Xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trước đây vốn cũng là vùng thuần nông như bao làng quê khác ở Bắc Bộ, nhưng trong khoảng 20 năm trở lại đây, Phụng Công đã trở thành “Làng tỉ phú” nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang chuyên canh hoa và cây cảnh.
Ở Phụng Công, hầu hết nhà nào cũng trồng hoa và cây cảnh. Nhà trồng ít thì 1 đến 2 sào, hộ nào nhiều thì vài ba mẫu, thậm chí có hộ còn thuê thêm đất của làng khác để trồng. So với trồng lúa, nghề trồng hoa và cây cảnh cho thu nhập cao hơn nhiều. Mỗi năm, bình quân mỗi hộ thu được khoảng trên dưới 100 triệu đồng. Đây quả là một con số đáng mơ ước của những người làm nông. Chẳng thế mà có người ví von: “Một cây cảnh có thể đánh ngã cả sào lúa”.

Những ngôi nhà bạc tỉ ngày càng xuất hiện nhiều ở làng cây cảnh Phụng Công.

Cây cảnh Phụng Công nổi tiếng đẹp và có giá trị kinh tế cao.

Ông Man Văn Đỗ đang tạo thế cho một cây sanh lá nhỏ.

Khách đến mua cây cảnh tại làng Phụng Công.

Ngoài trồng cây cảnh, Phụng Công còn nổi tiếng với nghề trồng hoa. |
Hoa và cây cảnh ở Phụng Công khá đa dạng, từ cây thế các loại như: sanh, si, sung, lộc vừng... tới các loại hoa như: lan, ly, hải đường, trạng nguyên, cúc... Giá trị của mỗi vườn cây cũng khác nhau, tùy theo quy mô và chủng loại. Ví dụ như vườn cây thế của anh Nguyễn Văn Diễn, tuy chỉ khoảng 30 gốc cây thế gồm sanh, si, lộc vừng, phi lao, đa... nhưng có giá tới cả tỉ đồng. Theo anh Diễn, trồng cây thế giá trị thu nhập cao nhưng không phải ai cũng làm được, bởi nó đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm cũng như khiếu thẩm mĩ trong việc chọn cây và tạo dáng. Hiện nay, để phục vụ cho việc sản xuất cây thế của mình và người làng, anh Diễn đã dành hẳn 5 sào đất chuyên dùng để sản xuất các loại phôi cây thế (thân hoặc gốc cây dùng để tạo thế).
Giống như anh Diễn, gia đình anh Hoàng Văn Tiến có 5 anh em sống bằng nghề trồng cây cảnh cũng chuyên về dòng cây thế. Bởi theo anh, trồng hoa phải theo mùa vụ, còn cây thế bán được quanh năm. Giá cả của cây thế rất đa dạng, nhưng nhìn chung khá cao. Những chậu sanh, si cỡ nhỏ, có độ tuổi chừng vài năm, thường có giá dao động từ 700 nghìn đến khoảng 2 triệu đồng. Cây lớn có dáng đẹp và cầu kì hơn giá cùng từ vài triệu đến vài chục triệu. Thậm chí, có cây thuộc loại “hàng độc”, giá lên tới bạc tỉ vẫn có người mua như thường.
Ngoài dòng cây thế, Phụng Công còn khá nổi tiếng với các loại hoa, đặc biệt là hoa trà, hoa lan, hoa hải đường... Hiện tại, diện tích đất trồng trà chiếm gần một nửa tổng diện tích đất trồng hoa của Phụng Công. Đây là giống cây cho hoa đẹp, bán chạy lại trồng dễ và không mất nhiều công sức, chi phí chăm bón.
Ông Nguyễn Đức Ngãi, Hội trưởng Hội hoa lan xã Phụng Công cho biết, ngoài cây trà, giống hoa lan cũng phát triển mạnh vì giá cao và ngày càng có nhiều người chơi. Giá hoa lan hiện thời trung bình từ 2 đến 4 triệu đồng/chậu. Đặc biệt, có loài lan quý, khách trả tới hơn 10 triệu đồng/chậu.
Thị trường hoa và cây cảnh của Phụng Công hiện khá rộng. Ngoài những thị trường quen thuộc ở trong nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và một số tỉnh phía Nam, còn xuất khẩu sang cả thị trường Trung Quốc, một quốc gia vốn có thế mạnh về nghề trồng hoa và cây cảnh trên thế giới.
Nghề trồng hoa và cây cảnh không chỉ tạo việc làm, cho thu nhập cao mà còn cải tạo Phụng Công trở thành một vùng làng quê trù phú, xanh mát. Tuy nhiên, về lâu dài, vùng cây cảnh Phụng Công cũng phải đối diện với không ít khó khăn, đó là diện tích đất nông nghiệp ngày một thu hẹp, chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng để phát triển nghề còn nhiều bất cập, ý thức quy hoạch phát triển nghề mang tính bền vững của người dân và địa phương chưa được quan tâm đúng mức... Đây chính là những vấn đề cần phải được tính tới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Phụng Công nói riêng, và các vùng nông thôn nói riêng, trong quá trình thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