố cổ Hội An đối với du khách trong và ngoài nước. Đến với làng gốm cổ Thanh Hà, du khách không chỉ được tham quan, tìm hiểu các công đoạn sản xuất gốm theo lối truyền thống mà còn có thể mua sản phẩm mình ưa thích với giá cả phải chăng. Đặc biệt, du khách còn được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm nên những sản phẩm gốm theo trí tưởng tượng của riêng mình.
Ở làng gốm Thanh Hà có cụ Nguyễn Thị Được (88 tuổi), là nghệ nhân cao tuổi và giỏi nhất làng. Cụ Được làm nghề từ khi còn nhỏ tuổi. Hầu hết các thế hệ nghệ nhân làng gốm Thanh Hà bây giờ đều là học trò của cụ. Cụ Được cho biết, đã có nhiều hộ gia đình ứng dụng máy móc để làm gốm nhưng không được thị trường ưa chuộng. Cuối cùng các gia đình ấy cũng nhận ra rằng, máy móc có làm nhanh hơn, nhiều hơn nhưng sản phẩm không có hồn, không mang lại nét riêng biệt nên đã quay về làm gốm theo cách cổ truyền.
Vừa qua, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gốm Thanh Hà. Với sự công nhận này, sản phẩm gốm Thanh Hà nói riêng và làng gốm cổ Thanh Hà nói chung sẽ tiếp tục phát huy được thế mạnh của mình, góp phần vào việc thúc đẩy tiềm năng kinh tế, du lịch ở vùng đất di sản Hội An./.
Bài và ảnh: Thông Thiện - Hoàng Giáp.
Bài và ảnh: Thông Thiện - Hoàng Giáp.