Asean

ASEAN vượt qua thử thách năm 2021

Tiến sỹ Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore nhận định, điểm nổi bật của ASEAN trong năm 2021 chính là nỗ lực kiểm soát đại dịch ở tầm khu vực và tăng cường can dự với các nước đối tác ngoài khu vực.
ASEAN khẳng định vị thế

Cụ thể hơn, chuyên gia Hoàng Thị Hà thuộc Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak cho rằng trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2021, Brunei đã định hướng hoạt động của ASEAN vào những nội dung hợp tác chuyên ngành cụ thể, thông qua chủ đề “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng," tập trung triển khai những sáng kiến và chương trình phòng chống COVID-19, phục hồi kinh tế, chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Nhiều chương trình, sáng kiến trong số đó đã được khởi xướng từ năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam như Quỹ ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế, Khung phục hồi tổng thể và Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN đã được triển khai hiệu quả...



Từ ngày 25-28/10/2021, Ủy ban Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á tại Mexico (ACMC) phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp Mexico về ngoại thương, đầu tư
và công nghệ (COMCE) tổ chức thăm và làm việc tại bang Michoacan (Mexico) nhằm thúc đẩy giao thương và đầu tư với địa phương. Ảnh: Lưu Việt Hùng – TTXVN



Ngày 19/10/2021(giờ địa phương), Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học tổng hợp Quốc gia Kiev mang tên Taras Shevchenko và Bộ Ngoại giao Ukraine
đã tổ chức lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu các nước ASEAN với sự phối hợp của Đại sứ quán các nước ASEAN tại thủ đô Kiev. Ảnh: TTXVN/phát



Ngày 28/4/2021, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua việc tham gia thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ảnh: TTXVN phát



Ngày 4/12/2021, Hải quân Indonesia thông báo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga đã kết thúc cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên.
Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày ngoài khơi tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia nhằm mục đích tăng cường khả năng phối hợp hành động giữa hải quân
các nước thành viên ASEAN và Nga trong khu vực hàng hải chiến lược này. Hải quân Indonesia nhấn mạnh cuộc tập trận có tác động chiến lược,
giúp củng cố tình hữu nghị giữa các nước thành viên ASEAN và Nga. Ảnh: TTXVN phát



Ngày 9/9/2021, tại thủ đô Praha (Cộng hòa Séc), Ủy ban ASEAN tại Cộng hòa Séc đã tổ chức Ngày gia đình ASEAN năm 2021 (ASEAN Family Day 2021)
do Đại sứ quán Myanmar chủ trì. Đại sứ, Tham tán Công sứ 6 nước ASEAN tại Cộng hòa Séc gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan,
và Myanmar cùng phu nhân, phu quân và cán bộ, nhân viên các đại sứ quán, cơ quan đại diện của 6 quốc gia thành viên ASEAN cùng gia đình
đã nhiệt tình tham gia ngày vui chung. Đoàn Việt Nam do Đại sứ Thái Xuân Dũng và phu nhân dẫn đầu tham dự, cùng các cơ quan đại diện
và các cơ quan truyền thông, báo chí với sự chuẩn bị chu đáo, sáng tạo nên được Ủy ban ASEAN và các đoàn bạn đánh giá cao.
Ảnh: Hồng Kỳ-PV TTXVN tại Cộng hòa Séc



Ngày 5/7/2021, Ủy ban các nước ASEAN tại Argentina (ACBA) gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philipines tổ chức lễ bàn giao hàng quyên góp
giúp cho người nghèo ở tỉnh Buenos Aires khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Ảnh: TTXVN phát


Sáng 9/11/2021, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cùng đại sứ, đại biện,
đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam dự Đối thoại ASEAN - Australia về phụ nữ, hoà bình và an ninh lần thứ hai với chủ đề
"Trên đường phục hồi sau COVID-19”được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

 

Năm 2021, ASEAN vẫn duy trì vai trò trong thương mại toàn cầu khi thể hiện sự linh hoạt về kinh tế, bất chấp biến thể Delta bùng phát và tác động lớn đến khu vực. Ngoài việc giải quyết những thách thức tức thì do đại dịch, ASEAN cũng đã thể hiện tầm nhìn xa và thúc đẩy sự linh hoạt trong dài hạn. Những nỗ lực không mệt mỏi của ASEAN trong phòng chống đại dịch và hồi phục kinh tế đã giúp triển vọng tăng trưởng của các nước khu vực tương đối sáng sủa trong năm 2022.

Ngân hàng Goldman Sachs - ngân hàng đa quốc gia hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực quản lý đầu tư, đầu tư và chứng khoán dự báo hầu hết các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập cao hơn mức trên trung bình.
Trong bối cảnh đó, việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã phát đi tín hiệu rõ ràng đến cộng đồng quốc tế rằng khu vực Đông Nam Á luôn mở với doanh nghiệp.

