Đời sống Việt

Bình yên nơi vùng biên Kon Tum

Đã có một thời cách đây chưa lâu, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng biên Kon Tum bị đảo lộn khi nhiều người nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời lừa phỉnh của kẻ xấu bỏ nhà cửa, ruộng nương, con cái, đập bể chóe chum, bỏ cả cồng chiêng, phong tục bản làng để theo tà đạo Hà Mòn gây nên bao nỗi thống khổ cho nhiều gia đình. Hôm nay cuộc sống đã dần trở lại bình yên trong từng nếp nhà, ngõ xóm nhờ sự sẻ chia, đùm bọc của tình làng nghĩa xóm và sự giúp đỡ chí tình của những người lính quân hàm xanh kiên trì gắn bó với người dân nơi vùng biên cương xa xôi.

Giữa trời trưa nắng cháy, thiếu tá Nguyễn Doãn Hải, chính trị viên phó đồn biên phòng Sa Loong, dẫn tôi đến nhà chị Y Jon, người Xơ Đăng, ở thôn Giăng Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. Đó là người đàn bà từng một thời lầm lỗi nghe theo lời rủ rê của kẻ xấu bỏ chồng con, nhà cửa theo tà đạo Hà Mòn đến mê muội quên cả lối về. Cũng may nhờ người thân, gia đình và đặc biệt là các cán bộ đồn biên phòng Sa Loong kiên trì tìm kiếm khuyên nhủ, động viên rồi chị cũng hồi tâm chuyển ý trở về với chồng con, làng bản.

Trong căn nhà nhỏ giản đơn nhưng được xây khá chắc chắn, Y Jon ngồi đó, nước da đen cháy vì nắng gió, khuôn mặt bị che kín gần hết bởi chiếc khẩu trang to xù nhưng vẫn không giấu được nụ cười ánh lên trong đôi mắt đen thẳm. Y Jon khoe với thiếu tá Hải là vừa đi rẫy về, cà phê vụ này được mùa lắm. Thứ tiếng Việt lơ lớ của người đàn bà Xơ Đăng khiến cho tôi nghe câu được câu chăng nhưng đại ý cũng hiểu họ nói với nhau những câu chuyện về mùa màng, đời sống và chuyện học hành của sắp nhỏ.

Vào ngày mùa. thôn Pêng Bloong, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei vắng vẻ hơn thường lệ vì hầu hết mọi người đều đi rẫy cả ngày. Ảnh: Thanh Hòa
Anh A Khiên, người Xơ Đăng, chánh trương đứng đầu giáo họ gần 2.000 giáo dân Công giáo ở thôn Đăk Long Giao, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: Thanh Hòa
Cán bộ đồn biên phòng xã Đăk Xú đến thăm hỏi anh A Khiên trong những ngày phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Hòa
Ông A Liêng, người Xơ Đăng ở thôn Giăng Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi một lòng thành tâm kính Chúa, yêu Bác Hồ. Ảnh: Thanh Hòa
Ban thờ nhỏ nhưng trang nghiêm và ấm cúng của gia đình ông A Liêng, ở thôn Giăng Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: Thanh Hòa 
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng xã Đăk Xú và bà con đồng bào Công giáo người Xơ Đăng ở thôn Kei Voi họp bàn kế hoạch tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Thanh Hòa

Thiếu tá Nguyễn Doãn Hải cho hay, từ ngày bỏ tà đạo trở về, Y Jon hay lam hay làm, ngày nào cũng bám lấy rẫy cà phê, chịu khó nuôi thêm con heo con gà để kiếm tiền nuôi con ăn học. Chị cũng đã theo bà con trong thôn quay trở lại sinh hoạt đạo Công giáo như trước kia nên ai cũng thương, lại được anh em biên phòng thỉnh thoảng ghé sang động viên thăm hỏi, hướng dẫn cách chăm sóc vườn cà phê, đến mùa thu hoạch thì sang giúp hái nên cuộc sống cũng đã đỡ vất vả hơn trước.

Cuộc sống xem ra chưa dư dả gì nhưng nhìn cái cách Y Jon và đứa con trai nhỏ hớn hở khoe mấy bao cà phê vừa hái với người cán bộ biên phòng và hình ảnh chiếc ban thờ Chúa nhỏ gọn nhưng tinh tươm, ngay ngắn trong ngôi nhà nhỏ có thể thấy người đàn bà ấy giờ đã tìm thấy niềm tin nơi bến đỗ của ngày trở về.

Cũng ở xã Sa Loong nhưng bên thôn Giăng Lố 1 có ông A Liêng, người Xơ Đăng. Nhà ông theo đạo Công giáo từ lâu, điều kiện và hoàn cảnh kinh tế khá ổn. Trước ông thuộc hộ nghèo, nhờ anh em biên phòng hướng dẫn cách chuyển đổi lúa nương sang trồng lúa nước, rồi làm vườn, đào thêm ao thả cá, nuôi heo... nên nay đã thoát nghèo.

