Đời sống Việt

Con nuôi lính biên phòng trên cao nguyên Đá

Hưởng ứng chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, các chiến sĩ biên phòng trên cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đã nhận nuôi dưỡng và chăm sóc hàng chục em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tháng 3 năm 2016 là thời điểm không thể nào quên của ba chị em Vàng Thị Chá, Vàng Thị Sáu, Vàng Thị Chở ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Bởi từ đây cuộc đời các em sang trang mới khi được cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Phó Bảng về tận nhà xin phép gia đình đón về đồn nuôi dưỡng.

Khi đó, ba chị em dù nhỏ tuổi nhưng đã phải trải qua những biến cố lớn trong cuộc đời. Bố mất vì bệnh, mẹ bỏ đi không về, cuộc sống của ba chị em dựa vào gia đình người bác ruột và bà nội. Tuy vậy, kinh tế của gia đình người bác rất eo hẹp, cả nhà phải chạy ăn từng bữa, che chở nhau sống qua ngày. Chuyện học hành của các em tưởng sẽ đứt đoạn, dang dở.

Giữa “cơn bão tố”, ấy may mắn đã mỉm cười với các em khi được các chiến sĩ biên phòng đồn Phó Bảng trao cơ hội để có cuộc sống mới. Quản lý địa bàn biên giới, trong đó có xã Sà Phìn, biết rõ hoàn cảnh éo le của ba chị em, Ban Chỉ huy đồn Biên phòng Phó Bảng đã quyết định nhận cả ba chị em làm con về nuôi dưỡng cho đến năm 18 tuổi.



Em Vàng Thị Chở và Thiếu tá Lê Mạnh Hợp, Phó Chính trị viên đồn Biên phòng Phó Bảng, người trực tiếp được phân công chăm sóc, nuôi dạy ba chị em.


Ở Đồn Biên phòng Lũng Cú, Thò Thị Dính gọi Thiếu tá Đỗ Đăng Nhiệm, Đồn trưởng là bố.



Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Phó Bảng dạy các con học.



Các em được hướng dẫn tận tình kỹ năng trong cuộc sống.



Sau năm năm làm con nuôi bộ đội, giờ lũ trẻ không chỉ sống vui vẻ, hoạt bát, hòa đồng mà còn tiến bộ vượt bậc trong mọi mặt.



Không chỉ tự lập các em còn giúp đỡ các chiến sĩ trong sinh hoạt tập thể của đơn vị.



Thiếu tá Quân y Nguyễn Đức Thành, đồn Biên phòng Phó Bảng thường xuyên chăm lo sức khỏe cho ba đứa con nuôi của đồn.



Kệ giày, dép của hai chị em Vàng Thị Chở ở phòng riêng. Phần lớn trong số này là những món quà do những ông bố Biên phòng mua cho các em.



Hai chị em Vàng Thị Sáu, Vàng Thị Chở tham gia chăm sóc vườn rau xanh tại đồn Biên phòng Phó Bảng.



Các ông bố biên phòng thường nhờ cô giáo hay vợ những người lính sống gần đồn đến chia sẻ
với những cô con nuôi về những chuyện tế nhị, khó nói.



Cuộc sống của những đứa con nuôi đồn Biên phòng đã sang trang mới khi sống ở đồn.

Cùng trong hoàn cảnh éo le, Thò Thị Dính (sinh năm 2005) cùng hai em là Thò Mí Và (sinh năm 2008), Thò Thị Xúa (sinh năm 2012) ở xã Ma Lé cũng được cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Lũng Cú đón về đồn. Đồn Biên phòng Phó Bảng và đồn Biên phòng Lũng Cú là hai đơn vị triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” sớm nhất trên địa bàn biên giới Hà Giang.

Nói về những ngày đầu làm con nuôi đồn Biên phòng Phó Bảng, Vàng Thị Sáu nói: “Về sống ở đây, cháu được coi như con. Ba chị em được bố trí phòng ngủ riêng, ăn cơm cùng mọi người, được mua chăn màn, quần áo, sách vở, được đến trường...”.
 

Được biết, đến nay, ngoài tiền chi tiêu hàng tháng, số tiền dành dụm của các ông bố “Quân hàm xanh” ở đồn Biên phòng Lũng Cú đã lên đến hơn 200 triệu đồng.
Tại đồn Biên phòng Lũng Cú, Đồn trưởng,Thiếu tá Phan Đăng Nhiệm tâm sự: “Các ông bố biên phòng phần lớn xa gia đình, không có kinh nghiệm. Thêm nữa, các con là người dân tộc có phong tục, lối sống khác nhau, lại là nữ... Nhưng không phải khó là không làm, đồn Lũng Cú coi đây là nhiệm vụ đặc biệt. Ban Chỉ huy đồn xác định các em như những “đứa con” của đồn Biên phòng. Những cán bộ, chiến sĩ là những người cha đúng nghĩa. Để nuôi các em, ngoài những khoản đóng góp của những nhà hảo tâm, cán bộ chiến sĩ cũng tự nguyện quyên góp từ tiền lương hàng tháng để lập quỹ”.

Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các con tuổi mới lớn cũng là việc khó đối với các chiến sĩ. Đồn phân công các cán bộ thường xuyên chăm sóc, gần gũi các con. Với những chuyện tế nhị, khó nói, các ông bố biên phòng nhờ cô giáo hay vợ những người lính sống gần đồn đến giảng giải, chia sẻ với các con.

Sau năm năm làm con nuôi bộ đội, giờ lũ trẻ không chỉ sống vui vẻ, hoạt bát, hòa đồng mà còn tiến bộ vượt bậc trong mọi mặt. Nhờ sự chăm nuôi, chỉ dạy chu đáo của những ông bố mang quân hàm xanh, hầu hết các cháu là con nuôi đồn biên phòng ở nơi đây đều có tác phong sinh hoạt nề nếp, đạt được kết quả học tập tốt. Không chỉ tự lập, chăm chỉ học tập, các em còn giúp đỡ các chiến sĩ vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm tối, tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể của đơn vị.

Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ cưu mang những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, mà còn góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa những người lính biên phòng với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới./.

 
Bài và ảnh: Việt Cường

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Thay vì những không gian thưởng thức cà phê đường phố ồn ào, náo nhiệt như thường thấy thì giờ đây mô hình những quán cà phê mang phong cách đồng quê đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng vì ở đó người ta tìm thấy sự thư giãn bình yên, một liệu pháp chữa lành chứng quá tải của đời sống đô thị thời hiện đại. Và đó chính là sự thú vị mà Chic Chillax, một không gian thưởng thức cà phê mang đậm phong vị đồng quê xứ Quảng mà nhiều người khó có thể bỏ qua khi đến với phố cổ Hội An.

Top