Asean

ASEAN-BIS 2020: Hướng tới “một ASEAN Số”

Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 vẫn đang bùng phát trên toàn cầu, nhưng Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN-BIS), Diễn đàn thường niên hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của gần 2500 đại biểu tham dự dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bởi tại diễn đàn đặc biệt này, cộng đồng khu vực kinh tế tư nhân được lắng nghe các nguyên thủ ASEAN và các nước đối tác cùng thảo luận về tương lai của khu vực, với chủ đề năm 2020: “ASEAN số: bền vững và bao trùm”.
Với chủ đề ASEAN Số: Bền vững và Bao trùm, ASEAN-BIS 2020 tập trung vào tương lai đầu tư và kinh doanh của khu vực.

Hội nghị năm nay có sự tham gia của 6 Lãnh đạo là các vị nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của các nước trong khu vực ASEAN và các nước đối tác đối thoại của ASEAN, cụ thể: Thủ tướng CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xân Phúc, Tổng thống Cộng hòa Indonesia Ir. H. Joko Widodo, Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Công hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Bộ trưởng các nước tham dự.

Cùng tham gia làm diễn giả tại ASEAN-BIS 2020 còn có Chủ tịch Hội đồng EU, Tổng Thư ký OECD, các Bộ trưởng phụ trách Thương mại của Anh và Myanmar, Lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, CEO của các tập đoàn hàng đầu thế giới tại những phiên thảo luận nhóm.

Hội nghị năm nay diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt. Chưa bao giờ nền kinh tế của khu vực phải đối mặt với những thử thách nghiêm trọng do sự bùng phát của Covid 19 như hiện nay. Nền kinh tế toàn cầu suy yếu, sản xuất đình trệ, sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp đã bị đẩy đến bờ vực phá sản.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị ASEAN–BIS 2020.


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam.


Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, đồng thời là Chủ tịch ASEAN–BIS 2020 phát biểu khai mạc hội nghị.


Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam năm 2020 với chủ đề "Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững".


Các đại biểu tham dự hội nghị.


Ông Tan Sri Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Malaysia, phát biểu tại phiên thảo luận về tương lại định hướng đầu tư ESG vào ASEAN.


Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, thành viên ASEAN BAC Việt Nam, phát biểu tại phiên thảo luận về triển vọng kinh tế ASEAN.

Chính vì vậy, ASEAN-BIS 2020 là cơ hội để kích hoạt lại động lực tăng trưởng, thương mại và đầu tư, đặt mục tiêu góp phần phát triển hơn nữa quan hệ đa phương, giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong khu vực.

Tại Hội nghị, các nguyên thủ và diễn giả tham gia ASEAN-BIS 2020 đã có những bài phát biểu quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra những nhận định về xu hướng phát triển, giới thiệu những chương trình hành động của các Chính phủ. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ các nước trong khu vực đã cam kết đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trong những nỗ lực phòng chống COVID và phục hồi kinh tế.

Những vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị như: Triển vọng kinh tế ASEAN; Xu hướng đầu tư đảm bảo yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị tốt (ESG); Công nghệ và tương lai việc làm trong ASEAN; ASEAN tự cường, tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: “Trong khó khăn, càng sáng lên tinh thần của một ASEAN tự cường nỗ lực hợp tác cùng nhau trên tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế, với mục tiêu bao trùm là bảo đảm sức khỏe, đời sống người dân đồng thời tạo thuận lợi phục vụ các doanh nghiệp phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong phục hồi, phát triển kinh tế”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, đồng thời là Chủ tịch ASEAN – BIS 2020 cho biết, hiện nay bài toán kép của cả khu vực đó là đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi tăng trưởng; do đó cần sự phối hợp giữa các quốc gia, cần sự chung tay giữa cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cơ quan Chính phủ.

Chủ tịch ASEAN – BIS 2020 cũng đưa ra những đề nghị cụ thể với các Chính phủ đó là tập trung vào các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Startups)... đây là những khu vực đang chịu ảnh nhiều ảnh hưởng nhất của đại dịch Covid-19 nhưng cũng là nơi sinh kế của hàng trăm triệu người dân ASEAN. Nhóm doanh nghiệp này là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế số và các mô hình phát triển bền vững bao trùm.



Nông dân làm việc trên cánh đồng ở Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN


Nông dân thu hoạch hạt cà phê tại Tanggamus, tỉnh Lampung, Indonesia, ngày 7/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN


Là công ty chuyên sản xuất dây chuyền sản xuất gạch các loại, ngay sau khi dịch COVID-19 tạm lắng, Công ty Thanh Phúc Group (Hải Phòng)
đã nỗ lực đổi mới hình thức sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thêm thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
Đến nay, công ty đã có đơn đặt hàng xuất khẩu sang nhiều nước như: Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Angola, Bangladesh,Thái Lan…
với hơn 1000 dây chuyền, dự kiến doanh thu năm 2020 đạt 220 tỷ. Ảnh: Danh Lam-TTXVN


Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Pasir Panjang ở Singapore ngày 17/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN


Các dự án nông nghiệp của Việt Nam tại Campuchia với thế mạnh về tính bền vững và ổn định tiếp tục tạo động lực lớn cho nền kinh tế địa phương,
đặc biệt đã hỗ trợ mạnh mẽ cho Chương trình chuyển đổi nghề nghiệp và tạo công ăn việc làm cho người gốc Việt ở khu vực Biển Hồ. Ảnh: TTXVN/phát


Ngày 23/8/2020, được sự bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen, Hiệp hội Doanh nhân Thái-Việt toàn Thái Lan
đã tổ chức Lễ khai trương Trung tâm Triển lãm hàng Việt Nam tại Tổ hợp thương mại VT-Namnueng Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan. Ảnh: TTXVN phát



Campuchia nối lại hoạt động xuất khẩu gạo từ đầu tháng 11/2020. Ảnh: TTXVNphát



Chính phủ Campuchia từ ngày 21/4/2020 đã thông báo miễn thuế 3 tháng cho các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ
và những hãng lữ hành tại thủ đô Phnom Penh và một loạt các tỉnh bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN phát



Thái Lan cân nhắc tái khởi động đề án thu thuế du lịch sau khi khống chế thành công dịch Covid -19. Ảnh: TTXVN phát

Trải qua hơn 5 thập niên phát triển, ASEAN đã trở thành cộng đồng kinh tế năng động, sáng tạo với hơn 630 triệu dân và tổng GDP là 3.100 tỷ USD (2019), tương đương với nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Thành tựu này được xây dựng nhờ những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp từ các doanh nghiệp lớn của khu vực đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Cùng với những cơ chế hợp tác hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, như Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), Hội đồng Kinh doanh Đông Á (EABC), ASEAN được kỳ vọng trở thành một điểm sáng của tăng trưởng hiện nay trên toàn cầu./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Công Đạt - TTXVN


Top