Tiềm năng địa phương

Hoa kiểng Chợ Lách

Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng Tây Nam bộ với nghề trồng hoa và cây kiểng. Nghề trồng hoa và cây kiểng trải dài trên một vùng rộng lớn ở các xã Vĩnh Thành, Cái Mơn, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới. Đây là nơi cung cấp phần lớn các loại cây giống, hoa kiểng cho toàn quốc và xuất khẩu.
Trải qua gần trăm năm gây dựng với bao thăng trầm, có lúc tưởng như tàn lụi, nhưng giờ đây mỗi năm làng nghề này đang mang về một khoản lợi nhuận ước gần 100 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Nơi đây còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn mang đậm nét miệt vườn Nam bộ. Những ngày này, càng gần đến Tết, không khí buôn bán ở làng hoa kiểng Chợ Lách lại càng như nhộn nhịp hẳn lên.
 

Một nhà vườn trồng hoa Tết ở Chợ Lách.

Càng gần đến Tết, không khí mua bán càng nhộn nhịp.

Một cụm cây kiểng hình rồng được tạo dáng bằng cây tắc (quất)

Những chiếc lọ độc bình khổng lồ bằng cây kiểng của nghệ nhân Nguyễn Văn Công.

Lầu tứ giác làm bằng cây kiểng.

Theo nhiều bậc cao niên trong nghề trồng hoa kiểng ở Chợ Lách, người đầu tiên đặt nền móng cho nghề này là ông Phan Văn Minh và Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký) ở xã Vĩnh Thành. Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, từ những chuyến công du các nước Đông Nam Á, hai ông đã mang một số giống cây mới về trồng. Từ đó, nhiều người dân đã chuyển từ nghè trồng lúa sang trồng hoa kiểng.
Mỗi dịp Tết đến, vùng hoa kiểng Chợ Lách cung ứng khoảng 6 đến 8 triệu sản phẩm cho cả Đồng bằng sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ với nhiều loại hoa truyền thống như: vạn thọ, hoa giấy, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, thược dược, cẩm chướng…
Anh Nguyễn Văn Lâm ngụ tại xã Vĩnh Hòa, người có khoảng 1000m2 đất trồng mai chiếu thủy, cho biết: “Với hơn 2000 gốc mai kiểng đó, trừ mọi chi phí, Tết này tôi cũng thu về được gần 250 triệu đồng.”.
Theo nhu cầu của thị trường, nghề trồng hoa và cây kiểng cũng được các nhà vườn cải tiến dần cho phù hợp. Nếu như hơn 30 năm trước, các xã Vĩnh Thành, Cái Mơn, Vĩnh Hòa… được biết đến với nhiều loài hoa, thì hiện nay cây kiểng đã phát triển rất mạnh với nhiều loại như: bonsai, mai vàng, mai chiếu thủy, tắc (quất), cây xanh phục vụ công trình... nhưng hấp dẫn nhất có lẽ là các loại kiểng thú. Nhiều nhà vườn đã mạnh dạn đầu tư vài ha đất để kinh doanh cây kiểng, đem lại thu nhập khá cao.
 

Tuốt lá để mai vàng nở đúng vào dịp Tết.

Làm khung sắt tạo hình cho cây kiểng cỡ lớn.

Công nhân đang tạo hình cho một nhà kiểng cỡ lớn.

Đôi bàn tay khéo léo của người trồng hoa Chợ Lách.

Đã tạo nên nhiều cây kiểng đẹp và có giá trị.

Điển hình như cơ sở trồng cây kiểng thú Năm Công của nghệ nhân Nguyễn Văn Công, xã Hưng Khánh Trung B, Chợ Lách, Bến Tre. Để đáng ứng nhu cầu chơi Tết năm con Rồng, năm nay ông trồng được trên 30 cặp kiểng hình rồng và nhiều sản phẩm kiểng thú các loại. Trong đó đáng chú ý có cặp kiểng rồng dài 54m được nghệ nhân Nguyễn Văn Công làm mất gần nửa năm trời. Bình quân giá mỗi cặp rồng có kích thước từ 5 – 7m dao động trong khoảng từ 14 – 17 triệu đồng/cặp. Ngoài các loại hình kiểng thú, các nhà vườn còn làm thêm các loại kiểng mang hình chùa một cột, nhà vòm, nhà lục giác… theo đơn đặt hàng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách, toàn huyện có gần 3000 hộ tham gia sản xuất kinh doanh hoa kiểng, sử dụng hơn 60 ha đất nông nghiệp để sản xuất hoa kiểng mỗi năm. Giá trị sản xuất đạt từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng/ha. Thị trường tiêu thụ chính của làng hoa kiểng Chợ Lách là Tp. HCM, các tỉnh thành khác trong nước và một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Để hoa kiểng Chợ Lách ngày càng phát triển, tỉnh Bến Tre cùng với các ban ngành liên quan đang thực hiện nhiều chính sách giúp đỡ người trồng hoa như hỗ trợ vốn, kĩ thuật, tìm kiếm mở rộng thị trường và ổn định đầu ra cho sản phẩm… Với chủ trương này, hi vọng nghề trồng hoa kiểng truyền thống ở Chợ Lách sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, để cho mỗi mùa hoa Tết càng thêm đậm đà hương sắc quê hương./.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

Ứng dụng công nghệ cao tại trang trại nông nghiệp sạch Phúc Thành

Ứng dụng công nghệ cao tại trang trại nông nghiệp sạch Phúc Thành

Tọa lạc giữa vùng đất màu mỡ của huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, trang trại hữu cơ Phúc Thành đã trở thành một điểm sáng trong phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Được thành lập cách đây hơn một thập kỷ, trang trại không chỉ là nơi sản xuất nông sản chất lượng cao mà còn là một mô hình tiên phong về nông nghiệp hữu cơ tại khu vực.

Top