Trải qua hơn 400 năm tồn tại, cây cầu ngói chùa Lương ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vẫn tồn tại khá nguyên vẹn với những đường nét kiến trúc cổ kính và độc đáo mang đặc trưng của thời kì thế kỉ XVII – XVIII, thể hiện rõ nét sự tài hoa của những người thợ xứ Thành Nam xưa.
Cầu nằm cách chùa Lương (xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) khoảng hơn 100m và nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, gắn với chùa thành một cụm di tích. Vì vậy, dân trong vùng quen gọi cầu bằng cái tên: Cầu ngói chùa Lương. Ngoài ra, cầu còn có tên gọi khác là cầu chợ Lương, vì cầu nằm gần chợ Lương. Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình văn hóa cộng đồng của làng xã. Đây là nơi dân làng dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện mỗi khi đi chợ, đi lễ chùa, hoặc đi làm đồng về.
Theo các tài liệu thư tịch cổ, cầu ngói chùa Lương được xây dựng cùng thời với chùa Lương, tức vào khoảng thế kỉ XVI. Cầu bắc ngang sông Trung Giang, một con sông nhỏ chạy dọc theo xã Hải Anh. Cầu được dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu). Lúc đầu, cầu chưa có mái ngói, chỉ lợp cỏ đơn sơ. Đến thế XVII, cầu được trùng tu sửa chữa lại cho phù hợp với tầm vóc và cảnh quan chung của quần thể chùa Lương. Đặc biệt, lần trùng tu lớn vào năm 1922 đã tạo cho cầu có một dáng vẻ bề thế như ngày hôm nay.
Cầu ngói chùa Lương trông giống như một ngôi nhà dài nằm vắt mình mềm mại qua dòng sông Trung Lương.
Hệ thống khung mái cầu được làm bằng gỗ theo kĩ thuật làm nhà truyền thống.
Các vì kèo bằng gỗ được ghép chắc chắn với nhau bằng mộng.
Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là nơi dừng chân ngắm cảrh của du khách.
Hai đầu cầu có hai cổng vòm xây bằng gạch với lối kiến trúc khá đặc biệt.
Phía trên cổng vofmm cổng có hình hai con nghê nâng bức cuốn thư.
Hình con nghê được đắp nổi bằng vôi vữa khá tinh xảo.
Cổng vòm với họa tiết trang trí hình dơi và hoa lá.
Mái ngói vảy rồng vừa kín nước nhưng cũng vừa thông thoáng.
Khung cảnh làng quê thanh bình nhìn từ cầu ngói chùa Lương. |
Nhìn tổng thể, cầu có hình dáng giống như một ngôi nhà dài lợp ngói nằm vắt mình qua sông. Phần trên là một tổ hợp mái ngói với đầy đủ hệ thống các vì kèo giống như cách thiết kế của một ngôi nhà truyền thống. Phần dưới là thành cầu và sàn cầu. Phần trên và dưới liên kết với nhau bằng hệ thống các cột tròn dựng dọc hai bên thành cầu và hai cổng xây ở hai đầu cầu.
Cầu có cả thảy 9 gian được dựng chắc chắn trên 18 cột đá vuông. Phía trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ dầm cầu và nâng sàn cầu. Sàn cầu làm bằng gỗ lim, rộng 2m. Mái cầu lợp ngói vảy rồng, có hình dáng cong cong tựa như mình rồng đang uốn khúc. Toàn bộ cây cầu bên trên có mái che kín đáo nhưng bên dưới lại để nên vừa kín đáo những cũng lại vừa thông thoáng.
Phần mộc của cầu ngói chùa Lương tuy chạm khắc không cầu kì nhưng thể hiện rất rõ lối kiến trúc gỗ thuần Việt. Đặc biệt là qua sự bố trí các hàng chân cột, các kết cấu vì kèo và cách ghép mộng gỗ... Phần nề cũng khá đặc biệt, nhất là phần cổng ở hai đầu cầu. Cổng được xây theo lối cửa vòm một lối, hai bên có hai hàng cột với đôi câu đối chữ Hán, phía trên vòm cổng có hình hai con nghê nâng một bức cuốn thư lớn trông vừa uuy nghiêm vừa quen thuộc.
Cùng với cầu ngói Thanh Toàn ở Huế, cầu Chùa Cầu ở Hội An, cầu ngói chùa Lương là một trong những công trình kiến trúc đẹp, điển hình cho một loại hình công trình giao thông cổ xưa nay còn sót lại.
Trải qua năm tháng, cầu ngói chùa Lương nay vẫn còn lưu giữ được những nét kiến trúc tiêu biểu của một thời đã qua. Đây là một công trình cổ kính, điểm nhấn trong tổng thể di tích lịch sử chùa Lương và đền thờ thủy tổ họ Trần. Đồng thời, nó cũng là hình ảnh minh chứng cho một thời kì phát triển hưng thịnh mà cũng rất đỗi thanh bình ở miền quê Hải Hậu xưa./.
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