Vừa chăm chú quét dọn ban thờ Chúa và cẩn thận lau tấm ảnh Bác Hồ đặt trang trọng ở một ban thờ riêng ngay cạnh, ông A Liêng vừa thủ thỉ nói như thể nói với chính mình: “Mình chẳng thèm nghe tụi nó xúi bậy, chỉ thờ Chúa và Bác Hồ thôi! Không có anh em bộ đội và cán bộ xã giúp thì mình cũng chẳng có heo, có cá, có lúa mà ăn như bây giờ!”.

Người dân xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi được mùa cà phê. Ảnh: Thanh Hòa
Chị Y Jon, người Xơ Đăng, ở thôn Giăng Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi khoe với cán bộ biên phòng những bao cà phê vừa mới thu hoạch về. Ảnh: Thanh Hòa
Bộ đội biên phòng xã Đăk Xú hướng dẫn anh A Lel, người Xơ Đăng theo đạo Công giáo, ở thôn Đăk Long Giao, phát triển kinh tế vườn, rừng. Ảnh: Thanh Hòa
Đại úy Xiêng Văn Bức, người dân tộc Giẻ Triêng, cán bộ đồn biên phòng xã Đăk Long, thăm hỏi tình hình đời sống của bà con dân tộc thiểu số thôn Pêng Bloong. Ảnh: Thanh Hòa
Cán bộ y tế xã Đăk Long, huyện Đăk Glei tận tình thăm khám cho bà Y Ninh người dân tộc Giẻ Triêng bị ốm. Ảnh: Thanh Hòa
Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum, tặng quà cho cháu nhỏ người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn được các chiến sĩ đồn biên phòng xã Đăk Long đỡ đầu nhận làm con nuôi. Ảnh: Thanh Hòa
Một buổi họp kết nghĩa giữa đồn biên phòng xã Đăk Long, huyện Đăk Glei với bà con thôn bản. Ảnh: Thanh Hòa
Niềm vui được đến trường của trẻ em xã vùng biên Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: Thanh Hòa 

Ở thôn Đăk Long Giao, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, chúng tôi lại được gặp anh A Khiên, một chánh trương trẻ người Xơ Đăng, đứng đầu giáo họ gần 2.000 giáo dân theo đạo Công giáo. A Khiên cho hay, Đăk Xú giờ đã là xã nông thôn mới, bà con yên ổn làm ăn, chẳng ai nghe kẻ xấu theo tà đạo như trước nữa. “Đám thanh niên trong thôn trước hay phá phách, giờ cũng chịu khó đi lễ và nghe lời cán bộ xã lắm nên chúng không rượu chè, hút xách và chạy xe nẹt pô ầm ĩ đêm hôm như trước nữa.”- A Khiên cười hiền bảo.

Câu chuyện về sự đổi thay của các xóm đạo vùng biên Kon Tum mà tôi được tận thấy qua chuyến đi dài đến các xã miền núi xa xôi của hai huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei xem ra chẳng thể kể hết trong vài trang viết ngắn. Chỉ biết rằng ở đó dư âm về những tháng ngày buồn đầy ám ảnh của “bóng ma” tà đạo và sự kích động, lôi kéo, dọa dẫm của đám tàn dư Fulro lưu vong giờ đã không còn, thay vào đó là nhịp sống bình yên, no đủ hiện lên qua từng nương cà phê xanh ngút ngát và qua từng thôn bản với ánh mắt, nụ cười của những con người chân chất nhưng chất chứa niềm tin vào cuộc sống mới nơi vùng biên cương xa./.

"Tà đạo Hà Mòn" hay còn gọi là “Đạo Gyin”, “Công giáo Đề ga”, xuất hiện tại Kon Tum từ cuối năm 1999 sau đó lan sang Gia Lai, Đắk Lắk với những câu chuyện huyễn hoặc tự dựng lên để lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin, hầu hết là đồng bào Xơ Đăng theo đạo Công giáo. Bằng những luận điệu mê tín dị đoan, sai trái, bịa đặt hết sức phản động, chúng đã lôi kéo, kích động giáo dân Công giáo từ bỏ đạo chính thống của mình, từ bỏ nhà thờ, gia đình, làng bản, ruộng nương để đi theo tà đạo của chúng. Nguy hiểm hơn, bọn Fulro lưu vong đã lợi dụng tà đạo này để tập hợp lực lượng kích động chống phá chính quyền, gây nghi kị xóm làng, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định về an ninh ở một số địa bàn".


 

Bài, ảnh: Thanh Hòa

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Thay vì những không gian thưởng thức cà phê đường phố ồn ào, náo nhiệt như thường thấy thì giờ đây mô hình những quán cà phê mang phong cách đồng quê đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng vì ở đó người ta tìm thấy sự thư giãn bình yên, một liệu pháp chữa lành chứng quá tải của đời sống đô thị thời hiện đại. Và đó chính là sự thú vị mà Chic Chillax, một không gian thưởng thức cà phê mang đậm phong vị đồng quê xứ Quảng mà nhiều người khó có thể bỏ qua khi đến với phố cổ Hội An.

Top