Đời sống Việt

Chân dung các dân tộc Việt Nam qua ống kính của Rehahn

Nhiếp ảnh gia người Pháp Rehahn Croquevielle là một trong những tay máy nổi tiếng thế giới trong thời gian gần đây. Gần 10 năm qua anh chọn Việt Nam là điểm dừng chân để chuyên tâm thực hiện dự án ảnh đầy tham vọng “Di sản vô giá” với mục tiêu chụp ảnh chân dung 54 dân tộc Việt Nam. Triển lãm ảnh cùng tên của anh đang diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Réhahn sinh năm 1979 tại Normandy, một trong những địa danh lịch sử của nước Pháp. Anh là một trong những nhiếp ảnh gia quốc tế nổi bật nhất trong vài năm gần đây, thường xuyên đóng vai “nhân vật trải nghiệm” trong các chương trình truyền hình của National Geographic, BBC, Travel Live. Trên suốt chặng đường sáng tác, Rehahn đã đi qua 35 quốc gia trước khi chọn Việt Nam là quê hương thứ hai.
 
Năm 2008 Rehahn đến Sapa để chụp hình phong cảnh, nhưng sau chuyến đi này anh có thêm hàng ngàn bức ảnh về người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam. Những hình ảnh chân thực về con người và trang phục truyền thống độc đáo của họ đã cuốn hút, thôi thúc nhiếp ảnh gia trở lại Việt Nam và quyết tâm thực dự án ảnh không chỉ cho riêng anh, mà còn cho các thế hệ tương lai. Rehahn coi đó đó là sự tri ân đối với những con người hiền hậu anh đã gặp và chụp ảnh trên khắp dải đất Việt Nam.  
 
Gần 10 năm miệt mài sáng tác, nhiếp ảnh gia người Pháp đã chụp ảnh chân dung các đại diện 45 trong số 54 dân tộc Việt Nam. Mới đây anh tổ chức triển lãm ảnh mang tên “Di sản vô giá” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để giới thiệu với công chúng những khám phá mới mẻ của anh về con người và cuộc sống của những dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 1/10/2017. 
 

Nhiếp ảnh gia Rehahn giới thiệu với khách thăm quan triển lãm ảnh "Di sản vô giá". Ảnh: Hạ My


PGS.TS. Võ Quang Trọng - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tặng hoa cho nhiếp ảnh gia Rehahn tại lễ khai mạc triển lãm ảnh "Di sản vô giá". Ảnh: Hạ My


Nhiếp ảnh gia Rehahn trò chuyện cùng bà con dân tộc thiểu số tại triển lãm “Di sản vô giá”. Ảnh: Hạ My


Đông đảo khách thăm quan đã đến thăm triển lãm ảnh "Di sản vô giá" của Rehahn. Ảnh: Hạ My


Nhiếp ảnh gia Rehahn chụp ảnh cùng một số người dân tộc thiểu số
tại triển lãm “Di sản vô giá” diễn ra ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Hạ My

Khi xem 35 bức ảnh của Rehahn đang trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học công chúng như cảm thấy mình đang được trò chuyện với các đại diện của mỗi dân tộc thiểu số Việt Nam, được tận mắt ngắm nhìn những bộ trang phục độc đáo riêng có của họ. Những bức ảnh này không chỉ góp phần quảng bá và tôn vinh nền văn hoá đa dạng của Việt Nam, mà còn là thông điệp mong muốn mọi người cùng quan tâm và chung tay gìn giữ những nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Những dấu mốc đáng nhớ của Rehahn:

Tháng 1/2014: Phát hành cuốn sách ảnh đầu tiên mang tên “Vietnam, Mosaic of Contrasts” (Việt Nam, những mảnh ghép tương phản).

Tháng 10/2015: Bản sao cuối cùng của bức ảnh “Best Friends” (Những người bạn tốt) (1 x 1,5 m) được bán với giá 17.000$ cho một nhà sưu tập người Amsterdam và đã trở thành bức ảnh đắt giá nhất Việt Nam (Forbes Việt Nam).


Tháng 3/2016: Tác phẩm “Hidden Smile” (Nụ cười ẩn giấu) chính thức được đưa vào Bộ sưu tập của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội. Sự kiện này có sự hiện diện của bà cụ Xong (78 tuổi) là nhân vật trong bức ảnh.

