Xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có hơn 30 hộ gia đình làm nghề điêu khắc tượng đá và 10 xưởng điêu khắc lớn, thu hút khoảng 100 lao động địa phương và 200 người ngoài tỉnh tham gia sản xuất.
Nghề điều khắc đá ở Phụng Châu đã có từ lâu đời nhưng vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước nó trở nên mai một. May nhờ có nghệ nhân Nguyễn Văn Củng (80 tuổi) cùng các thợ giỏi Phụng Châu tâm huyết truyền lại bí quyết nghề tạc đá cho lớp trai trẻ nên người dân Phụng Châu bắt đầu trở lại với nghề điêu khắc đá bằng cả nỗi đam mê và lòng nhiệt huyết. Dẫu nguyên liệu đá mỹ nghệ cất công mua xa tận Thanh Hóa, Đà Nẵng nhưng người dân hai làng Long Châu Miếu, Long Châu Sa trong xã với sự tài khéo đã tạo cho sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Sản phẩm làng nghề điêu khắc đá Phụng Châu được nhiều người ưa chuộng bởi sự cầu kỳ cùng với đường nét hoa văn tinh xảo, thanh thoát trong chạm khắc. Từ vài mẫu truyền thống, hiện nay sản phẩm điêu khắc đá Phụng Châu đã khá đa dạng, nhất là các loại tượng với hàng trăm phong cách, kích cỡ khác nhau. Từ các loại dùng trưng bày sân vườn, trang trí nội thất như sư tử, tiên cá, mục đồng, phù điêu, câu đối… tới các loại tượng thờ như Phật Bà Quan Âm, La Hán, ông địa, ngựa, voi, rùa đội bia...

Nghề làm đá ở Phụng Châu đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đối với người thợ điêu khắc đá Phụng Châu, điêu khắc đá là một nghề kiếm sống khá đặc biệt, bởi tuy vất vả nhưng giàu tâm hồn nghệ sĩ.

Kỹ thuật điêu khắc đá đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và bàn tay tài hoa của người thợ.

Trại điêu khắc “Tình hữu nghị Việt - Lào” tổ chức tại làng nghề điêu khắc đá Phụng Châu.

Thợ điêu khắc đá Phụng Châu nổi tiếng với kỹ thuật tạc tượng.

Đôi bàn tay tài hoa của người Phụng Châu đã làm nên nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo.

Tượng đá La Hán của Phụng Châu được tạc rất có hồn.

Từng đường nét và thần thái của bức tượng được thể hiện rất sống động. |
Nghề điêu khắc đá Phụng Châu phát triển cũng nâng cao đời sống người dân trong vùng, thu hút lao động tại chỗ và vùng phụ cận. Nhiều loại hình kinh doanh hỗ trợ nghề chạm khắc đá cũng nhờ đó mà phát triển theo.
Lao động thợ thủ công ở các xưởng sản xuất có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định bình quân đạt từ 2 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện phần lớn sản phẩm đá mỹ nghệ ở Phụng Châu sản xuất theo yêu cầu của các công trình trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh... của ngành văn hóa. Các xưởng sản xuất có đơn đặt hàng quanh năm, quy mô sản xuất ở Phụng Châu ngày càng mở rộng, phát triển.
Anh Nguyễn Văn Trường, con út nghệ nhân Nguyễn Văn Củng, Giám đốc Công ty TNHH Điêu khắc đá Trường Nguyệt, đơn vị từng thi công nhiều công trình lớn cho biết, công ty của anh đã đảm nhận công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pắc Bó - Cao Bằng, hoàn thành chế tác theo mẫu 19 tác phẩm tình hữu nghị Việt - Lào do 15 nhà điêu khắc Việt Nam - Lào sáng tác.
Mới đây nhất, năm 2012, tài năng của người thợ chế tác đá làng Long Châu Miếu (Phụng Châu) lại có dịp được khoe sắc tại các trại điêu khắc quốc tế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