Ổn định khu vực cũng là một trọng tâm nghị sự được các nhà lãnh đạo ASEAN đặc biệt quan tâm, thảo luận và tìm kiếm giải pháp. Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao lần thứ 38 và 39 thể hiện quan ngại của nhiều nhà lãnh đạo ASEAN về những hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng trên Biển Đông; tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau, kiềm chế những hành động làm phức tạp tình hình; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Trong vấn đề Myanmar, ASEAN đã đạt được đồng thuận 5 điểm, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.

Dấu ấn Việt Nam

Thành công của ASEAN trong năm 2021 cũng ghi nhận sự đóng góp không nhỏ và thực chất của Việt Nam. Nhiều sáng kiến được Việt Nam đề xuất trong năm Chủ tịch 2020 tiếp tục được thực hiện và đạt tiến triển.

Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với nước Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó COVID-19, đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.

Những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị với các nước đối tác về chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội… đã được các nước hoan nghênh, hưởng ứng.



Chiều 24/4/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),
được tổ chức tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia). Hội nghị do Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah, Chủ tịch ASEAN 2021 chủ trì.
Ảnh: Dương Giang – TTXVN



Sáng 30/11/2021, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao ASEAN
về hợp tác tiểu vùng vì sự phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm. Ảnh: Dương Giang-TTXVN



Sáng 10/9/2021, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị quốc tế thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO)
và Hội nghị thượng đỉnh về thương mại-đầu tư ASEAN - Trung Quốc (CABIS) lần thứ 18. Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Văn Thành dự
và phát biểu qua video trực tuyến. Ảnh: Mạnh Cường - PV TTXVN tại Trung Quốc



Ngày 15/2/2021, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng và Nội bộ Trần Đức Bình, cùng Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Chính trị - An ninh
Robert Matheus Michael Tene chính thức nhậm chức nhiệm kỳ 2021-2024. Ảnh: Ban Thư ký ASEAN


Chiều 8/8/2021, tại thủ đô Viêng Chăn diễn ra Lễ Nghiệm thu hoàn thành Nhà Quốc hội mới của Lào, quà tặng của Đảng,
Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Ảnh: Phạm Kiên - PV TTXVN tại Lào



Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ trở thành nguồn điện lớn nhất thế giới vào năm 2025, thay thế cho vị trí của năng lượng hóa thạch. Năng lượng tái tạo
của Việt Nam đã phát triển ấn tượng, chưa có nước nào trong khu vực Đông Nam Á làm được, đến nay sản lượng đã đạt trên 17.000MW.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã định hướng Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,
góp phần tạo ra những bước đột phá cho ngành Năng lượng Quốc gia của Việt Nam. Ảnh: TTXVN



Trong khuôn khổ chương trình “Diễn đàn du lịch Đông Nam Á - ATF 2022” diễn ra từ ngày 18 – 20/1/2022, tại Campuchia sắp tới, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng)
vinh dự là một trong 3 thành phố đại diện cho Việt Nam được trao giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2022. Đây là giải thưởng cao quý của ASEAN,
góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu của địa phương, sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng cao trong khu vực. Đồng thời cũng là dịp
để các đơn vị tuyên truyền quảng bá, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch Việt Nam và thương hiệu điểm đến quốc gia “VietnamTimeless Charm”
(Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận). Ảnh (tư liệu): Nguyễn Dũng-TTXVN

Dấu ấn đối ngoại năm 2021 của ASEAN còn phải kể tới việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Australia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giá trị của sự đoàn kết, giá trị cốt lõi và sức mạnh của ASEAN trong suốt 54 năm qua, gắn với trách nhiệm và tinh thần xây dựng của tất cả các thành viên cần được đề cao, qua đó giúp ASEAN có tiếng nói thống nhất, phát huy vai trò trung tâm và uy tín của ASEAN.

Campuchia đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã cam kết hướng nỗ lực của cả ASEAN vào việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là tiến trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN công bằng, vững mạnh và toàn diện, phù hợp với tinh thần chủ chốt của ASEAN là “Một tầm nhìn, một thực thể và một cộng đồng”./.

Bài: Phong Thu - Ảnh: TTXVN

Phát huy giá trị thành phố sạch ASEAN của Việt Nam

Phát huy giá trị thành phố sạch ASEAN của Việt Nam

Đầu năm 2024, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vinh danh nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao. Trong đó đáng chú ý, có 3 thành phố của Việt Nam là T.p Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), T.p Huế, (Thừa Thiên Huế) và T.p Quy Nhơn, (Bình Định) đã được vinh danh thành phố Du lịch sạch ASEAN. Một năm qua, ba thành phố này đã và đang góp phần tôn vinh, phát triển thương hiệu du lịch chất lượng cao trong khu vực.

Top