725 năm trước, chiến tích trên sông Bạch Đằng đã trở thành một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này không chỉ cho thấy sức mạnh đoàn kết của quân dân Đại Việt mà còn thể hiện sức mạnh và nghệ thuật quân sự của Việt Nam thời bấy giờ…
Đến thị xã Quảng Yên những ngày này, thay vì sự yên tĩnh, thanh bình vốn có của một vùng đất từng là trấn lỵ xưa của tỉnh Quảng Ninh, là không khí tưng bừng, náo nhiệt của Lễ hội 725 năm chiến thắng Bạch Đằng (1288 - 2013) cùng sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người dân vùng đất cổ này.
Những dãy phố yên ả, chấm phá những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, đều được trang hoàng cờ hoa rực rỡ, chạy khắp từ Đền Trần Hưng Đạo đến đình Yên Giang - nơi diễn ra những nghi thức chính của Lễ hội Bạch Đằng.
Khúc sông Bạch Đằng nơi diễn ra trận thủy chiến năm 1288.
Một góc bãi cọc Yên Giang.
Cọc Bạch Đằng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Bạch Đằng.
Tranh vẽ miêu tả sự kiện chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. |
Để tri ân và ghi nhớ công lao dựng nước, giữ nước của cha ông, ngày 27/9/2012, Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích Lịch sử Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói riêng mà còn là niềm tự hào của người dân cả nước trong việc bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.
Quy mô lễ hội năm nay được nhân lên gấp bội với sự quy tụ của gần 100 đoàn rước, thu hút khoảng 20.000 lượt người tham gia, diễn ra trong 4 ngày (15 - 18/4/2013) với nhiều nghi lễ như: Tế lễ, lập đàn cầu siêu các liệt sỹ tử trận thời Trần, rước tượng Trần Hưng Đạo về Đình Yên Giang, cùng nhiều trò chơi dân gian… Từng đó năm trôi qua nhưng những chiến tích hào hùng trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1232? - 1300) cùng binh sỹ chống giặc Nguyên Mông xâm lược vẫn còn nguyên dấu ấn trong tiềm thức người dân đất Quảng Yên. Lễ hội đã thể hiện tấm lòng tri ân của người dân với các tướng sỹ hy sinh ngoài chiến trường để có được cuộc sống hòa bình hôm nay.
Kiệu rước Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đi qua đâu, người dân tại nơi đó đều thành kính dâng hương hoa, vật phẩm tỏ lòng biết ơn... Đi cùng đoàn rước, tôi gặp cụ bà Ngô Thị Toa, người xã Mậu Khê, huyện Đông Triều. Năm nay đã 90 tuổi, ấy vậy mà cứ đến hẹn lại lên, ba năm nay, bà cùng cô em ruột 82 tuổi bắt xe buýt đi 30km để đến xem lễ hội.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang