Khám phá

Thi kéo co ngồi làng Ngọc Trì

Hàng trăm trai đinh khỏe mạnh trong làng Ngọc Trì (xã Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) cùng tham gia thi kéo co ngồi để cầu năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Theo truyền thuyết, xưa kia làng Ngọc Trì gặp hạn hán, làng có 12 cái giếng thì chỉ còn giếng thuộc xóm (gọi là mạn) Đìa còn nước. Trai mạn Đường, mạn Chợ xuống giếng mạn Đìa lấy nước bị trai mạn Đìa ngăn không cho lấy. Thời đó, nước gánh bằng quang làm từ dây song. Khi hai bên giằng co, sợ nước đổ nên ngồi xuống đất ôm lấy cả thùng nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa.


Nghi thức tế lễ trước khi thực hiện kéo co ngồi. 


Cây song dài 40m được sử dụng để làm dây kéo trong cuộc thi.


Trai đinh làng Ngọc Trì đưa dây song vào đấu. 


Trước khi kéo, dây song được nêm chặt ở lỗ cột. Trai kéo co ngồi chân co chân duỗi.
Trong đội hình từng phe, lần lượt ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây song.


Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, song được kẹp chặt dưới nách của tay co.
Sau khi có hiệu lệnh bằng ba hồi trống khẩu, nêm được tháo ra, hai Tổng phất cờ hô: “í a, kéo”.


Các “đấu sĩ” thi đấu hết sức mình trước sự hò reo cổ vũ của khán giả.


Mỗi bên là đại diện cho một thôn, mọi người đều cố gắng hết sức để dành chiến thắng về cho thôn của mình.

Trước lễ hội, người dân làng Ngọc Trì đã chuẩn bị tuyển lựa người kéo co. Tiêu chuẩn đầu tiên là gia đình có năm đời sinh sống ở làng trở lên. Tiếp đó, phải là gia đình nền nếp, gia giáo. Ngọc Trì có ba mạn là Đường, Đìa, Chợ. Mỗi mạn được cử một đội kéo co đại diện. Khi kéo co chia làm 2 mạn. Trai kéo co mỗi mạn phải đủ 24 người và một Tổng cờ. Dây song được luồn vào một lỗ cột, cũng là mốc phân định 2 mạn. Cột trụ thường là gỗ lim cỡ cột đình, được chọn chặt dưới đất. Thân cột được đục một lỗ tròn ngang đầu gối người lớn để luồn dây song. Dân làng không quan trọng chuyện thắng thua. Đội thắng, đội thua đều vui, hồ hởi, phấn khởi, cùng nhau tổ chức liên hoan.

Ngày 2/12/2015, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam (trong đó có kéo co ngồi Ngọc Trì), Campuchia, Hàn Quốc, Philippines vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Điểm độc đáo là mặc dù mỗi mạn có một đội kéo co, song dù là người dân ở mạn nào cũng đều mong đội mạn Đường thắng. Vì họ quan niệm mạn Đường (cộng đồng cốt lõi về trồng trọt) mà thắng nghĩa là năm đó dân làng làm ăn rất tốt, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh...

Nghi  lễ kéo co được người dân Thạch Bàn gìn giữ bền vững suốt những năm qua. Cả cộng đồng tham gia tự nguyện, không hề vụ lợi hoặc mang tâm lý thắng thua. Mặt khác, nghi lễ kéo co cũng như nhiều nghi lễ, tập quán xã hội khác của làng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự đoàn kết, cố kết cộng đồng./.

 
Bài và ảnh: Công Đạt

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Nằm tại phía Bắc Việt Nam, Cao Bằng tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong số đó, Lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành, Cao Bằng là một điểm sáng nổi bật vì nó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Lễ hội diễn ra nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với thiên nhiên và cầu mong cầu cho mùa màng bội thu.

Top