Tiềm năng địa phương

Kinh tế nông nghiệp trên vùng “tiểu sa mạc”

Giữa vùng “tiểu sa mạc” thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Đông Á là người tiên phong trong việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm dưa lưới và thanh long mang lại đạt hiệu quả kinh tế cao.
Từng làm việc trong ngành kiến trúc - xây dựng, nhưng với niềm đam mê nông nghiệp, ông Phạm Văn Minh đã nhận biết và đầu tư vào vùng đất Hòa Thắng vốn là nơi có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với các loài cây chịu hạn. Sau một thời gian nghiên cứu và trồng thử nghiệm, đến nay ông Minh đã tập trung trồng hai loài cây chủ lực trong mô hình là dưa lưới và thanh long với hiệu quả kinh tế cao và ổn định.

Ông Phạm Văn Minh chia sẻ: “Tôi được biết Israel là đất nước có diện tích đất sa mạc cao nhưng rất phát triển về nông nghiệp công nghệ cao. Tôi nghĩ rằng nếu chọn vùng đất có điều kiện bình thường để làm sẽ dễ đi theo lối mòn và chính ở trong điều kiện khắc nghiệt lại nảy ra ý tưởng tốt. Do vậy, tôi đã chọn vùng đất Hòa Thắng của Bình Thuận để làm mô hình này và nhận thấy thanh long, dưa lưới là hai loài cây thích hợp nhất với năng suất cao, chất lượng tốt khi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây”.



Trang trại trồng dưa lưới và thanh long theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao của ông Phạm Văn Minh,
Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Đông Á trên vùng “tiểu sa mạc” thuộc thôn Hồng Lâm,
xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.


Toàn cảnh dưa lưới công nghệ cao trồng trong nhà màng.


Hệ thống tưới tiêu tự động cho dưa lưới.


Dưa lưới trồng trong nhà màng cho thu hoạch 3 vụ/năm.


Dưa lưới trong trang trại nông nghiệp công nghệ cao của ông Phạm Văn Minh
có mật độ trồng dày nhất Việt Nam với 8.000 cây/nhà màng.


Dưa lưới có chất lượng tốt khi ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao.


Sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà màng trên vùng đất “tiểu sa mạc” mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Sản phẩm dưa lưới với giá bán lẻ dao động 65.000-75.000 đồng/kg dưa lưới.


TS. Nguyễn Đăng Nghĩa (ngoài cùng bên trái), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam
thăm mô hình dưa lưới công nghệ cao của ông Phạm Văn Minh.

Hiện mô hình thanh long và dưa lưới công nghệ cao của ông Phạm Văn Minh là duy nhất trên một vùng hoang mạc rộng lớn thuộc huyện Bắc Bình. Từ một vùng đất nắng cháy, đất đai khô cằn, không có đường, hệ thống điện, từ cuối năm 2013, ông Minh đã đầu tư hệ thống đường, kéo điện và đặc biệt là mô hình dưa lưới trong nhà màng và thanh long trồng theo giàn với quy mô lớn. Ông Minh cho biết, không giống như cách trồng theo trụ thông thường, thanh long ở đây được trồng theo giàn với công nghệ mới của Đài Loan. Đây chính là mô hình thanh long trồng theo giàn đầu tiên ở Việt Nam.

Tính đến nay trang trại có 16 nhà màng trồng dưa dưới và 2ha thanh long trồng theo giàn, dự kiến trong tương lai trang trại còn mở rộng thêm 10ha thanh long và 10 nhà màng.

Hiện tại, năng suất thanh long trồng theo giàn đạt 50 tấn/ha, hơn hẳn so với năng suất trồng theo trụ là 30 tấn/ha. Với 4 vụ/năm của thanh long, 2 vụ chong điện kích thích ra hoa nghịch vụ lại đạt hiệu quả kinh tế cao và trở thành vụ 2 vụ chính so với 2 vụ thường. Bên cạnh đó, năng suất dưa lưới tính theo nhà màng là 8-10 tấn/nhà/vụ, năng suất tổng đạt 24-30 tấn/nhà/năm.



Mô hình thanh long trồng theo giàn đầu tiên ở Việt Nam.



Công nhân kỹ thuật chăm sóc vườn thanh long.


Hệ thống tưới nước khoa học.


Sản phẩm thanh long ruột đỏ có giá bán lẻ dao động 35.000-45.000 đồng/kg.

Không chỉ tạo một hướng đi mới trên vùng đất sa mạc, trang trại nông nghiệp công nghệ cao của ông Phạm Văn Minh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động địa phương. Hy vọng trong tương không xa, trên vùng đất sa mạc, khô cằn này sẽ có thêm nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao hơn nữa để góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế địa phương./.


Thực hiện: Thành Đạt - Sơn Nghĩa

Phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò thịt ở Điện Biên

Phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò thịt ở Điện Biên

Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) đã hỗ trợ hơn 10,5 triệu đô-la Úc trong vòng 10 năm trở lại đây cho các dự án nghiên cứu nông nghiệp tại tỉnh Điện Biên nhằm phát triển các hệ thống chăn nuôi bò thịt và nông lâm kết hợp, nâng cao sinh kế và thu nhậpcho các nông hộ nhỏ, đặc biệt là các hộ gia đình thuộc các cộng đồng người dân tộc thiểu số.

Top