Kinh tế

Cá tầm ở Đa Mi

Lần đầu tiên, giống cá tầm, một giống cá nổi tiếng sống chủ yếu tại các vùng nước lạnh ở Nga, đã được nhân nuôi thành công tại vùng hồ thủy điện Đa Mi thuộc khu vực huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới trên vùng đất núi rừng Nam Trung Bộ này
Trước đây, hồ Đa Mi chỉ có nhiệm vụ chứa nước phục vụ cho Nhà máy thủy điện Đa Mi nên nước lúc nào cũng đầy và ổn định. Thế nhưng, không ai biết tận dụng nó để sử dụng vào việc gì nên người ta gọi nó là vùng nước “chết”.
Tháng 6/2008, kỹ sư thủy sản Trần Văn Tuấn và một số kỹ sư thủy sản người Việt khác từng có thời gian học tập và công tác lâu năm tại Nga đã đến Đa Mi để tham quan du lịch. Khi đến đây, mọi người phát hiện ra vùng nước này rất thích hợp với việc nuôi cá tầm vì hồ có độ sâu bình quân khoảng 50m, mực nước luôn ổn định, độ lạnh phù hợp và đặc biệt là nguồn nước không bị ô nhiễm… nên nhóm quyết định đưa giống cá tầm về hồ Đa Mi nuôi thử.
 

Toàn cảnh hồ thủy điện Đa Mi và những chiếc lồng nuôi cá tầm của Công ty Cổ phần Tầm Long - Đa Mi.

Hàng ngày, các nhân viên kỹ thuật của Công ty Cổ phần Tầm Long - Đa Mi phải kiểm tra trọng lượng, sức khỏe cho từng đàn cá.

Cá tầm trưởng thành chuẩn bị xuất bán.

Bè phân loại cá tầm trước khi xuất bán.

Phòng kỹ thuật theo dõi quá trình nuôi cá tầm.

Vận chuyển thức ăn ra lồng nuôi cá tầm.

Nuôi cá tầm mở ra một hướng phát triển kinh tế mới trên vùng đất núi rừng Nam Trung Bộ.

Nếu dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp được Công ty Tầm Long - Đa Mi triển khai thực hiện,
hồ Đa Mi sẽ là một điểm nhấn đặc sắc trong quần thể khu du lịch Hàm Thuận - Đa Mi.

