Theo chân một thợ sơn tràng (người đi rừng), chúng tôi băng rừng lội suối suốt mấy ngày trời để khám phá vẻ đẹp của những hang động còn nằm ẩn mình trong các cánh rừng sâu của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình
Anh Đinh Hồng Nhâm là một thợ sơn tràng có tiếng ở vùng rừng núi Minh Hóa. Hơn nửa đời người làm cái nghề xuyên rừng, lội suối nên dường như bất cứ chỗ nào trong vùng rừng núi Minh Hóa này anh cũng đều biết. Thậm chí, anh còn biết, ẩn dưới những tán rừng già Minh Hóa hiện có những hang động tuyệt đẹp mà ít người biết tới.
Đoàn người phải vượt qua những vách đá cao,
một bên là núi, một bên là thung sâu. |
Những nhũ đá sừng sững kì bí
trong lòng hang động ở rừng Minh Hoá. |
Vẻ đẹp nguyên sơ của rừng Minh Hoá.
Đoàn thám hiểm vượt suối bằng những chiếc săm ôtô bơm căng. |
Đường vào rừng phải vượt qua nhiều lèn đá, băng qua lắm thung sâu ẩn dưới tán rừng già nguyên sinh. Sương rừng ẩm ướt và lá cây mục kích thích cho rêu mọc lún phún trên những lèn đá lô nhô. Có đoạn, chỉ cần lệch chân một cái, rất có thể chúi mặt vào lưỡi đá tai mèo nham nhở sắc lẹm hoặc rơi xuống khe núi dựng đứng.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là một bãi cát khá bằng phẳng ven một con suối chưa được đặt tên. Anh Nhâm cho biết, hầu hết các dòng suối to nhỏ ở rừng Minh Hóa đều chảy ra từ lòng núi và chính trong những lòng núi ấy là các hang động tuyệt đẹp.
Để vào được hang đầu tiên, chúng tôi phải vượt suối bằng phao làm bằng chiếc săm ôtô bơm căng. Vừa chui vào cửa hang, trước mắt chúng tôi hiện ra một “cung điện” tráng lệ với những bức rèm nhũ đá đẹp mê hồn rủ xuống từ trần hang. Vào sâu bên trong, lòng hang hiện lên như một sân khấu nhân tạo hoành tráng được làm bằng nhũ đá đẹp lung linh, huyền ảo. Dưới bóng đèn pin, các khối thạch nhũ hiện lên mờ ảo như hình thù các loài muông thú đang nhảy múa. Cạnh đó có ba cột nhũ đá khổng lồ được sắp đặt tựa như cổng tam quan của ngôi chùa lớn.
Vẻ đẹp kì ảo của nhũ đá trong các hang động ở rừng Minh Hoá.
Vòm hang động cao là địa điểm lí tưởng cho loài dơi rừng trú ngụ. |
Sau hang thứ nhất, chúng tôi tiếp tục leo núi thêm 3 giờ nữa thì đến hang thứ hai. Ở đây, thạch nhũ có màu vàng óng như đồng thau, gõ vào ngân vang như chuông. Nền hang được rải thảm bằng hàng triệu viên đá tròn to bằng quả trứng gà cho đến nhỏ như viên bi. Khi soi đèn pin vào, các viên đá phát ra tia sáng lóng lánh, viên thì trong suốt, viên thì như ngọc trai. Anh Đinh Hồng Nhâm cho biết: “Trong quá trình đi rừng, tôi đã phát hiện ra ở đây có 5 hang động ở đầu nguồn các con suối và hầu hết các hang này đều thông với nhau, giữa các hang động này nhiều đoạn có nước ngầm nên rất khó đi qua”.
Nếu động Phong Nha được ví như một tòa lâu đài lộng lẫy đã được đưa vào khai thác du lịch và bảo quản có hiệu quả thì hệ thống hang động ở rừng Minh Hóa được ví là “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Minh Chất, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Huyện Minh Hóa là vùng đệm của rừng Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho nên cũng có nhiều hang động rất đẹp. Mới đây, huyện đã khảo sát lên phương án bảo vệ và kêu gọi đầu tư để xây dựng tour du lịch tracking xuyên rừng khám phá vẻ tuyệt mĩ của hệ thống hang động mới này ”./.
Bài và ảnh: Thông Thiện
Bài và ảnh: Thông Thiện