Asean

Nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á

Cùng Việt Nam, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đang đối mặt nhiều thách thức chưa từng có trong nỗ lực phòng chống COVID-19 như đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng virus biến thể (Anh và Ấn Độ)...  
Việt Nam - chuyển trạng thái từ phòng ngự sang chủ động tấn công trong nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19
 
Sau 34 ngày Việt Nam không ghi nhận có ca mắc mới trong cộng đồng, ngày 29/4, Hà Nam đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên và ngay sau đó, một loạt ca bệnh mới đã được phát hiện.
 
Trước diễn biến mới, phức tạp hơn của dịch COVID-19, ngày 2/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về phòng chống COVID-19.

Cuộc họp nhằm tiếp tục đánh giá lại tình hình tổ chức thực hiện việc phòng chống dịch thời gian qua, trong đó nêu rõ nguyên nhân chủ quan và xem xét trách nhiệm cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân đã lơ là, chủ quan, làm chưa nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cuộc họp thảo luận các giải pháp hiệu quả tiếp theo cần tập trung thực hiện để đẩy lùi, ngăn ngừa dịch bệnh tốt hơn.



Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên cán bộ chiến sỹ đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang
khi đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Tây Nam ngày 9/5/2021. Ảnh: Văn Điệp / TTXVN.


Sáng 6/5/2021, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các cán bộ, lãnh đạo, nhân viên y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và 3 Thứ trưởng cũng tiêm trong đợt này. Ảnh: Hoàng Hiếu / TTXVN



Sau khi phát hiện bệnh nhân COVID-19 số 3229 (16 tuổi, là nữ sinh Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định),
ngành Y tế tỉnh Nam Định đã cử cán bộ về trường này lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Ảnh: Văn Đạt / TTXVN



Bộ đội hóa học phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khuôn viên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Thành Đạt / TTXVN

Sau đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 vào ngày 5/5, trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất.”

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo, nhắc nhở của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19. Thủ tướng cho rằng, phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống đựa trên thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng, trong đó, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao.


Về tổng số ca mắc, hiện Việt Nam đứng thứ 176. Tính về số ca mắc/triệu dân, Việt Nam đứng thứ 214/220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này thể hiện những vấn đề mang tính nguyên tắc, chiến lược của Việt Nam đến thời điểm này là hoàn toàn đúng đắn. 
(Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
đã thông tin chuyên đề về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới với lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí sáng 11/5).


Lào, Campuchia đang dần kiểm soát được dịch bệnh

Việc các thành phố lớn của Lào không ghi nhận hoặc có số ca mắc mới ngày một giảm cho thấy tình hình dịch đang có xu hướng được kiểm soát. Tình hình tại Campuchia cũng có chiều hướng khả quan hơn.

Hơn 3 tuần sau khi làn sóng dịch thứ 2 bắt đầu bùng phát, tình hình dịch tại Lào đang dần được kiểm soát khi số ca mắc mới, đặc biệt là tại các thành phố lớn, ngày càng giảm.

Bộ Y tế Lào vào chiều 11/5 thông báo, nước này ghi nhận 35 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó tâm dịch thủ đô Viêng Chăn có 9 ca, tiếp tục ở mức 1 chữ số.



Tờ “Vientiane Times” số ra ngày 6/5/2021 dẫn lời các quan chức CHDCND Lào về sự hỗ trợ vô cùng quý báu của Chính phủ Việt Nam
đã giúp tăng cường đáng kể nỗ lực của Chính phủ Lào trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát của dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Kiên / PV TTXVN tại Lào



Dịch bệnh COVID-19 đang gây ra những ảnh hưởng lớn tới đời sống, kinh tế của đất nước Lào nói chung và cộng đồng người Việt tại Lào nói riêng,
tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã và đang có nhiều hình thức hỗ trợ lẫn nhau
để từng bước vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Trong ảnh: Các sinh viên Việt Nam đang nộp giấy khai tên họ, số điện thoại
và khai lịch sử đi lại cho các nhân viên y tế Lào trước khi lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Phạm Kiên / Pv TTXVN tại Lào.

Tính tới thời điểm công bố này, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 1.362 trường hợp, trong đó có 297 người đã được chữa khỏi và chỉ có 1 trường hợp tử vong.

Tại Campuchia, dẫn thống kê của Bộ Y tế Campuchia cho thấy số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 giảm trong ngày thứ ba liên tiếp khi nước này ghi nhận 480 trường hợp trong ngày 11/5. Tổng số ca nhiễm tại Campuchia tới thời điểm công bố này là 20.223 người, trong đó 8.170 trường hợp được điều trị bình phục.



Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/5/2021. Ảnh: THX / TTXVN

Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 2 vừa qua và đến nay đã có hơn 1,8 triệu người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh sẽ mua hơn 20 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho hơn 10 triệu người tại Campuchia, qua đó tạo miễn dịch cộng đồng.

Thái Lan dự tính mua tổng cộng 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19

Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu mua 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 50 triệu người trong tổng dân số khoảng 70 triệu người của Thái Lan nhằm tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tuyên bố sẽ mua tới 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp khó lường trước khi đại dịch tiếp tục hoành hành ở nhiều nước.



Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP / TTXVN

Theo ông Prayut, ưu tiên đầu tiên sẽ là tăng số liều vaccine lên 150 triệu liều hoặc hơn và chuẩn bị cho bất kỳ rủi ro nào liên quan đến những loại vaccine đó.

Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu mua 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 50 triệu người trong tổng dân số khoảng 70 triệu người của Thái Lan nhằm tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng.

Ông Prayut Chan-o-cha nói rằng Thái Lan có dân số trưởng thành khoảng 60 triệu người và do đó cần ít nhất 120 triệu liều vaccine để tiêm mỗi người đủ 2 mũi.

Brunei đánh dấu một năm không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng

Sau khi xác nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên ngày 9/3/2020, Brunei duy trì biện pháp kiểm soát biên giới cũng như các quy định đi lại chặt chẽ để ngăn virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xâm nhập.

Ngày 6/5, Chính phủ Brunei công bố không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, đánh dấu một năm không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng.

Sau khi xác nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên ngày 9/3/2020, Brunei duy trì biện pháp kiểm soát biên giới cũng như các quy định đi lại chặt chẽ để ngăn virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xâm nhập dù số du khách nước ngoài đến quốc gia Đông Nam Á này giảm mạnh.

Từ ngày 3/4 vừa qua, Chính phủ đã khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia. Tính đến ngày 5/5, đã có 17.776 người tại quốc gia 450.000 dân này được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Indonesia có kế hoạch kéo dài lệnh hạn chế hoạt động quy mô nhỏ

Phát biểu họp báo trực tuyến từ Phủ Tổng thống ở Jakarta, Chủ tịch KPC-PEN đồng thời là Bộ trưởng Điều phối Kinh tế cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục áp đặt PPKM tại 30 trên tổng số 34 tỉnh và thành phố trên cả nước, từ ngày 18-31/5, ngay sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid Al-Fitr của người Hồi giáo.

Các ca mắc COVID-19 cũng gia tăng trở lại tại 11 tỉnh, thành, trong đó 5 địa phương tăng khá mạnh gồm Quần đảo Riau, Riau, Nam Sumatra, Aceh, và Tây Kalimantan.

Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia, nước này sẽ tăng cường chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid Al-Fitr của người Hồi giáo, với mục tiêu tiêm 1 triệu liều mỗi ngày.

Indonesia đặt mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 181,5 triệu người nhằm đạt khả năng miễn dịch cộng đồng trong vòng một năm. Quốc gia này đã đặt hàng tổng cộng 426 triệu liều vaccine với nhiều hãng dược phẩm quốc tế, trong đó có Sinovac, AstraZaneca, Pfizer và Novavax.

Malaysia ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc vì dịch COVID-19

Ngày 10/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối phó với một làn sóng COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này vượt 440.000 ca.



Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Kajang, Malaysia, ngày 8/5/2021. Ảnh: THX / TTXVN

Từ ngày 10/5 đến ngày 6/6 tới, mọi hoạt động xã hội, thể thao sẽ bị cấm trong khi tất cả các cơ sở giáo dục đều phải đóng cửa. Các biện pháp hạn chế khác trong thời gian phong tỏa sẽ có hiệu lực từ ngày 12/5 tới ngày 7/6. Trong thời gian phong tỏa toàn quốc, mọi lĩnh vực kinh tế vẫn hoạt động bình thường.

Theo đó, việc di chuyển giữa các quận và các bang tại Malaysia sẽ bị cấm, trừ các trường hợp khẩn cấp.

Singapore nâng thời gian cách ly bắt buộc với du khách trong khi s
ố ca nhiễm mới tại Philippines vẫn ở mức cao

Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 của Singapore cho biết yêu cầu cách ly bắt buộc 21 ngày tại các cơ sở y tế sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 8/5.

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều chủng mới, Singapore đã quyết định kéo dài thời gian cách ly bắt buộc với người nhập cảnh từ các nước có nguy cơ cao lên 21 ngày, đồng thời thắt chặt hơn một số biện pháp giãn cách xã hội trong nước.


Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 của Singapore cho biết yêu cầu cách ly bắt buộc 21 ngày tại các cơ sở y tế sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 8/5.

Du khách đến từ tất cả các nước, trừ Australia, New Zealand, Brunei và Trung Quốc (gồm cả Hong Kong, Đài Loan, Macau) - đều là đối tượng áp dụng của quy định mới này.

Đối với Fiji và Việt Nam, những du khách đã từng ở tại 2 nước này trong 21 ngày qua (nâng so với tiêu chí 14 ngày trước đây) khi nhập cảnh vào Singapore cũng sẽ phải cách ly 21 ngày tại các cơ sở y tế, nhưng 7 ngày cuối có thể được lựa chọn cách ly tại nhà. Trước đó, du khách đến từ Fiji và Việt Nam chỉ cách ly 14 ngày và được lựa chọn cách ly tại nhà.


Còn với Philippines, quốc gia khoảng 110 triệu dân này nước này tiếp tục đối mặt với số ca nhiễm tăng mạnh do xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao hơn trong khi người dân lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh.


Một tấm biển kêu gọi người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/4/2021. Ảnh: THX / TTXVN

Theo Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire, nước này đến nay đã tiêm tổng cộng hơn 1,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi và những người có bệnh nền. Chính phủ Philippines có kế hoạch tiêm phòng cho 70 triệu người dân trong năm nay để đạt miễn dịch cộng đồng../.

TTXVN / Báo ảnh Việt Nam


Top