Phóng sự chuyên đề

Đảo Ngọc Phú Quốc

Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang có lợi thế quan trọng trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Phú Quốc có tiềm năng rất to lớn trong phát triển kinh tế biển và du lịch, nên đang được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển thành một Đặc khu Hành chính - Kinh tế trong tương lai gần.
Thiên đường trên vùng biển Tây Nam
Cái tên Phú Quốc đã trở nên quen thuộc trên thế giới. Chỉ cần vào trang tìm kiếm Google trên internet, gõ tên địa danh Phú Quốc, lập tức chỉ trong tích tắc đã có đến trên 3,5 triệu kết quả. Từ những thông tin này đã cho tôi đầy đủ sự lựa chọn từ cách thức di chuyển bằng đường thủy hay đường hàng không, nơi ăn nghỉ và các địa danh du lịch nổi tiếng ở Phú Quốc để chuẩn bị cho hành trình khám phá hòn đảo này của mình.

Từ Tp. Hồ Chí Minh, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp quyết định chọn đường thủy từ Rạch Giá, thủ phủ của tỉnh Kiên Giang để ra Phú Quốc. 8 giờ sáng, chuyến tàu biển cao tốc khởi hành từ Rạch Giá, trên tàu có khoảng 300 hành khách cả người Việt lẫn du khách nước ngoài. Sau chừng 2 tiếng đồng hồ, Phú Quốc đã hiện ra trước mắt.

Dương Đông, thị trấn trung tâm của huyện đảo Phú Quốc khá đông vui nhộn nhịp. Không khó để tìm một khách sạn lưu trú. Theo tư vấn của bà chủ khách sạn, hai chúng tôi thuê một chiếc xe máy với giá 200 nghìn/ngày và mua một tấm bản đồ Phú Quốc để chủ động cho chuyến khám phá đảo.

Địa chỉ đầu tiên trong hành trình là nhà lao Cây Dừa, nằm ở phía Bắc của đảo, cách thị trấn Dương Đông chừng 30km. Những năm trước 1975, đây là nhà tù khét tiếng của chính quyền Sài Gòn cũ, là nơi giam giữ và tra tấn khoảng 40 nghìn tù binh cộng sản. Ngày nay, nhà lao Cây Dừa đã được đầu tư phục dựng lại để phục vụ khách tham quan. Nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là cách nơi này chỉ 2km là bãi Sao, một bãi biển được ví như đệ nhất bãi biển ở Phú Quốc, luôn đông khách đến tắm biển, nghỉ ngơi. Chỉ với hai địa danh ở khu vực phía Bắc hòn đảo này, chúng tôi đã hình dung được phần nào câu chuyện về quá khứ và hiện tại ở Phú Quốc.
 

Đảo Phú Quốc có bờ biển dài 150km với những bãi cát trắng mịn, đẹp nổi tiếng đã có tên trong bản đồ
du lịch Việt Nam và thế giới như: bãi Sao, bãi Khem, bãi Dài, bãi Trường, bãi Ông…. Ảnh: Lê Minh.


Khu Chen Sea Resort & Spa tọa lạc trong một khu vịnh yên tĩnh
và được thiết kế  với ý tưởng từ một làng chài ven biển trên Bãi Ông. Ảnh: Lê Minh.


Tại bãi Sao và bãi Trường du khách có thể trải nghiệm trên thuyền nhỏ của ngư dân bản địa
với giá khoảng 10 USD/ 3 tiếng để khám phá các địa danh quanh đảo. Ảnh: Lê Minh.


Đi mô tô nước trên những bãi biển lặng sóng ở Phú Quốc là lựa chọn hàng đầu của du khách
khi khám phá hòn đảo này. Ảnh: Lê Minh.


Câu cá trên biển, loại hình dịch vụ du lịch được nhiều du khách lựa chọn khi đến Phú Quốc.
Du khách sẽ được chính những ngư dân trên đảo hướng dẫn cách câu,
chế biến và thưởng thức các sản phẩm mà mình câu được. Ảnh: Tư liệu BAVN.


