Gươl – ngôi nhà thiêng của người Cơ Tu ở Quảng Nam

Gươl – ngôi nhà thiêng của người Cơ Tu ở Quảng Nam

Đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam xem Gươl là ngôi nhà thiêng không thể thiếu trong đời sống văn hóa – xã hội và tinh thần của mình. Gươl không chỉ độc đáo về mặt kiến trúc mà còn là nơi gắn liền với các hoạt động quan trọng của cộng đồng như lễ hội cồng chiêng, múa tung tung da dá, những đêm hát lí, những cuộc họp bàn chuyện quan trọng của các già làng…

Nhà Gươl là linh hồn, chốn linh thiêng của người Cơ Tu. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Vùng núi Quảng Nam có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như: Ve, Triêng (Giẻ Triêng), Xơ Đăng, Cor, Ca Dong, Cơ Tu… với số dân gần 16 vạn người, chiếm khoảng 7,5% dân số toàn tỉnh nên đã tạo cho Quảng Nam một nền văn hóa dân gian hết sức đa dạng, phong phú.

Nói đến tộc người Cơ Tu với hơn 5 vạn dân này không thể không nhắc đến Gươl, một loại hình kiến trúc độc đáo, là sản phẩm văn hoá có từ lâu đời và luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Cơ Tu.

 

Nhà Gươl là công trình kiến trúc độc đáo thể hiện đậm nét văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Đối với người Cơ Tu, Gươl là ngôi nhà chung, được lập nên bằng công sức của mọi người trong làng. Theo quan niệm của người Cơ Tu, Gươl là chốn linh thiêng, là nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Gươl là nơi để những thanh niên Cơ Tu chưa vợ, những người già đến ngủ hằng đêm. Phụ nữ, con gái chưa chồng không được đến Gươl. Trong Gươl mọi người không được đánh cãi nhau mà luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh vì sự tồn tại và phát triển giống nòi của cộng đồng người Cơ Tu.

Khi bước chân vào làng của đồng bào Cơ Tu thì ấn tượng đầu tiên là ngôi nhà Gươl. Gươl thường tọa lạc ở những vùng đất rộng, trung tâm của làng. Bên cạnh Gươl lớn của làng còn có các Gươl nhỏ của các dòng họ. Đối với đồng bào Cơ Tu, làng mà không có Gươl thì làng đó không phải làng của Cơ Tu.

 

Những hình khắc trang trí Gươl phản ánh mọi hiện tượng tự nhiên và đời sống của người Cơ Tu. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Theo những người già Cơ Tu lớn tuổi am hiểu về phong tục - tập quán thì tất cả các buôn làng người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có Gươl. Gươl không phải là nhà ở mà mang chức năng công cộng, là nơi để các già làng họp bàn và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến dân làng, là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống như: lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu, lễ ăn mừng được mùa…

Cũng theo những người cao tuổi am hiểu, Gươl của người Cơ Tu có ba loại: Gươl Đuôn, là loại Gươl tròn có hình nón úp, phổ biến ở người Cơ Tu vùng thấp, thứ đến là loại Gươl Chờri Mốc là loại Gươl có mái tròn hai đầu phổ biến ở người Cơ Tu vùng trung và Gươl Patăh là loại Gươl có sàn bằng gỗ phổ biến ở người Cơ Tu vùng cao.

 

Gươl là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của dân làngẢnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Về mặt kiến trúc, Gươl là kiểu nhà sàn bằng gỗ truyền thống có mái lợp lá cao vút. Mái của Gươl thường lợp rất dày. Trên vách có nhiều hình chạm khắc thể hiện hình ảnh cuộc sống sinh động đời thường của người Cơ Tu như muông thú, cỏ cây, cảnh múa cồng chiêng, săn bắt thú rừng của các chàng trai, cô gái Cơ Tu. Các hình chạm khắc tuy có đường nét thô sơ, đơn giản nhưng rất sinh động và chân thực nên lột tả được vẻ đẹp hồn nhiên, hoang dã của người Cơ Tu.

Kết cấu của Gươl bao giờ cũng có một cây cột to ở chính giữa, xung quanh nhiều cột nhỏ kết nối với nhau thành hệ thống vững chắc. Người Cơ Tu gọi cây cột to là cột bố vì họ theo chế độ phụ hệ. Cây cột to ở giữa Gươl thể hiện trái tim, quyền lực và sức mạnh của làng. Cột càng to thì sức mạnh của làng càng lớn.

Người Cơ Tu tin rằng bên trong cây cột chính, các vách sàn... của nhà Gươl đều có linh hồn tổ tiên và ông bà của họ cư ngụ ở đó. Vì thế họ quan niệm rằng giữ được Gươl tức là giữ được cái hồn của họ, giữ được Gươl là giữ được đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc Cơ Tu. Mất Gươl là mất tất cả và mất Gươl thì hồn của người Cơ Tu cũng không còn…/. 

  •  
  • Bài & ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Top