Sau khi hoàn tất thủ tục đầu tư, nhóm đã thành lập Công ty cổ phần Tầm Long - Đa Mi do kĩ sư Trần Văn Tuấn làm Giám đốc. Thời gian đầu, Công ty đưa vào nuôi thử nghiệm 20 lồng với 23.000 con cá giống. Sau 3 tháng, cá tầm phát triển khá tốt, không bị bệnh nên Công ty quyết định phát triển thêm 30 lồng nữa. Cuối năm 2008, Công ty xuất bán lứa đầu tiên được khoảng 15 tấn với giá 250.000 đồng/1kg (giá bán sỉ tại hồ). Anh Vũ Đức Tâm, kĩ sư trưởng Công ty cổ phần Tầm Long - Đa Mi cho biết: “Nuôi cá tầm không khó như các con cá khác vì cá tầm có nguồn gốc từ loài cá mập búa nên có thể chất rất khỏe, ít bị dịch bệnh. Thức ăn chủ yếu là thức ăn tổng hợp nên rất dễ chăm sóc. Cá tầm lớn rất nhanh trong 3 tháng đầu. Sau 1 năm có con đạt trọng lượng từ 2,5 đến 3kg/con”.
Hiện tại, Công ty chỉ đủ sản lượng xuất bán trong nước nên giá thành vẫn còn thấp. Về lâu dài, Công ty sẽ đầu tư khoảng 1.000 lồng trên diện tích 600 ha mặt nước của lòng hồ Đa Mi để nuôi cá tầm xuất khẩu sang Nga. Theo các chuyên gia Nga từng được Công ty Cổ phần Tầm Long - Đa Mi thuê khảo sát, hồ thủy điện Đa Mi đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về nhiệt độ, môi trường trong sạch, có dòng chảy thích hợp, cho nên nếu đầu tư đúng mức, nơi đây sẽ trở thành trung tâm sản xuất cá tầm và trứng cá đen uy tín hàng đầu của Việt Nam và thế giới.
Hiện nay, giống cá tầm được nuôi thành công tại Việt Nam bao gồm các loài như: cá tầm Sterlet, cá tầm Siberi, cá tầm Nga được nhập khẩu hoàn toàn từ nước Nga. Để đảm bảo nguồn giống và kĩ thuật nuôi, Công ty đã thuê 3 chuyên gia kĩ thuật người Nga đảm bảo việc ấp trứng và nuôi cá tầm. Sau khi xuất bán, thịt cá tầm nuôi tại hồ Đa Mi có chất lượng không khác biệt với cá tầm sống ngoài thiên nhiên. Năm 2009, Công ty đã xuất được 150 tấn cá tầm. Công ty dự kiến trong thời gian tới sẽ nhập thêm các loại cá tầm của Nga về nghiên cứu và xây dựng một trại tự làm giống cá tầm đầu tiên của Việt Nam.
Từ lâu, thịt và trứng cá tầm được buôn bán trên thế giới như là đồ cao lương mĩ vị. Ở Việt Nam, cá tầm thường được dùng để chế biến các món như: xông khói, làm gỏi, xào cay, lẩu, chiên... và trở thành món ăn cao cấp dành cho giới “quý tộc”... Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cá tầm Phương Nam (54, Nguyễn Đình Chiểu, quận 1) là nơi chuyên kinh doanh, cung cấp các món ăn chế biến từ cá tầm với giá khoảng 250.000 đồng/kg thịt cá và khoảng 1.000 USD/kg trứng.
Được biết, tại Đa Mi, Công ty Cổ phần Tầm Long - Đa Mi không những chỉ muốn phát triển nghề nuôi cá tầm với quy mô công nghiệp mà còn hướng đến một dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp vì nơi đây có hồ nước đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư du lịch sinh thái chất lượng cao. Ngoài ra, hồ Hàm Thuận - Đa Mi có vị trí nằm giữa ba thành phố du lịch lớn là Phan Thiết - Đà Lạt - Nha Trang, nên rất thuận lợi để xây dựng và phát triển một khu du lịch nghỉ mát độc đáo của Bình Thuận.
Dự kiến, bước đầu Công ty sẽ đầu tư xây dựng trên khoảng 50ha đất thuộc khu vực quanh hồ thủy điện Đa Mi. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành một khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, kết hợp tham quan, thưởng thức cá tầm phục vụ cho các đối tượng khách cao cấp. Tương lai không xa, nếu dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp được Công ty Tầm Long - Đa Mi triển khai thực hiện, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái cũng như môi trường nước trong hồ Đa Mi, tin rằng khu vực này sẽ là một điểm nhấn đặc sắc trong quần thể khu du lịch Hàm Thuận - Đa Mi./.
 
“Cá tầm xuất hiện trên trái đất cách đây khoảng 200 triệu năm. Đây là loài cá sống chủ yếu ở vùng nước lạnh tại các nước có khí hậu ôn đới. Do cá tầm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nạn đánh bắt cá tầm tự nhiên đã diễn ra trên thế giới trong nhiều năm qua khiến cho cá tầm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì thế, Liên hợp quốc đã ra công ước về hoạt động buôn bán quốc tế các loại động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng (CITES) áp đặt lệnh cấm nhập khẩu trứng cá tầm đánh bắt từ thiên nhiên”.
 
Bài: Hữu Thành - Ảnh: Kim Sơn, Hữu Thành, Minh Quốc

Bài: Hữu Thành - Ảnh: Kim Sơn, Hữu Thành, Minh Quốc

Hiệu quả kinh tế cao từ quả dưa lưới tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

Hiệu quả kinh tế cao từ quả dưa lưới tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

Bình Dương là một trong những địa phương có diện tích trồng dưa lưới nhiều nhất cả nước, sản phẩm dưa lưới của tỉnh hiện có mặt ở hệ thống siêu thị nhiều địa phương, tỉnh thành. Trong đó HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (HTX Kim Long) là điển hình tiêu biểu, thành công với trang trại dưa lưới nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Top