Du khách nước ngoài thuê xe gắn máy khám phá những cảnh quan hoang sơ trên đảo Phú Quốc.
Tại tất cả các nhà nghỉ, khách sạn trên đảo Phú Quốc đều có dịch vụ cho du khách thuê xe gắn máy
với giá tiền 100 - 200 nghìn đồng/ngày. Ảnh: Thông Thiện.


Với lợi thế 2/3 diện tích đảo Phú Quốc là rừng nguyên sinh và được bảo tồn nghiêm ngặt tạo nên cảnh quan kỳ thú
như suối Đá Bàn, Đá Ngọn rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch rừng giữa biển. Ảnh: Lê Minh.


Du khách tham quan Dinh Cậu trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Lê Minh.


Du khách mua đồ lưu niệm ở chợ đêm Dinh Cậu. Ảnh: Lê Minh.
 
«
          Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, có diện tích 573km2, dài 50km, nơi rộng nhất 25km. Khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, ít biến động, quanh năm ấm áp. Phú Quốc hiện có 219 dự án đầu tư đã được quy hoạch với diện tích 10.470ha, trong đó có 145 dự án về du lịch.
                    »
Bãi Sao chạy dài khoảng 3km theo hình cánh cung với bãi cát trắng mịn và nước biển trong xanh. Ở đây có đủ các loại hình vui chơi phục vụ khách du lịch như mô tô nước, chèo thuyền kayak hay đi thuyền cùng ngư dân khám phá cảnh quan biển…

Ngày thứ hai, theo chỉ dẫn trên bản đồ du lịch chúng tôi đi về phía Nam đảo Phú Quốc, cách thị trấn Dương Đông chừng 40km, nơi có nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ như bãi Trường, bãi Kem, bãi Ông…

Dài chừng 30km, bãi Trường là một trong những bãi biển dài nhất ở Phú Quốc. Nơi đây đang có nhiều dự án du lịch đang được triển khai khiến chúng tôi thấy bãi Trường như một đại công trường. Anh Nguyễn Văn Tính, một ngư dân sinh sống ở bãi Trường cho biết: “Trước đây, khách du lịch đến bãi Trường chỉ để thăm thú cảnh quan, rồi lại đi vì không có nơi lưu trú và thiếu các dịch vụ du lịch. Từ khi bãi Trường có các dự án du lịch, người dân chúng tôi cũng sống được nhờ vào các dịch vụ phục vụ du lịch như bán các mặt hàng thủy hải sản, các đồ lưu niệm địa phương”.

Một khu du lịch mới được xây dựng hoành tráng nhất bãi Trường là khu du lịch nghỉ dưỡng Sunset Sanato, với tổng diện tích 24,7ha bao gồm các phân khu chức năng hiện đại như khu biệt thự, khu spa, khu nhà hàng và khu thương mại dịch vụ… Tất cả đều nằm sát ven biển tạo cho du khách đến đây luôn được đắm mình trong không gian biển.

Đi dọc theo tuyến đường ven biển chúng tôi đến Chen Sea Resort & Spa ở bãi Ông. Chen Sea Resort được ví như nét vẽ cuối cùng tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ của bãi Ông.

Tại đây, chúng tôi gặp Fany, một cô gái Pháp gốc Việt xinh tươi. Cô tâm sự: “Tôi chưa từng đến nơi nào có nhiều bãi biển hoang sơ và đẹp như ở Phú Quốc. Hầu như năm nào gia đình tôi cũng về thăm quê hương và lần nào chúng tôi cũng dành ít ngày để ra nghỉ ở Phú Quốc”.

Xe máy của chúng tôi xuôi tiếp về hướng Nam để đến bãi Kem, chỉ chừng 30 phút là chúng tôi được đi giữa những cánh rừng cỏ tranh xanh ngút chạy dài. Rừng núi nhấp nhô vươn ra biển tạo nên một cảnh quan biển yên tĩnh cho bãi Kem. Ở đây, du khách thỏa thích tắm biển, câu cá, bắt ốc rồi nổi lửa lên để thưởng thức cùng với tiếng sóng vỗ và gió biển.

