Nghệ thuật

Làm vườn cây từ những vật liệu tái chế

Mấy ai ngờ rằng, chỉ với những sợi dây điện thừa, đôi đũa hay thậm chí là móc treo đồ bị hỏng…lại được anh Lê Mỹ Dặm quê ở Quảng Ngãi sử dụng để tạo thành một vườn cây với những loại cây thân thuộc của người Việt. Những sản phẩm anh làm ra dù có kích thước nhỏ nhưng lại độc đáo, sống động và trông như thật.

 

Tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng tại Đà Nẵng, vào Sài Gòn lập nghiệp nhưng vướng đợt dịch không kiếm được việc làm nên anh Dặm lại tranh thủ làm những công việc mình yêu thích. Đam mê này mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo đến từng chi tiết.

Anh Dặm chủ yếu sử dụng vật liệu tự nhiên, đồ dùng nhà bếp và chất liệu nhân tạo để làm vườn cây. Anh Dặm cho biết để làm ra một gốc tre thì ảnh đã phải bỏ cả ngày trời đi đào gốc rễ tranh về sơn màu tạo hiệu ứng sao cho thật nhất. Hay như phần lá cây anh phải dùng phim nhựa mỏng để tạo độ cứng và bền mà lại dễ pha mầu...

  Anh Lê Mỹ Dặm tập trung tỉa từng chi tiết cho khu vườn tiểu cảnh của mình. Ảnh: Thông Hải/VNP  
  Anh Lê Mỹ Dặm có niềm đam mê làm tiểu cảnh nhỏ từ những vật liệu tái chế. Ảnh: Thông Hải/VNP  
  Anh tỉ mỉ vẽ màu tàu lá dừa sao cho giống với lá nguyên bản. Ảnh: Thông Hải/VNP.  
  Có những chi tiết đòi hỏi sự khéo léo khi thực hiện vì nó quá nhỏ. Ảnh: Thông Hải/VNP  
  Ngay cả phần đất cũng được anh làm chi tiết sao cho giống thật. Ảnh: Thông Hải/VNP  

Để học hỏi và làm cây giống thật nhất có thể, anh Dặm tham gia nhiều hội nhóm để học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người bạn có chung sở thích. Mỗi khi định làm một tác phẩm thì anh lại suy nghĩ, lên ý tưởng sáng tạo và miệt mài theo đuổi nó này không ngừng nghỉ. Các loại cây anh làm chủ yếu là các loài cây đặc trưng ở Việt Nam như chuối, mít, dừa, cà phê,...

Từ trước đến nay, anh Dặm cũng đã làm được 15-16 loại cây liên quan đến cây thuần Việt gắn liền với người dân quê. Cái khó nhất để làm ra một sản phẩm đó là mạch cảm xúc, đặt biệt là phải thổi được cái hồn vào trong tác phẩm của mình, có như vậy nhìn cây mới sống động được. Tùy theo từng tác phẩm, từng loại cây, nhiều chi tiết, nhiều lá, nhiều cành thì làm rất lâu, tầm khoảng 2 tuần, còn những cây ít chi tiết thì sẽ hoàn thành nhanh hơn.

  Mô hình tiểu cảnh khu vườn chuối được anh làm giống như thật. Ảnh: Thông Hải  
  Tiểu cảnh cây buởi. Ảnh: Tư liệu NVCC  
  Một tiểu cảnh cây cà phê được sử dụng trưng bày trong nhà. Ảnh: Tư liệu NVCC  
  Những cây dừa mang nét đặc trưng của làng quê Việt Nam. Ảnh: Thông Hải/VNP  
  Tiểu cảnh cây dừa nước. Ảnh: Tư liệu NVCC   
  Tiểu cảnh mô tả về khu vườn rau. Ảnh: Thông Hải/VNP   
  Tiểu cảnh cây đu đủ. Ảnh: Thông Hải/VNP  

Anh Dặm cho biết: “Lá cây mình phải vẽ trên máy tính và cho vào máy laser để cắt chứ cắt tay thì rất lâu vì mỗi cây có rất nhiều lá, còn cây thân gỗ thì sẽ dùng lõi điện hoặc thép uốn để tạo hình thân cây, sau đó đắp giấy ăn lên xin bột gỗ và mùn cưa về phủ bên ngoài. Như thân cây dừa thì tạo bằng đoạn thép nhỏ từ móc quần áo. Từ việc lên ý tưởng, tìm nguyên liệu phù hợp. uốn cong từng cái lá gắng chúng lên cây rồi làm hiệu ứng là khó nhất vì phối màu cho tự nhiên khá công phu”.

Tới đây, anh Dặm cho biết vẫn tiếp tục duy trì công việc chính là ngành xây dựng và thời gian rảnh rỗi buổi tối sẽ tiếp tục niềm đam mê của mình là làm ra nhiều tiểu cảnh nhỏ để bổ sung vào bộ sưu tập như một cách để giải trí và thỏa mãn đam mê./.



  

Thực hiện: Thông Hải/VNP

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Với tình yêu dành cho hoa sen từ nhỏ cho đến khi là cô sinh viên khoa sư phạm mỹ thuật của trường đại học Sư phạm Hà Nội và giờ đang công tác trong lĩnh vực giáo dục, nhà giáo Thúy Hường đều đưa hình bóng của hoa sen vào trong mỗi sáng tác hội họa của mình.

Top