Ngày 1/1/2017: Chính thức khai mạc Bảo tàng ảnh nghệ thuật Di sản vô giá tại Hội An, miền Trung Việt Nam.

Tháng 9/2017: Khai mạc triển lãm ảnh “Di sản vô giá” tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam.
Rehahn cho biết, sau cuộc hành trình đầu tiên tìm hiểu về các vùng miền núi phía Bắc Việt Nam, anh đã tận mắt chứng kiến sự phức tạp, đa dạng đan xen và sự tồn tại mong manh của các di sản văn hoá của những nhóm dân tộc thiểu số. Lo sợ những yếu tố đặc trưng dân tộc rồi sẽ mai một theo thời gian, Rehahn tập trung cao độ để hoàn thiện sớm dự án “Di sản vô giá”. Theo quan điểm của Rehahn, cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hoá của các nhóm dân tộc ít người là cho họ thấy được sự trân trọng từ bên ngoài cộng đồng, khiến họ cảm thấy tự hào về những di sản và phong tục cổ xưa của mình.
 
Mỗi bức ảnh của Rehahn đều có 1 câu chuyện riêng với những kỷ niệm khi tìm đến từng dân tộc. Anh nhớ rõ cảm giác xúc động khi được trưởng làng người Chơ ro, người Cơ Tu tặng lại bộ trang phục truyền thống cuối cùng của họ. Để chụp ảnh chân dung người Rơ Măm, Rehahn phải đợi 3 năm liền. Hoặc, khi đến gặp người La Hủ, anh ngỡ ngàng vì không một ai trong làng biết nói tiếng Việt… Nhưng trên hết là cảm giác hạnh phúc khi người chụp ảnh có được những bức ảnh ưng ý và thu thập được nhưng tư liệu quý.
 
Khó có thể kể hết số bước chân Rehahn đã đi đến hơn 100 bản làng xa xôi của Việt Nam để ghi lại câu chuyện ảnh về những dân tộc thiểu số. Anh đang và sẽ tiếp tục cuộc hành trình tìm gặp đầy đủ các dân tộc, cũng như các nhóm nhỏ để hoàn thành bộ sưu tập “Di sản vô giá”, triển lãm tại bảo tàng cá nhân của anh ở Hội An. Rehahn tiết lộ, vé vào cửa sẽ hoàn toàn miễn phí để đông đảo khách tham quan có cơ hội được hiểu biết hơn về sự đa dạng văn hoá của Việt Nam. Ngoài ra, nhiếp ảnh gia Pháp cũng đang lên kế hoạch đưa các đại diện của 54 dân tộc Việt Nam đến trình diễn văn hoá truyền thống của họ ở đô thị cổ Hội An.
 
Rehahn và gia đình đang sinh sống ở Hội An và hàng ngày anh vẫn miệt mài làm công việc của mình - chụp ảnh. Việt Nam đã trở thành mảnh đất anh yêu thương, tình yêu ngày càng đong đầy sau mỗi bước chân trên dải đất hình chữ S./.


Em bé dân tộc Mnong với người bạn của buôn làng. Ảnh: Rehahn


Người phụ nữ tết tóc, đặc trưng của dân tộc Hmong (đen). Ảnh: Rehahn


Chân dung phụ nữ dân tộc Bố Y. Ảnh: Rehahn


Em bé người dân tộc Bahnar. Ảnh: Rehahn


Người dân tộc Hrê. Ảnh: Rehahn


Trang phục của người dân tộc  Lô Lô. Ảnh: Rehahn


Trang phục người dân tộc Dao đỏ. Ảnh: Rehahn


Chân dung người dân tộc X’tiêng. Ảnh: Rehahn


Thiếu nữ dân tộc Lô Lô. Ảnh: Rehahn
 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Hạ My, Rehahn

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Thay vì những không gian thưởng thức cà phê đường phố ồn ào, náo nhiệt như thường thấy thì giờ đây mô hình những quán cà phê mang phong cách đồng quê đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng vì ở đó người ta tìm thấy sự thư giãn bình yên, một liệu pháp chữa lành chứng quá tải của đời sống đô thị thời hiện đại. Và đó chính là sự thú vị mà Chic Chillax, một không gian thưởng thức cà phê mang đậm phong vị đồng quê xứ Quảng mà nhiều người khó có thể bỏ qua khi đến với phố cổ Hội An.

Top