Vóc dáng một Đặc khu Hành chính - Kinh tế trong tương lai
Thời điểm này đang vào mùa gió Tây Nam, chúng tôi lên đồi cao nhìn xuống, Phú Quốc hiện lên như một thiên đường du lịch với những bờ biển phẳng lặng, những bãi cát trắng dài miên man, những rừng cây, ghềnh đá và ghe tàu đậu san sát trên biển lấp lánh như những hạt ngọc nối kết vào nhau. Thỉnh thoảng lại được ngắm nhìn những chiếc máy bay lúc thì như sà xuống biển, lúc lại ngóc đầu lên trời xanh. Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc vừa được đầu tư rất hiện đại, có thể tiếp nhận những loại máy bay lớn như Boeing 777, 747 - 400 và tương đương, công suất 2,5 - 3 triệu lượt khách/năm. Trong thời gian tới, ngoài các đường bay trong nước, các đường bay quốc tế đến đây cũng sẽ được khai trương để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nước ngoài. Đầu tiên, theo kế hoạch sẽ có đường bay thẳng từ LB Nga đến Phú Quốc, bởi có lượng khách du lịch đến đây chiếm tới hơn 30% trên tổng số gần 100 nghìn lượt khách quốc tế đến Phú Quốc mỗi năm.

Ngoài đường hàng không, ngay từ năm 2008, Cảng biển Quốc tế An Thới hiện đại đã được xây dựng với năng lực tiếp nhận 440.000 hành khách/năm và bốc xếp 28.000 tấn hàng hóa/năm.
 

Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc có thể tiếp nhận các loại máy bay cỡ lớn
như Boeing 777, 747 - 400 và tương đương. Ảnh: Đức Tám - TTXVN.


Cảng An Thới đã được đầu tư xây dựng khang trang với sức chứa 600 tàu thuyền công suất lớn. Ảnh: Lê Minh.


Khu đô Thị An Thới đang được xây dựng để trở thành một khu kinh tế hậu cần nghề biển
và phát triển các dịch vụ vận tải biển trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Lê Minh.


Hằng ngày có 4 chuyến tàu cao tốc chở khách du lịch từ Rạch Giá và Hà Tiên ra đảo Phú Quốc
với lưu lượng 1200 hành khách/ngày. Ảnh: Tư liệu BAVN.


Nhộn nhịp hoạt động nghề cá ở cảng An Thới. Ảnh: Lê Minh.


Phú Quốc có hơn 80 cơ sở chuyên chế biến nước mắm
với sản lượng hằng năm cung cấp cho thị trường từ 500 - 700 nghìn lít. Ảnh: Lê Minh.


Phú Quốc đã phát triển được hơn 400 ha diện tích trồng tiêu trên đảo. Ảnh: Lê Minh.


Du khách tham quan mua ngọc trai Phú Quốc tại chợ đêm Dinh Cậu. Ảnh: Lê Minh.

Ngay tại con đường chính vào Cảng, một tấm biển lớn mô tả quy hoạch nơi này sẽ hình thành một khu đô thị cảng quốc tế với chức năng làm đầu mối kỹ thuật, trung tâm tiếp vận thương mại, dịch vụ du lịch cho toàn đảo Phú Quốc. Khu đô thị An Thới cùng với khu đô thị du lịch Dương Đông sẽ là hai trung tâm hành chính, kinh tế, thương mại lớn của Phú Quốc. Chỉ vài năm nữa thôi, chúng tôi tin dáng dấp về một thành phố biển hiện đại sẽ hiện hữu ở nơi này.

Nhiều du khách trong và ngoài nước đã từng biết Phú Quốc được mệnh danh là “vương quốc” của những sản vật nổi tiếng như nước mắm, hồ tiêu, ngọc trai… Nhưng một sự kiện gần đây lại càng làm cho cái tên Phú Quốc trở nên nổi tiếng hơn khắp Châu Âu, đó là ngày 19/8/2013, ông Franz Jessen, Đại sứ - Trưởng phái đoàn của Ủy ban Châu Âu (EU) tại Việt Nam đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ được bảo hộ (PDO) “Phú Quốc” của EU cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc.

