Khám phá

Độc đáo nghề truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận đã phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức Triển lãm “Làng nghề truyền thống người Chăm Ninh Thuận” nhằm giới thiệu tới công chúng những nét tiêu biểu của làng nghề truyền thống người Chăm tại Tp. Hồ Chí Minh.
Đến với Triển lãm “Làng nghề truyền thống người Chăm Ninh Thuận”, công chúng được tham quan, tìm hiểu 29 hình ảnh, 184 hiện vật, tài liệu khoa học về sản phẩm, kỹ thuật làng nghề thủ công truyền thống người Chăm ở Ninh Thuận. Đó là các làng nghề gốm mỹ nghệ, dệt thổ cẩm và thuốc nam với những đặc trưng văn hóa Chăm riêng biệt được khắc họa một cách sinh động. Qua đó làm nổi bật vị trí, vai trò của người phụ nữ vốn luôn được đề cao trong gia đình, dòng tộc và trong đời sống lao động sản xuất, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Chăm.
 

Phụ nữ Chăm ở Ninh Thuận có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn nghề gốm truyền thống.


Người Chăm có nghề làm gốm từ rất lâu đời.


Phụ nữ Chăm cũng rất nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm.


Gian trưng bày giới thiệu nghề dệt truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận.


Khung dệt của người Chăm Ninh Thuận.

Riêng phần trưng bày làng nghề làm thuốc Nam, triển lãm đã giới thiệu 100 danh mục thuốc Nam được người Chăm nghiên cứu dùng để chữa các bệnh phổ biến trong đời sống. Triển lãm cũng giới thiệu bộ sưu tập gốm Chăm cổ với 14 hiện vật dùng trong sinh hoạt và nghi lễ của người Chăm (niên đại từ thế kỷ 13-18).

Hiện tỉnh Ninh Thuận là nơi tập trung đồng bào Chăm đông nhất cả nước và cũng lưu giữ khá đậm nét và đa dạng bản sắc văn hóa cộng đồng người Chăm. Những hình ảnh, hiện vật tại triển lãm “Làng nghề truyền thống người Chăm Ninh Thuận” nằm trong tổng thể văn hóa Chăm được trưng bày trong không gian Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ Tp. Hồ Chí Minh giúp người xem có thêm hiểu biết về những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm Ninh Thuận.

Anh Nguyễn Văn Sâm, sinh viên Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh tham quan Triển lãm cho biết: “Chúng tôi rất cần các triển lãm trưng bày theo từng chuyên đề như thế này để được khám phá sâu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc ở nhiều địa phương, vùng miền… Tôi cũng rất ấn tượng trước vẻ tinh xảo và độc đáo của các sản phẩm gốm mỹ nghệ hay thổ cẩm của phụ nữ Chăm Ninh Thuận”.


Gian trưng bày giới thiệu trang phục truyền thống của người Chăm Ninh Thuận.


Sản phẩm túi thổ cẩm của người Chăm Ninh Thuận.


Các loại hoa văn, họa tiết thường thấy trên sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Chăm.


Sản phẩm vải được dệt trên khung khổ rộng.


Dệt vải thổ cẩm.


Lu đội nước của người Chăm.


Nồi hấp bánh bằng gốm.


Nồi đúc bánh canh bằng gốm.


Sản phẩm thuốc Nam làm từ cây ba vỏ dùng chữa bệnh đau nhức xương, tê thấp... của người Chăm.

Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết, nghề thủ công truyền thống người Chăm Ninh Thuận mang đậm nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn của người Chăm. Tuy nhiên, những nghề truyền thống nổi tiếng từng được biết đến của người Chăm như nghề làm nón, bánh tráng, làm chiếu… đến nay đã không còn được lưu truyền. Các nghề truyền thống được trưng bày tại triển lãm gồm nghề dệt thổ cẩm, nghề thuốc Nam và nghề gốm chỉ thực sự được lưu truyền với công lao của phụ nữ Chăm Ninh Thuận, bởi họ chính là người luôn nắm vai trò thiết yếu trong việc điều hành sản xuất của các làng nghề và họ cũng là nhân tố chính để tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình./.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

Linh thiêng Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Linh thiêng Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Trong khuôn khổ chương trình “Biển đảo trong lòng đồng bào”, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vừa được người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trang trọng tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Đây không chỉ là nghi lễ tôn vinh những binh phu xưa đã bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam mà còn là minh chứng sống động khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

Top