Khám phá

Huyền thoại tắm tiên

Con suối nhỏ Púng Hon đầy truyền thuyết gắn liền với văn hóa đặc sắc tắm tiên của người Thái ở nơi phên dậu xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Con suối truyền thuyết

Từ trung tâm thị trấn Sốp Cộp, chúng tôi vật lộn với hơn 70 km đường rừng, đi ngược theo một dòng suối nhỏ, băng qua cả chục con dốc dựng đứng thì vùng đất Mường Lèo huyền bí với những ngôi nhà sàn gỗ cao to lừng lững đã hiện ra trước mắt.

Biết chúng tôi lặn lội đường xa đến đây để tìm hiểu về dòng suối Púng Hon và sự huyền bí văn hóa nguyên sơ của bà con dân bản, ông Bí thư xã Mường Lèo là Lèo Văn Thuận say sưa kể về huyền thoại của dòng Púng Hon. Truyền thuyết kể rằng, Người Thái đen ở mường Púng Bánh đi săn thấy một con tê giác có 3 sừng, phường săn đuổi mãi, qua những ngọn núi quanh năm mây phủ, qua những tán rừng nguyên sinh thì thấy một vùng đất bằng phẳng.



Vượt Cổng trời Pá Thoóng để vào Mường Lèo.


Con suối Púng Hon như dải lụa mềm chạy quanh bản Liềng.


Con suối Púng Hon tưới tiêu cho cánh đồng bản Liềng nuôi sống người Thái nơi đây hàng nghìn đời nay.


Những nếp nhà sàn người Thái ở bản Liềng.


Người Thái đánh bắt cá ở suối Púng Hon.

Ở giữa vùng đất đó ở có một con suối nước trong xanh mà chiều chiều hươu, nai kéo từng đàn xuống uống nước. Biết là vùng đất tốt, tộc người ăn theo nước mới di dân đến khai khẩn dựng mường. Thời ấy, con người và muông thú cùng chung sống hòa thuận dưới cánh rừng đại ngàn năm này qua năm khác.

Cai quản cả vùng rộng lớn là Phìa Tạo. Một ngày nọ, Nàng Huổi - con gái xinh đẹp độc nhất của Phìa Tạo không may mắc phải một chứng bệnh lạ, da dẻ sần sùi, lở lói. Thấy con gái mắc bệnh, Phìa Tạo đã cho người đi khắp vùng mời các thầy lang tới trị bệnh và treo giải thưởng hàng chục con trâu mộng cho ai chữa khỏi bệnh nhưng vẫn chẳng ăn thua.

Một lần, trong giấc ngủ, Phìa Tạo thấy gặp một ông lão râu tóc bạc phơ chỉ tay vào một đống đá bên suối và nói: “Ngươi hãy đào sâu xuống đống đá này sẽ tìm được thuốc trị bệnh cho con gái ngươi”. Tỉnh giấc, Phìa Tạo vội cho người lật đá đào sâu xuống đất. Lạ thay, khi vừa đào được chừng một thước, rộng vài thước, một dòng nước nóng bỗng tuôn trào khắp mặt đất. Quá vui mừng, Phìa Tạo bèn ra lệnh quây màn cho Nàng Huổi tắm. Không ngờ, khi nàng vừa ngâm mình xuống nước, ghẻ chóc tự nhiên tan biến hết, da dẻ trở lại hồng hào, xinh đẹp hơn xưa. Kể từ đó, dòng suối được gọi tên là Púng Hon (theo tiếng Thái cổ Púng là dòng, Hon là nước nóng). Như được tiếp thêm sinh lực từ dòng nước nóng trong lòng đất, con suối Púng Hon bốn mùa ăp ắp nước, người Thái đã khai khẩn trồng lúa nước, tạo nên một vùng Mường Lèo trù phú.
Chúng tôi lên cổng trời Pá Thoóng quan sát của một vùng đất Mường Lèo rộng lớn. Con suối Púng Hon chạy ngoằn nghèo như dải lụa mềm vắt ngang thung lũng Mường Lèo. Nhìn về hướng Nam, ngút tầm mắt là vùng mường Púng Bánh. Con suối Púng Hon vượt qua thung dưới cổng trời Pá Thoóng trườn dài như con rắn khổng lồ qua đồi núi và thung lũng Púng Bánh tạo ra những cánh đồng nuôi sống người Thái ở vùng phên dậu tổ quốc hàng nghìn đời nay.