Chủ tịch hội nước mắm Phú Quốc bà Nguyễn Thị Tịnh cho biết, chinh phục được khách hàng khó tính Châu Âu không hẳn dễ dàng và sở dĩ nước mắm Phú Quốc nổi tiếng là nhờ kinh nghiệm truyền thống và bí quyết riêng của người làm nước mắm, nguyên liệu sử dụng duy nhất là cá cơm than và được ủ chượp trong thùng gỗ được làm bằng gỗ cây bời lời. Chính những yếu tố riêng biệt này đã tạo ra loại nước mắm Phú Quốc thơm ngon đặc biệt, luôn cho độ đạm ổn định từ 30 - 40% và độ mặn sát khuẩn luôn ở mức 25%.

Giờ đây người làm nước mắm Phú Quốc lo giữ thương hiệu còn hơn giữ vàng. Bởi con đường đến Châu Âu của nước mắm Phú Quốc đã gian nan bao nhiêu thì để sản phẩm này đứng chân lâu dài được ở thị trường này còn khó khăn gấp bội phần. Chính vì thế, hơn 80 cơ sở làm nước mắm ở Phú Quốc luôn tuân thủ một quy tắc nghề nghiệp mang tính sống còn, đó là chỉ sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống, không sử dụng bất cứ một loại chất phụ gia hay bảo quản nào.

Cây tiêu đã được trồng ở Phú Quốc từ hàng trăm năm nay. Đây được xem là một đặc sản của “đảo ngọc”, chỉ sau nước mắm. Hơn 400ha tiêu đạt chuẩn Global Gap, luôn đảm bảo những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, cho sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2015, Phú Quốc phấn đấu trồng 1.000ha hồ tiêu, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là tiếp tục giữ vững sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương phục vụ khách du lịch.

Ngoài hai đặc sản truyền thống nổi tiếng trên, bây giờ Phú Quốc còn nổi tiếng là vùng nuôi trồng ngọc trai nhân tạo lớn của Việt Nam. Là vùng biển sạch, có nhiều đảo nên kín gió, sóng lặng, rất thuận tiện cho việc nuôi trồng ngọc trai. Ngọc trai ở Phú Quốc to, sáng, bóng và có nhiều màu sắc đẹp lung linh như hồng, trắng, đen.

Ông Michel, chuyên gia ngọc trai đến từ Australia đang làm cho doanh nghiệp ngọc trai Ngọc Hiền của Phú Quốc, khẳng định: “Phú Quốc là một trong những nơi cho ra đời loại ngọc trai nuôi có chất lượng đẹp và tốt nhất trên thế giới”.

Doanh nghiệp Ngọc Hiền là cơ sở sản xuất, chế biến ngọc trai lớn nhất Phú Quốc với hơn 200ha mặt nước nuôi cấy ngọc trai. Cửa hàng bày bán sản phẩm ngọc trai của doanh nghiệp lúc nào cũng nhộn nhịp du khách đến mua làm quà lưu niệm.

Với những lợi thế đặc biệt, Phú Quốc đã được Chính phủ phê duyệt phát triển thành một Đặc khu Hành chính – Kinh tế vào năm 2020 để trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp của quốc gia và quốc tế; là trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng./.
Bài: Thông Thiện - Ảnh: Lê Minh, Thông Thiện & Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Bài: Thông Thiện - Ảnh: Lê Minh, Thông Thiện & Tư liệu Báo Ảnh Việt Nam

Có một Thành phố Hồ Chí Minh xanh bên sông Sài Gòn

Có một Thành phố Hồ Chí Minh xanh bên sông Sài Gòn

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố sông nước bởi ở đây có ba con sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, cùng hệ thống kênh rạch lớn nhỏ lan tỏa khắp thành phố tạo nên những không gian đô thị độc đáo bên sông. Thành phố quy hoạch phát triển không gian đô thị dọc sông Sài Gòn nhằm tạo dựng một đô thị sông nước xanh và hiện đại. Đến nay, bức tranh về một đô thị xanh bên sông Sài Gòn đoạn khu vực trung tâm của thành phố đã dần định hình với diện mạo hiện đại, trẻ trung, năng động.

Top