Miền sơn nữ tắm tiên

Bản Liềng xã Mường Lèo vẫn giữ nguyên được vẻ nguyên sơ bởi bị cô lập bởi cổng trời Pá Thoóng. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Thái, bản nằm giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Cả bản có gần 500 nhân khẩu, sinh sống bằng việc canh tác ngô, lúa trên nương và chăn nuôi gia súc.

Ông Lèo Văn Thuận cho biết thêm: “Cách dòng Púng Hon chỉ vài chục bước chân là dòng suối nước lạnh – nguồn nước sạch của cả bản. Trước đây vào mỗi buổi sớm mai, hươu nai trên rừng vẫn tìm đến uống nước”.

5 giờ chiều, ông Lèo Văn Thuận đưa chúng tôi tới để tận mắt khám phá vẻ đẹp nguyên sơ của dòng Púng Hon. Trước mắt tôi, những cô gái người Thái mặc váy đen bắt đầu lội dần xuống nước, những chiếc váy từ từ được vén dần theo độ sâu của cơ thể với mặt nước. Xung quanh khu suối tắm của sơn nữ chỉ có chiếc liếp tre che chắn sơ sài. Khi các sơn nữ ngồi hẳn xuống ngâm mình cũng là lúc chiếc váy được cuốn cao lên đầu ôm gọn lấy mái tóc mây búi cao khoe chiếc gáy trắng ngần một cách vô cùng khéo léo. Ẩn hiện giữa làn hơi nước mờ tỏ là thân hình các cô gái Thái với cơ thể đầy đặn, bờ vai trắng mịn hiện ra trước mắt chúng tôi.



Phụ nữa dân tộc Thái tắm ở suối Púng Hon.


Phụ nữa dân tộc Thái nô đùa trên suối Púng Hon.


Những người phụ nữ Thái  tung nước trên dòng Púng Hon.


Người Thái bản Liềng đưa cả những đứa trẻ mới sinh đến tắm bên dòng Púng Hon.


Con suối Púng Hon bốn mùa ăm ắp nước.

Ý thức được việc thiên nhiên ưu ái ban tặng cho dòng nước nóng nên người Thái ở Bản Liềng rất chú trọng giữ vệ sinh cho dòng suối, quanh khu vực dòng suối tuyệt không thấy một chút rác bẩn nào. Không giấu nổi vẻ tự hào, ông Thuận nói rằng, phụ nữ Bản Liềng mỗi khi ra đây tắm đều mong được đẹp như Nàng Huổi khi xưa nên họ trân trọng và giữ gìn dòng nước ghê lắm.

Nếu buổi chiều suối Púng Hon thuộc về các thiếu nữ thì sớm mai, nơi đây thuộc về những người già. Sáng nào cũng thế, bất kể xuân hay hạ, thu hay đông, những người có tuổi ở Bản Liềng đều tụ tập về đây. Ông Lèo Văn Chai - nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, năm nay hơn 80 tuổi, nhưng trông còn trẻ lắm. Ông bảo, nước nóng ở Púng Hon cho người già ở bản nước da hồng hào, khiến con ma bệnh tật không thể xâm nhập vào cơ thể. Bởi thế, như một vị thuốc trời ban, bất kể ai thấy xương khớp mỏi đau, đều ra đây ngâm nước. Hơi nước ngai ngái, nóng hôi hổi xông vào huyết quản khiến mệt mỏi tan biến, thay vào đó là sự sảng khoái, khoáng đạt nhẹ nhàng.

Ông Chai bảo, người Bản Liềng ít bệnh lắm, có lẽ là nhờ suối nước trời ban này./.

 
Thực hiện: Nhung Nguyễn

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nằm khu vực Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình trưng bày hơn 150.000 hiện vật, chứng tích lịch sử vô giá về những cuộc chiến tranh ở Việt Nam (đặc biệt là 2 cuộc chiến chống thực dân và đế quốc) nhằm giúp du khách tham quan tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đầy tự hào của quân và dân ta.

Top